Thời tiết thuận lợi, năng suất đạt cao nhưng giá nông sản lại thấp, vì thế, nông dân nhiều địa phương đã trồng xen canh để nâng giá trị trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, tích cực chăm sóc rau giống chuẩn bị cho vụ đông.
Trồng xen bí và ngô sinh khối để tăng giá trị
Thời điểm cuối thu đầu đông, nếu trồng bí sẽ dễ trồng và cho năng suất cao, nhưng giá bí xanh tại thời điểm này lại thấp, vì vậy bà con trồng bí tại Nghệ An đã trồng xen giữa bí xanh và ngô sinh khối để tăng giá trị.
Ông Nguyễn Văn Vỹ, thôn Đại Đồng, xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) cho biết: “Bí xanh được gia đình duy trì gieo trồng nhiều năm nay. Vụ thu đông năm nay, gia đình trồng 5 sào bí xanh, thời gian ra giống từ tháng 9/2023, sau 2,5 tháng thì cho thu hoạch. So với năm ngoái, giá bí xanh năm nay giảm mạnh, đầu vụ chỉ 3.500 đồng/kg nay là 6.000 đồng/kg”.
Nhiều hộ dân sau thu hái đã đưa bí về kho bảo quản, chờ lên giá mới xuất bán. Ảnh: T.P
Giá bí đang được bà con thu mua tại ruộng với giá từ 3.700 - 6.000 đồng/kg. “Mức giá này thấp thua năm ngoái từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bà con vẫn có lãi dù không cao. Bù lại, bí được mùa nên bà con khá phấn khởi”, ông Nguyễn Thành Luân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết.
Sở dĩ giá bí xanh xuống thấp là do thời điểm này, các địa phương trong cả nước đều trồng được bí, sản lượng nhiều nên gây áp lực lên thị trường tiêu thụ, trong khi đó các loại rau xanh cũng vào vụ thu hoạch.
“Vụ đông xuân giá bí lên cao, có thời điểm lên đến 20.000 đồng/kg, là do việc trồng bí ở các địa phương phía Bắc hầu như ngưng trệ vì giá rét. Còn vụ bí hè thu giá cũng cao, dao động ở mức 7.000 - 12.000 đồng/kg là vì nắng nóng, khô hạn, chỉ có vùng nào thuận lợi nước tưới mới sản xuất được”, bà Nguyễn Thị Oanh, một thương lái chuyên thu mua rau củ tiêu thụ ở Lào, Hà Nội và Đà Nẵng cho biết.
Nắm bắt được quy luật cung - cầu này, nhiều địa phương đã tìm cách “né” làm vụ bí thu đông. Chẳng hạn như xã Thanh Hoà (Thanh Chương), vào vụ đông xuân thì diện tích bí xanh lên đến 10ha nhưng vụ thu đông người dân chỉ trồng 2ha. Thay vào đó, trồng cây ngô sinh khối bán cho các trang trại chăn nuôi.
Hoặc, nhiều hộ, vụ này vừa trồng bí, vừa trồng xen các loại rau ngắn ngày để tăng thu nhập. Chẳng hạn nhiều hộ ở thôn Đại Đồng (xã Quỳnh Liên) trồng xen trong bí là các loại rau ngắn ngày như cải củ, cải canh, cải cúc…
Ông Nguyễn Văn Vỹ cho biết: “Trồng xen từ khi xuống giống bí đến khi thu hoạch có thể trồng được 1 lứa rau tầm 20-30 ngày. Sau khi thu hoạch rau thì làm đất, vun luống cho bí. Trồng xen này, vừa đỡ cỏ bí, lại có thêm thu nhập. Như năm nay, giá bí thấp thì đã có thu nhập từ rau kéo lại”.
Xen canh rau và màu để tăng giá trị cho sản phẩm nông sản và hài hòa “cung – cầu” là một trong những phương pháp mà người nông dân lựa chọn, cách làm này cũng nên nhân rộng để người nông dân đỡ thiệt hai khi sản phẩm thu hoạch thì nhiều, nhưng giá thì lại xuống thấp không đảm bảo được thu chi và có lãi.
Đã sẵn sàng cung ứng cây rau giống cho vụ đông
Nhiều năm qua, thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, Can Lộc) được xem là “vựa” rau giống lớn nhất tỉnh. Toàn thôn hiện có 25 ha trồng rau giống, mỗi vụ sản xuất xuất ra thị trường hàng triệu cây giống như: su hào, súp lơ, cải bắp, bầu, bí, rau cải các loại...
Ông Nguyễn Văn Hoan - Bí thư Chi bộ thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, Can Lộc) cho biết: "Trồng rau giống là nghề truyền thống của thôn chúng tôi hàng chục năm nay.
Nông dân thôn Hồng Lĩnh tích cực chăm bón rau giống để chuẩn bị xuất bán ra thị trường.
Trước đây, việc trồng trọt chủ yếu là tự phát, từ năm 2014, nhờ xây dựng nông thôn mới, sau đó là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, việc quy hoạch sản xuất được đưa vào quy củ, chuyên nghiệp. Vì vậy, bên cạnh gia tăng sản lượng, chất lượng cây rau giống cũng được nâng tầm. Nhiều năm qua, cây rau giống thôn Hồng Lĩnh luôn được bà con trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ sản xuất cây rau giống, trung bình mỗi vụ (luân canh trong 3-4 tháng), bà con thu về ước khoảng 60- 80 triệu đồng/sào gieo trồng".
Do năm nhuận, có 2 tháng 2, nên việc triển khai sản xuất cây rau giống vụ đông của nông dân thôn Hồng Lĩnh chậm hơn mọi năm. nhờ sự nỗ lực khắc phục và chăm bón tốt, đến thời điểm này, hàng chục ha rau giống tại thôn Hồng Lĩnh đã bắt đầu lên xanh, chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch xuất ra thị trường.
Anh Phan Văn Đức (52 tuổi, thôn Hồng Lĩnh) cho biết: "Tuy số lượng chưa nhiều nhưng thời điểm này, chúng tôi đã bắt đầu xuất bán một số cây rau giống như: cải mồng gà, súp lơ, su hào, xà lách... Đây chủ yếu là những luống rau chúng tôi dùng loại hom nhựa mới làm khung để phủ bạt ni lông, tránh được đợt mưa lớn vừa qua".
Kiến nghị hỗ trợ giống rau màu để tái sản xuất
Không thuận lợi như những địa phương khác, nông dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng đợt mưa lũ vừa qua đã khiến hàng chục héc ta trồng cây ném và các loại hoa màu khác.
Bà Lê Thị Chậm, người dân ở thôn Thiện Tây đang tranh thủ khôi phục một số ít vồng ném ở vị trí cao bằng cách ủ tro, rắc thêm rơm để “tiếp sức” cho cây. Bà Chậm cho hay: “Trong tổng số 3 sào ném của gia đình tôi thì đến nay đã có hơn 2 sào bị thiệt hại hoàn toàn do ngâm nước đến 5-6 ngày trong đợt lũ vừa qua. Cây ném bị hư úng phần rễ, héo thân và không thể phát triển được nữa”.
Hàng chục héc ta trồng cây ném của người dân xã Hải Định, huyện Hải Lăng thiệt hại nặng do mưa lũ -Ảnh: Đ.V
Trong khi đó, hộ gia đình ông Phùng Đức Bình canh tác 2 sào ném ở thôn Thiện Đông cũng bị nước lũ tràn về kéo theo một lượng cát lấp hơn 3 vồng ném đang lên tươi tốt.
“Gia đình tôi ở thôn Thiện Tây nhưng về thuê đất ở thôn Thiện Đông trồng ném với hy vọng có nguồn thu nhập trang trải vào dịp Tết nhưng giờ thiệt hại gần như hoàn toàn. Tuy giống ném hơi đắt nhưng đợi những đợt mưa sắp tới qua đi, đất khô ráo hơn gia đình tôi sẽ cố gắng mua cây ném giống về dặm lại để mong có thêm nguồn thu nhập dịp cuối năm”, ông Bình bày tỏ.
Trưởng thôn Thiện Tây Lê Hoài Sơn cho biết, toàn thôn có khoảng 200 hộ dân trồng hoa màu ở vùng rú cát. Trong đó, đa số các hộ đều có trồng ném với diện tích từ 0,5- 3 sào ném/hộ. Những năm qua, người dân thu hoạch từ ném lá và ném củ đạt bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/sào. Cây ném cũng chính là cây trồng chủ lực vụ thu đông và là nguồn thu nhập khá của nông dân nơi đây vào mỗi dịp cuối năm. Tuy vậy, liên tiếp các đợt mưa lũ vừa qua đã làm nhiều diện tích canh tác ném, hoa màu của bà con hư hại nặng.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định Bùi Như Lộc cho biết, vụ thu đông hằng năm người dân trên địa bàn sản xuất cây màu phục vụ tết Nguyên đán sắp đến. Tuy nhiên, do ngập lũ khá nặng gây thiệt hại đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
“Chính quyền địa phương kiến nghị các cấp, các ngành kịp thời quan tâm hỗ trợ nguồn giống rau màu để giúp bà con tái sản xuất. Đồng thời, sớm hỗ trợ kinh phí từ nguồn khắc phục thiên tai để Nhân dân ổn định đời sống”, ông Lộc kiến nghị.
Thời điểm này đang vào chính vụ đông, nông dân các địa phương đang khẩn trương thực hiện gieo trồng, tuy nhiên việc một số địa phương gặp thiên tai trong thời gian vừa qua, nên rất cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về giống để bà con nông dân tái sản xuất.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.