Thời gian qua, thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm bông của Việt Nam khiến người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài (TX. Sông Cầu, Phú Yên) điêu đứng. Trước tình hình này, người dân bắt đầu tìm hướng đi mới. Vậy hướng đi mới của người dân là gì?
Theo các thương lái, tôm hùm bông giảm giá mạnh, thương lái không mua hoặc mua với giá rất thấp trong thời gian gần đây là do thị trường Trung Quốc ngưng nhập khẩu loại hải sản này. Bởi thị trường tiêu thụ tôm hùm các loại chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Người dân thu hoạch tôm hùm xanh tạo không khí nhộn nhịp.
Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam thì Trung Quốc chiếm hơn 98%, còn lại là các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, mới đây, Trung Quốc sửa Luật Bảo vệ động vật hoang dã, cấm bắt và buôn bán tôm hùm bông thiên nhiên. Để xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh là tôm giống không được đánh bắt trực tiếp từ biển, minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng giống khai thác từ tự nhiên, nghĩa là con giống phải là thế hệ F2; đơn vị nhập khẩu phải có giấy phép... Điều này khiến việc bán tôm hùm bông phục vụ xuất khẩu càng thêm khó khăn, bởi con giống tôm hùm bông được nuôi ở Phú Yên nói riêng của Việt Nam nói chung chủ yếu là nhập khẩu và khai thác bắt từ tự nhiên, trong nước chưa sản xuất nhân tạo.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều người dân nuôi tôm hùm chuyển nhiều diện tích nuôi tôm hùm bông sang nuôi tôm hùm xanh.
Hàng chục tấn tôm hùm xanh đưa lên bờ đang được thương lái cân, kiểm tra.
Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều xe đông lạnh của các thương lái ở ngoài tỉnh liên tục xuất hiện, tập trung tại các đầm để thu mua tôm hùm xanh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Hà, người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương chia sẻ, TX. Sông Cầu là thủ phủ tôm hùm ở Phú Yên. Lâu nay, giá tôm hùm bông dao động từ 1,6- 2,4 triệu/kg, nhưng từ khi Trung Quốc sửa đổi luật, giá tôm đã giảm hơn một nửa. Giá rẻ nhưng đầu ra của sản phẩm vô cùng khó khăn, khiến người nuôi lỗ nặng.
"Trong thời gian tới, tôi không biết khi nào được xuất khẩu chính ngạch được, một trong các điều kiện tiên quyết với người nuôi là phải chứng minh được nguồn giống của sản phẩm nuôi. Do vậy, trong thời gian chờ đợi, tôi đã chuyển số diện tích nuôi tôm hùm bông sang nuôi tôm hùm xanh. Tuy tôm hùm xanh với giá bán 980.000 đồng/kg như hiện nay không được giá cao như tôm hùm bông nhưng được các thương lái mua thuận lợi”, ông Hà nói.
Còn chị Phạm Thị Lan, người nuôi tôm gần đó cho hay, nuôi tôm hùm bông rất tốn chi phí, một ngày mất khoảng 3-5 triệu thức ăn, thời gian nuôi gấp đôi tôm hùm xanh. Chu kỳ nuôi tôm hùm bông dài hơn tôm hùm xanh 6 tháng, tức là phải mất khoảng 12-14 tháng, tôm hùm bông mới đạt kích cỡ từ 0,7 đến 1 kg/con.
Những chiếc xe tải đông lạnh đang đậu bên lề đường để nhân công bốc xếp tôm hùm xanh đưa đi tiêu thụ.
Chị Lưu Thúy Hồng - một thương lái thu mua tôm hùm ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, lâu nay cơ sở của chị thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng do phía bạn tạm dừng nhập tôm hùm bông nên cơ sở giờ chỉ mua tôm hùm xanh.
Theo Chủ tịch UBND TX. Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy, toàn thị xã nuôi hơn 62.000 lồng, nhưng chủ yếu là nuôi tôm hùm xanh. Từ khi thị trường Trung Quốc dừng tiêu thụ tôm hùm bông, người dân ở đây đầu tư mở rộng tôm hùm xanh, nhưng giá cả loại tôm này cùng với một số thủy sản khác như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương… cũng giảm xuống so với trước. Hiện nay việc xuất khẩu tôm hùm xanh vẫn đang thuận lợi.
Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các địa phương theo dõi thông tin thị trường tiêu thụ để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tuân thủ quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc.
Trước mắt, người nuôi nên giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh là hướng tháo gỡ khả quan nhất trong thời điểm hiện nay, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.
Hiện nay, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là hai loại tôm hùm chính được thả nuôi và xuất khẩu. Tôm hùm xanh hiện chiếm khoảng 60% sản lượng tôm hùm được thả nuôi tại các tỉnh Nam Trung Bộ, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Riêng Phú Yên là thủ phủ nuôi tôm hùm lớn nhất miền Trung với gần 87.600 lồng nuôi, sản lượng 2.000 tấn/năm (tôm xanh và tôm bông). |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.