Xuyên suốt nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đều khẳng định, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là điểm tựa, cú hích mạnh cho nền nông nghiệp cất cánh.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều công trình nghiên cứu khoa học vẫn khó đưa vào thực tiễn. Nhiều đại biểu đề nghị, cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ giúp gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập của người làm nông nghiệp.
Chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm
Tại các diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cho rằng, chính sách, pháp luật về ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện. Các chính sách ưu đãi liên quan đến các hoạt động công nghệ cao đã được quy định lồng ghép trong các pháp luật chuyên ngành về đầu tư, đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đặc biệt, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương về thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; nhiều cơ chế, chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã được ban hành. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành một số chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ứng dụng CNC trong nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Việc ứng dụng công nghệ cao đã mang lại những hiệu quả lớn, nhất là thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong nhiều khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất của quá trình sản xuất nông nghiệp (nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến và bảo quản sau thu hoạch...) để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, công nghệ Blockchain, phân tích dữ liệu lớn đã góp phần phát triển nền nông nghiệp chính xác của Việt Nam; nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế. Nhiều hợp tác xã đã triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 vượt rất xa giá trị đạt được năm 2020. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản (bao gồm cả nông, lâm, ngư).
Cần giải pháp tổng thể
Đưa ra quan điểm về vấn đề này tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 5, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) chỉ ra rằng, kinh tế nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế của nước ta. Điều này thể hiện rõ nét trong đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh bất ổn của tình hình quốc tế thời gian qua. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là điểm tựa, cú hích mạnh cho nền nông nghiệp cất cánh, chiếm ưu thế trong cạnh tranh trên thị trường; gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập của người làm nông nghiệp; khắc phục được yếu tố tự nhiên, tiết kiệm yếu tố đầu vào, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Tuy nhiên, đại biểu Hằng cho rằng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn khiêm tốn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam đang đứng ở đâu so với các nước trong khu vực và thế giới trong ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp?
Cùng quan tâm đến lĩnh vực này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) chỉ rõ, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân luôn rất cần ứng dụng công nghệ cao, những kỹ thuật mới để sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, đạt chất lượng, đạt hiệu quả.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân của vấn đề trên? Giải pháp sắp tới của Bộ trưởng như thế nào để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được phổ biến khắp ruộng vườn, nương rẫy, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân?
Trả lời mối quan tâm của đại biểu về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên thời gian qua, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh triển khai để có giải pháp ứng dụng và có hiệu quả cho phát triển nông nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, một số kết quả ban đầu và số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có phần đóng góp của khoa học công nghệ cao. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao còn nhiều rào cản do đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, cần được quan tâm hơn. Bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng hiện nay còn thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm. Do đó, thời gian tới, Bộ đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, các địa phương cần có trách nhiệm bảo đảm phát triển đúng mục tiêu hỗ trợ khoa học công nghệ; đồng thời, Bộ sẵn sàng triển khai nhiệm vụ chương trình cấp quốc gia phát triển công nghệ cao.
Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thúc đẩy phát triển công nghệ cao, trong đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Công nghệ cao trong giai đoạn 2022-2025. Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khu công nghệ cao theo hướng quy định liên quan đến mở rộng khu công nghệ cao; quy định về khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy định tạo hành lang pháp lý và nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao...
Cùng hiến kế để khắc phục những tồn tại trong thực tiễn, một số đại biểu cho rằng, cần phối hợp triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng công công nghệ cao. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về các loại hình khu chức năng để có các giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trên thực tế, một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới ở giai đoạn đầu của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì không có nguồn vốn, đang chờ ngân sách Nhà nước. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã xây dựng hầu hết mới chỉ tập trung vào sản xuất, các chức năng khác như nghiên cứu, chuyển giao, quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng nên chưa phát huy được chức năng, vai trò hạt nhân lan tỏa, phục vụ thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của vùng, khu vực. Do đó, đối với việc phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa phương có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có trách nhiệm trong việc bảo đảm các khu phát triển đúng chức năng, nhiệm vụ, tuyệt đối tránh việc bị méo mó mô hình hoạt động.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới, để triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, Bộ sẽ sửa Nghị định về khu công nghệ cao để mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó có những chính sách, cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này. Các bộ, ngành liên quan cũng có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng nghị định. Bộ trưởng hy vọng, nghị định sẽ đi vào cuộc sống, góp phần phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu thị trường
Tham gia phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho biết, kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy nhiều vấn đề cần quan tâm trong gắn kết nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu, liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu. Nhiều kết quả nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được, chưa hoàn thiện về công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới qua giám sát, đến nay mới lựa chọn được nhiệm vụ khoa học, chưa ký hợp đồng, giao kinh phí thực hiện.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, giải pháp trọng tâm nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng theo tinh thần của Chính phủ đã thể hiện khi xây dựng dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.
Giải trình vấn đề được đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, đối với việc gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng, trong thời gia qua, Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương làm việc với các địa phương, các viện, các trường để có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học của các trường với nhu cầu của địa phương. Bộ cũng đề ra chủ trương tất cả nhiệm vụ khoa học mang tính ứng dụng đều phải có sự tham gia của đội ngũ nghiên cứu khoa học ở các trường phối hợp với địa phương để cùng nhau xây dựng chương trình nghiên cứu, giải quyết cho được những vấn đề, những yêu cầu bức thiết của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, liên kết giữa các viện, trường và doanh nghiệp là mô hình các nước đã áp dụng rất hiệu quả. Ví dụ như Hà Lan có mô hình gồm Nhà nước, doanh nghiệp và trường, viện. Nhà nước là nơi tạo môi trường, hệ sinh thái và thể chế. Trường, viện là nơi nghiên cứu. Doanh nghiệp là nơi thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Hiện nay, chúng ta cũng đang có chủ trương để xây dựng mô hình này trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Về ứng dụng vào nông nghiệp, Bộ trưởng nêu rõ, thời gian qua, ngành khoa học, công nghệ có đóng góp rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê, khoa học, công nghệ đã đóng góp 30% trong sự phát triển của ngành nông nghiệp. Để liên kết giữa ngành khoa học với ngành nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký kết phối hợp hoạt động giữa hai bộ để cùng triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp.
Xây dựng cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sẽ xây dựng cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả các quỹ phát triển khoa học công nghệ.
“Chính phủ sẽ đẩy mạnh thị trường, sớm hình thành sàn giao dịch công nghệ”, Thủ tướng nói khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo Thủ tướng, đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Tuy nhiên, hiện cơ cấu, trình độ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mới. Hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chưa nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan có nội dung chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp cho đào tạo nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ còn dàn trải, kém hiệu quả. Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng. Công tác quản lý Nhà nước còn bất cập.
Thủ tướng cho biết, sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, lao động trình độ cao cả trong và ngoài nước. Chính phủ cũng ưu tiên bố trí nguồn lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch, hydrogen...
Trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), một trong những nhiệm vụ được Quốc hội đặt ra cho Chính phủ, Thủ tướng, bộ ngành là tháo gỡ rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu với pháp luật khoa học và công nghệ theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo.
Rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được chấp nhận theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch. Chính phủ và các bộ ngành cũng phải nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.