Sáng nay (8/11), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý "Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2030".
Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển tích cực góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Năm 2022, GDP nông - lâm - thủy sản tăng cao nhất trong những năm trở lại đây, đạt 3,36%. Đáng chú ý, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp hơn 30% vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu hướng tất yếu, tuy nhiên công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ còn gặp nhiều hạn chế. Ý kiến đề xuất, tham mưu của các chuyên gia, lãnh đạo địa phương tại hội thảo nhằm đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển nông nghiệp bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến
Ở Việt Nam, khái niệm KTTH đã được đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường, nhưng chưa có định nghĩa cụ thể về KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp. KTTH trong nông nghiệp có thể được hiểu là việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức về tái sử dụng phụ phẩm và bảo vệ môi trường. Mô hình KTTH hoạt động dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Đến nay, một số tổ chức đã phát triển bộ 10 nguyên tắc để gia tăng tính tuần hoàn trong thiết kế sản phẩm, vật liệu và quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm từ ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,64%). Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt đạt khoảng 52%, trong chăn nuôi là 75%, trong lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Từ những số liệu trên, có thể thấy được tiềm năng phát triển KTTH rất lớn do có mối liên kết chặt chẽ với môi trường tự nhiên, khả năng tiếp cận với quy trình tái chế và tái sử dụng nguyên liệu từ các hệ sinh thái.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, lượng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp hằng năm là rất lớn, trong khi đó hiện số lượng phụ phẩm, chất thải được xử lý vẫn còn thấp so với yêu cầu. Vì thế, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới đối với chúng ta phải thực hiện xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm góp phần bảo vệ môi trường đồng thời giúp gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp nước ta theo hướng Xanh, hiện đại, bền vững.
Theo Thứ trưởng Tiến, Bộ NN-PTNT đã thực hiện nhiều hoạt động để hoàn thiện dự thảo Đề án về KTTH trong nông nghiệp như nghiên cứu thực địa, tổ chức hội thảo, gửi công văn xin ý kiến các cơ quan liên quan... Theo mục tiêu của Dự thảo, đến năm 2030, sẽ xử lý 60% phụ phẩm trồng trọt, 100% chất thải chăn nuôi; 100% cán bộ khuyến nông được tập huấn các quy trình xử lý và tái chế chất thải, phụ phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực...
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong KTTH giúp cải thiện quản lý, sử dụng tài nguyên và xử lý chất thải, từ đó định hình quy trình sản xuất, quản lý nguồn nguyên liệu. Đây là xu hướng tất yếu trong chuỗi sản xuất, trong đó phụ phẩm và chất thải không chỉ được tái chế mà còn tạo ra giá trị bền vững cho sản phẩm và dịch vụ.
“Để phát triển nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong thời đại công nghiệp 4.0 chuyển đổi mạnh mẽ, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ là không thể thiếu. Khoa học công nghệ cung cấp động lực cho sự đổi mới và hình thành KTTH, trong khi KTTH lại thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ. Sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này sẽ tạo ra giải pháp bền vững cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam”, ông Thắng nói.
Góp ý tại diễn đàn, đa số đại biểu góp ý Bộ NN-PTNT cần cụ thể hóa các mục tiêu, khung đánh giá đi từ thực tiễn nông nghiệp Việt Nam. Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Đề án tuy công phu, chi tiết nhưng thông tin còn dàn trải, chưa làm nổi bật vai trò của khoa học công nghệ đối với KTTH trong nông nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần định vị rõ được nền nông nghiệp Việt Nam so với bình diện quốc tế, không để nông dân rơi vào thế bị động khi đưa ra các giải pháp vào quá trình sản xuất. Ví dụ, việc châu Âu áp dụng các chính sách như IUU, EUDR phần nào đó đang gây sức ép lên nông dân, ngư dân Việt Nam, bởi nếu họ không làm đúng tiêu chuẩn, nông sản sẽ khó tiêu thụ. Ông Thái đề xuất Bộ NN-PTNT nghiên cứu tính tương tác giữa các giải pháp để đảm bảo hiệu quả khi ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.