Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 1 năm 2024 | 10:31

"Vàng xanh" giúp nông dân Lai Châu tăng thu nhập

Những năm gần đây, nhiều địa phương ở tỉnh Lai Châu đã “thay da đổi thịt” nhờ vào việc phát triển cây chè chuyên canh chất lượng cao. Loại cây này có tiềm năng lớn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Bà con xã Hồng Thu thoát nghèo

Cây chè đã xuất hiện ở Hồng Thu từ nhiều năm trước, các hộ dân trong xã đều trồng vài gốc chè để sử dụng làm đồ uống, thuốc; chè cổ thụ tại đây có khả năng chữa một số bệnh đường ruột, thanh lọc cơ thể... Do đó, người dân đã bảo tồn cây chè, khi có khách đến thăm, người dân luôn mời khách uống chè, trò chuyện và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống...

Người dân bản Tả Thàng, xã Hồng Thu (huyện Sìn Hồ) thu hái chè.

Nhận thấy giá trị của cây chè có thể trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân, huyện Sìn Hồ đã phát triển cây chè shan tuyết, chè chất lượng cao trên địa bàn xã Hồng Thu. Năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển cây chè tại xã, để thực hiện hiệu quả đề án, xã Hồng Thu vận động người dân trên địa bàn tập trung chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng chè. Hiện xã Hồng Thu có hơn 270ha chè và 391 hộ tham gia trồng chè, cây chè đã cho thu hoạch, năng suất chè búp tươi của xã đạt 1,5 tấn/ha/năm.

Ông Mùa A Sinh - người dân ở bản Hồng Thu cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2,5ha chè, việc chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang cây chè đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu. Đặc biệt, gia đình tôi lựa chọn trồng cây chè shan tuyết, mỗi năm trừ chi phí thu về gần 50 triệu đồng tiền bán chè búp tươi".

Cây chè ở xã Hồng Thu có 3 loại chính, trong đó chè cổ thụ là những cây chè tự nhiên, có tuổi đời trăm năm, mọc rải rác trong rừng hoặc trên các triền núi. Chè cổ thụ có lá to, dày, xanh và bóng, có hàm lượng tinh dầu cao, tạo nên hương vị đặc trưng, thơm ngon. Chè shan tuyết là những cây chè được trồng theo phương pháp hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, chỉ dùng phân hữu cơ bón và phòng trừ sâu bệnh. Chè shan tuyết có lá nhỏ, mềm, mịn, có lông trắng như tuyết phủ, có hương thơm nhẹ nhàng, vị ngọt dịu và thanh mát. Chè ta là những cây chè được trồng theo kiểu truyền thống, lá to vừa, xanh và bóng, hương vị chè đậm đà và lưu vị lâu...

Để phát triển vùng chè chuyên canh chất lượng cao, xã Hồng Thu đã được huyện Sìn Hồ và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Sản lượng chè của xã Hồng Thu năm nay đạt trên 400 tấn, giá bán chè tươi dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, tùy theo loại và chất lượng. Theo ước tính, mỗi hécta chè chuyên canh mang lại cho người trồng thu nhập từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống khác.

Đồi chè Shan tuyết 3 năm tuổi tại bản Nà Kế (xã Hồng Thu) phát triển tốt, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Ông Thào A Sênh - Chủ tịch UBND xã Hồng Thu đánh giá cao về việc trồng cây chè shan tuyết trên địa bàn. Ông nói: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy cây chè shan tuyết mang lại năng suất cao và thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Điều này đã khích lệ nhiều hộ gia đình mở rộng diện tích trồng cây chè. Đến nay, cây chè shan tuyết đã chiếm 1/3 diện tích đất canh tác của xã. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của cây chè shan tuyết và vùng chuyên canh chè đã thể hiện sự phát triển kinh tế của xã, phản ánh chân thực sự cố gắng và quyết tâm của người dân trong việc cải thiện đời sống. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây chè để tạo ra nguồn thu nhập ổn định bền vững”.

Nhờ cây chè, đời sống của người dân xã Hồng Thu đã có những cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo, hộ khá giả đã trở nên giàu có. Người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, mua sắm tài sản, đầu tư vào giáo dục, y tế và nâng cao văn hóa. Ngoài ra, cây chè còn góp phần bảo vệ môi trường nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của địa phương.

Nùng Nàng tạo nguồn sinh kế cho nhân dân từ trồng chè

Cây chè được đưa vào trồng tại xã vùng cao Nùng Nàng (huyện Tam Đường) từ năm 2019. Sau nhiều năm bén rễ trên đồng đất Nùng Nàng, chè sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2023 chè bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu mang lại nguồn thu nhập, tạo sinh kế ổn định cho bà con.

Trở lại bản Xì Miền Khan những ngày cuối năm, chúng tôi thấy không khí lao động nhộn nhịp của những người nông dân nơi đây. Trên khắp các triền đồi, bà con tập trung nhân lực làm cỏ, chăm sóc cho cây chè với hy vọng đây sẽ là “cây trồng chủ lực”, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Lãnh đạo xã Nùng Nàng hướng dẫn người dân bản Xì Miền Khan kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè.

Theo định hướng phát triển kinh tế của xã Nùng Nàng, năm 2019, gia đình ông Sùng A Páo ở bản Xì Miền Khan trồng 9.000m2 chè, năm nay là năm đầu tiên chè cho thu hoạch, mỗi lứa thu hái được 8 tạ, bán ra thị trường với giá 5.500 đồng/kg; từ trồng chè mang lại thu nhập cho gia đình ông trên 20 triệu đồng. Ông Páo chia sẻ: “Tôi thấy cây chè là cây trồng lâu năm, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, năm nay là năm đầu tiên chè được thu hoạch, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, tôi mừng lắm. Gia đình sẽ tiếp tục chăm sóc, chủ động phòng, chống sâu bệnh để chè sinh trưởng, phát triển, tạo nguồn sinh kế bền vững cho gia đình”.

Là hộ gia đình có diện tích chè lớn của bản Xì Miền Khan, ngay từ năm đầu tiên khi xã có chủ trương trồng chè, gia đình anh Lý Páo Dê đã đồng tình hưởng ứng và mạnh dạn trồng gần 1ha chè. Nhờ tuân thủ đúng yêu cầu kĩ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, diện tích chè phát triển tốt, mang lại thu nhập cao. Anh Dê vui mừng nói: “Năm nay là năm đầu tiên gia đình tôi thu hoạch chè sau hơn 4 năm chăm sóc, mỗi lứa thu được khoảng 1,5 - 1,6 tấn. Tôi thấy cây chè dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ trồng chè đã mang lại thu nhập cho gia đình tôi trên 40 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chè, gia đình tôi tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong chăm sóc để chè đạt năng suất, sản lượng cao, giúp gia đình có thêm thu nhập”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng cho biết: "Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân các bản chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng chè. Thông qua các cuộc họp bản, chi bộ, trên hệ thống loa truyền thanh không dây của xã, nhóm zalo… cán bộ tuyên truyền về ưu điểm, hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại để nhân dân hiểu, đồng thuận với chủ trương của xã. Những diện tích chè trồng từ năm 2019 đến năm 2023 cho thu hoạch năm đầu tiên, hiện toàn xã có 33,4ha chè, trong đó 14,3ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 10 tấn. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch theo đúng quy trình kĩ thuật để đạt năng suất, sản lượng cao. Đồng thời, vận động bà con mở rộng diện tích để giúp bà con nhân dân trên địa bàn tạo ra nguồn sinh kế bền vững. 

Nâng cao thu nhập từ cây chè

Xã Phúc Khoa (Tân Uyên) có 6 bản với hơn 1.120 hộ dân. Năm nay, thời tiết thuận lợi hơn, vì thế trên khắp đồi chè các bản: Ngọc Lại, Phúc Khoa, Nậm Bon, Hô Bon… những tháng cuối năm, búp chè vẫn tươi non mơn mởn. Bà con có thêm một năm thắng lợi từ chè. Đặc biệt, trong năm giá thu mua chè ổn định từ 5.000 -7.000 đồng/1kg chè búp tươi, trong khi đó giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không tăng cao nên người trồng chè có thu nhập cao hơn so với năm trước. Với người dân nơi đây, bên cạnh duy trì cấy lúa, trồng ngô đảm bảo lương thực hằng ngày, cây chè hiện nay là nguồn thu nhập chính và ổn định nhất của gia đình.

Người dân xã Phúc Khoa thu hoạch chè.

Từ nguồn nguyên liệu chè lớn, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân, HTX, doanh nghiệp vào liên kết, bao tiêu sản phẩm chè cho người dân, đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng chế biến chè chuyên sâu, góp phần tạo ra sản phẩm trà chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; khẳng định thương hiệu chè Phúc Khoa, Tân Uyên. Hiện nay xã Phúc Khoa có 5 doanh nghiệp, HTX thực hiện thu mua, sản xuất, chế biến chè và một số hộ dân nhận sao thuê chè cho bà con.

Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Chính ở bản Ngọc Lại, năm 2017 đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc sao chè để chế biến chè. Hiện gia đình anh có 3ha chè: Kim Tuyên, Tuyết Shan và Phúc Vân tiên. Mỗi năm bình quân gia đình anh thu từ 35-40 tấn chè búp tươi, anh bán cho nhà máy một nửa, còn một nửa tự chế biến làm thành phẩm trà. Ngoài ra, anh còn liên kết với một số hộ trong bản nhận sao chè thuê. Trung bình một năm gia đình anh thu hơn 250 triệu đồng từ chè, bán gần 3 tấn trà khô.

Nhằm tạo điều kiện cho việc chăm sóc, thu hái chè của người dân được thuận lợi, hướng đến phát triển du lịch đồi chè, xã quan tâm lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng đường giao thông vùng chè. Xã hội hoá nguồn lực của bà con, làm sân khấu, các điểm view ngắm cảnh trên đồi chè, phục vụ nhân dân và du khách về tham quan, thưởng lãm đồi chè. Trong 2 năm qua, xã đã tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc gắn với du lịch vùng chè nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9 với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, trong đó có phần thi hái chè truyền thống. Qua đây, quảng bá vùng chè, sản phẩm chè của xã với Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Nhờ vào tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm chè búp tươi cũng như sản phẩm trà khô sau chế biến, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Phúc Khoa, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt 47 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 55 hộ.

Từ những quyết sách đúng đắn của tỉnh và sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành; đặc biệt là ngành Nông nghiệp và nhân dân, đến nay, Lai Châu có nhiều sản phẩm nông nghiệp đáng tự hào. Đơn cử như cây chè, toàn tỉnh có 9.816ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700ha. Cây chè được trồng tập trung ở các huyện: Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ… với các giống shan tuyết, kim tuyên, PH8. Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện xây dựng thành công thương hiệu chè sạch chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.

Ngoài cây chè, Lai Châu còn tận dụng tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp khác. Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá: Những thành tựu đạt được trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp từng bước khẳng định vai trò là trụ cột kinh tế của tỉnh. Để từng bước đưa nông nghiệp Lai Châu phát triển bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh tập trung đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Trong đó, bảo đảm quy mô sản xuất đủ lớn trên cơ sở thực hiện liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, mở rộng cơ giới hóa trong chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, đặc biệt hướng dẫn người dân áp dụng, thực hiện tốt các quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao… để tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng các thị trường khó tính.

Theo baolaichau.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, một trong những món ngon dân dã mang đậm hương vị truyền thống của thị xã Quế Võ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận, tạo thuận lợi thương mại hóa cho đặc sản địa phương.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

Top