Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 8 năm 2023 | 9:46

Tuyên Quang tập trung nâng cao giá trị nông sản chủ lực

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, cả 4/4 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông nghiệp đều đang hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra.

Kết quả đạt được là do ngành Nông nghiệp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững gắn với công nghiệp chế biến, tập trung vào các vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, đặc sản

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản mà tỉnh có thế mạnh. Điển hình như cây chè, tỉnh tập trung thâm canh nâng cao năng suất; rà soát trồng mới, trồng thay thế diện tích già cỗi bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất cao, chất lượng tốt. Toàn tỉnh hiện có 8.298,2ha chè;  trong đó  có 2.270ha  chè đặc sản, sản lượng búp tươi đạt trên 74.000 tấn/năm.

Hết năm 2022, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang có 3.200ha cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Diện tích cam của tỉnh ước đạt 7.412ha, sản lượng trên 95.000 tấn quả. Có 1.423,6 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 33,4ha theo tiêu chuẩn hữu cơ. Diện tích trồng bưởi trên 5.358ha, trong đó 4.626ha cho sản phẩm. Bưởi Xuân Vân và cam sành Hàm Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Ngành Nông nghiệp đã tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, hữu cơ; hết năm 2022, có trên 3.200ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn này. Tuyên Quang được cấp 09 mã số vùng trồng, 03 mã số cơ sở đóng gói; sản phẩm được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu thị trường; thương hiệu, sức cạnh tranh nông sản tiếp tục được nâng cao. Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt bình quân đạt 108,24 triệu đồng/năm, tăng 1,12 lần so với năm 2020.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Tuyên Quang đã chuyển dần sang chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại liên kết, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP). Trong đó, đàn trâu, bò đã chuyển dần sang nuôi hàng hóa, sản lượng thịt hơi tăng trên 5%/năm. Đến hết năm 2023, tổng đàn trâu ước đạt 90.951 con. Ngành Nông nghiệp thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Hàng năm liên kết chăn nuôi khoảng  1.000 con trâu thịt. Trong khi đó, đàn bò đạt 41.167 con, tốc độ tăng bình quân 4,06%/năm.

Cùng với đó, Tuyên Quang đã phát huy lợi thế nuôi cá đặc sản hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện. Ước sản lượng năm 2023 đạt 11.875 tấn (tốc độ tăng bình quân 8,3%/năm), tổng số lồng nuôi cá là 2.435 lồng (tăng 235 lồng so với năm 2020). Trong đó, số lồng nuôi cá đặc sản và cá có giá trị kinh tế cao chiếm 50%; sản lượng cá đặc sản tăng bình quân 27%/năm.

Tuyên Quang đứng trong top đầu cả nước về diện tích rừng FSC với 48.318 ha.

Đặc biệt, với  448.239,92ha đất lâm nghiệp lớn, diện tích rừng hiện có 426.205ha, những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của Tuyên Quang có bước phát triển nổi bật. Hiện, đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000ha, trữ lượng gỗ nguyên liệu trên 02 triệu mét khối/năm, sản lượng khai thác hàng năm trên 900.000m3/năm, đứng tốp đầu cả nước về sản lượng khai thác; hàng năm trồng mới trên 11.000ha; thực hiện công thức “trồng 2, khai thác 1” nên tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, nhiều địa phương trong tỉnh đạt trên 70%.

Hiện, 48.318ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, đạt 53,68 % kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Tuyên Quang đã thu hút  08 nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Đẩy mạnh quảng bá, nâng cao sức cạnh tranh

Nửa nhiệm kỳ qua, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đã đẩy mạnh quảng bá, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển các sản phẩm OCOP. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Đến nay, tỉnh có 191 sản phẩm OCOP trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể, trong đó có 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá).

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 191 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP sẽ được tỉnh ưu tiên lựa chọn, giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee..., kết nối trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản đến các siêu thị, các đơn vị phân phối tiêu thụ sản phẩm có uy tín trên toàn quốc. Giá bán sản phẩm sau khi tham gia Chương trình tăng  10- 30%, tạo động lực cho chủ thể và các thành viên liên kết phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân. Xây dựng được 28 chuỗi liên kết sản phẩm an toàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 04 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Ba năm qua, ngành Nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt thiên tai, dịch Covid-19, dịch bệnh của gia súc, điển hình như dịch tả châu Phi, khủng hoảng kinh tế thế giới... Song lĩnh vực nông nghiệp và PTNT luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng vượt khó của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.

Các mục tiêu tăng trưởng của ngành đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt trên 5,3%; năm 2022 đạt gần 4,4%, và 6 tháng đầu năm đạt trên 4,3% (mục tiêu Nghị quyết phấn đấu tăng trên 4%). Ở đây nổi bật có một số mục tiêu, đó là diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn chất lượng tăng cao, tăng từ 1.600ha lên 3.200ha; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tăng lên 48.318ha, đứng trong top đầu cả nước.

Tỉnh có 191 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên và 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 04 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý (cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà, chè Shan tuyết, rượu ngô men lá Na Hang). Dự kiến hết năm 2023, có thêm 12 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; lũy kế có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 87% kế hoạch giai đoạn 2020-2025.

Sáu mục tiêu trọng tâm

Giám đốc Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: Thời gian tới, ngành tập trung tham mưu cho tỉnh cũng như tập trung tổ chức thực hiện một số mục tiêu.

Thứ nhất, bám sát các mục tiêu mà các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh đề ra. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện. Sẽ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc cơ sở tổ chức thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Những năm qua, Tuyên Quang thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi giá trị và bao tiêu sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

Thứ hai, đẩy mạnh  tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là củng cố kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; phấn đấu các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực đều được sản xuất theo các hình thức tổ chức sản xuất như: tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản.

Thứ ba, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Trung ương, của tỉnh đã ban hành, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tiêu chuẩn sản phẩm nông sản, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ giống cây trồng - vật nuôi chất lượng cao.

Thứ tư, đẩy mạnh tổ chức thực hiện quá trình hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp, nhất là Nghị quyết số 48 của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và định hướng đến 2030, trong đó là tập trung vào thực hiện tiếp nhận  thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử của ngành Nông nghiệp phục vụ cho việc hoạt động điều hành.

Chúng tôi sẽ ứng dụng các công nghệ giám sát thiên tai như: hệ thống đo mưa, hệ thống cảnh báo cháy rừng, quản lý tài nguyên rừng;  tất cả sản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ phục vụ trong chăn nuôi và trồng trọt.

Thứ năm, tiếp tục huy động lồng ghép các nguồn lực để tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt là, tập trung thực hiện tốt mục tiêu là xây dựng hai huyện Hàm Yên và Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2025.

Thứ sáu, thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, hạn hán, đảm bảo tưới tiêu trong sản xuất, dự báo và phát hiện kịp thời các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để có giải pháp khống chế không để xảy ra hay  lây lan trên diện rộng.

4/4 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 ước đạt 10.793 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân (2021-2023) 4,9%/năm (Đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng theo Nghị quyết); cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 chiếm 26,8% cơ cấu GRDP của tỉnh. GRDP đứng thứ 5 khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 dự kiến có 12 xã, vượt 4,2% kế hoạch năm 2023, lũy kế có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 87% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; dự kiến vượt mục tiêu Nghị quyết.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 65,21% (mục tiêu trên 65%). Dự kiến đạt mục tiêu Nghị quyết.

- Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2023 ước đạt 96,5%, ước năm 2025 đạt 98% (mục tiêu năm 2025 có 98%). Dự kiến đạt mục tiêu Nghị quyết.

Những năm qua, Tuyên Quang tập trung củng cố, kiện toàn và hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển hợp tác xã. Hiện, toàn tỉnh có 426 hợp tác xã; hợp tác xã ngày càng phát huy vai trò là “hạt nhân”, “lực lượng cốt lõi” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh có 57 hợp tác xã  áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 77 hợp tác xã có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm; số lượng hợp tác xã  tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng tăng, phát huy hiệu quả.

Cụ thể, toàn tỉnh có 76 liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỷ lệ giá trị sản phẩm thông qua hình thức liên kết ước đạt trên 21%; 44 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, 75 hợp tác xã, 16.607 hộ gia đình tham gia hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ 20 loại sản phẩm nông sản.

Tuyên Quang có 335 trang trại, trong đó có 182 trang trại trồng trọt, chiếm 54,3%; 111 trang trại chăn nuôi, chiếm 33,1%; 07 trang trại lâm nghiệp, chiếm 2,1%; 35 trang trại tổng hợp, chiếm 10,4%.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

Top