Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 10 năm 2022 | 14:54

Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau

An sinh xã hội - không để ai bị bỏ lại phía sau là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, được xác định là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững.

 

Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, từ ngày 17/10 - 18/11/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”.

Thông qua sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân nhằm hỗ trợ xây, sửa nhà ở và hỗ trợ sinh kế, điều kiện học tập cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chung tay vì người nghèo

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chia sẻ, qua 2 năm đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước đang trong quá trình phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không đặt ra mục tiêu năm nay phải đạt được con số là bao nhiêu cho Quỹ “Vì người nghèo” và bao nhiêu kinh phí cho chương trình an sinh xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị và kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo.

Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội được trên 19.313 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương tiếp nhận trên 171,135 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” địa phương tiếp nhận trên 3.694 tỷ đồng; đồng thời vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trên 15.448 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sự chung tay, chia sẻ của các tập đoàn, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và người Việt Nam ở nước ngoài đã cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ cho người nghèo.

Theo bà Ánh, ngoài hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn chưa có mái ấm, chưa có nơi ở ổn định. Trong 3 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” còn hỗ trợ cho các gia đình khó khăn để đảm bảo cho con em của họ được đến trường. 3 năm qua, có gần 600.000 em của các gia đình khó khăn được cho vay để trang trải học phí, được trang bị sách vở để đi học.

Mặt khác, Quỹ còn xây dựng các dự án để hướng dẫn các mô hình thoát nghèo bền vững. Hiện nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai được 61 mô hình ở 35 tỉnh, thành phố. Mỗi mô hình sẽ hướng dẫn 20 - 50 hộ gia đình cách thức làm ăn. Mỗi nhóm ở cộng đồng tham gia dự án gồm những hộ gia đình làm ăn khá giả, những hộ vừa thoát nghèo, đặc biệt, phần đông là các hộ nghèo, khó khăn để những gia đình làm ăn khá giả hướng dẫn cách thức làm ăn. Đối với những hộ vừa thoát nghèo, khi tham gia mô hình sẽ có điều kiện tiếp tục thoát nghèo bền vững.

Giảm nghèo từ mô hình kinh tế hiệu quả 

Để góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, những năm qua, Hội Nông dân xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã phối hợp với các cấp, ngành thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực làm ăn, tận dụng tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Anh Hồ Minh ở xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình)  là tấm gương tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát triển kinh tế.

Gia đình anh Hồ Minh (SN 1988) người Bru-Vân Kiều ở bản Lâm Ninh là một trong những hộ điển hình làm kinh tế giỏi. Sau khi học hết lớp 9, Hồ Minh không học tiếp THPT mà vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân, mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, cuộc sống thành thị khó khăn hơn anh nghĩ, nên anh quyết định quay về quê hương lập nghiệp.

Hồ Minh chia sẻ: “Khi về quê, ý tưởng trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã định sẵn trong đầu nhưng lại không có nguồn vốn. Khi chưa tìm ra cách giải quyết thì may mắn đã tới, tôi đã được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thế là tôi quyết định vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản về nuôi”.

Từ nguồn vốn vay, năm 2011, Hồ Minh đã tìm mua 2 con bò cái sinh sản và giống keo để trồng rừng. Năm 2015, đàn bò cũng nhân lên được 8 con nhưng do nuôi giống bò cỏ, thả trong rừng sâu nên bò chậm lớn, không bán được giá cao. Hồ Minh tiếp tục bán hết đàn bò rồi vay mượn thêm tiền, mua 5 con trâu giống về nuôi. Năm 2018, khi bán bớt số trâu giống, anh đã trả được nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư nuôi dê núi để tăng thu nhập. Đến nay, gia đình Hồ Minh có 20 con trâu, 30 con dê, 8ha keo tràm, hàng trăm con gà thả vườn…, mỗi năm thu về cho gia đình khoảng 150 triệu đồng.

Với sự nỗ lực và tinh thần vượt khó,  Hồ Minh đã thoát nghèo vào năm 2018 và đang vươn lên làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của mình. Đặc biệt, giai đoạn 2017-2021, anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Hồ Minh là tấm gương tiêu biểu trong việc thay đổi tư duy của đồng bào dân tộc trong việc phát triển kinh tế.

Cũng như Hồ Minh, gia đình ông Trần Văn Thuận ở thôn Kim Sen, trước đây cũng là hộ nghèo của xã Trường Xuân. Tuy có diện tích đất rừng sản xuất tương đối lớn nhưng gia đình ông không tìm ra được hướng làm ăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Đầu năm 2016, ông Thuận được tham gia các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả do địa phương tổ chức, từ đó, ông đã quyết định chuyển đổi 1,2ha đất đồi trồng keo sang xây dựng vườn hồ tiêu và trồng các loại cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng, như: Mít Thái, chanh đào, cam mật Hiền Ninh, nhãn…

Nhờ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cùng với việc bón phân, làm cỏ thường xuyên nên dù trồng trên đất đồi, khí hậu khắc nghiệt nhưng vườn cây của ông Thuận vẫn phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh cây ăn quả, ông còn đầu tư nuôi 35 đàn ong lấy mật, trồng 10ha keo tràm và 8ha thông lấy nhựa. Với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của mình, trừ chi phí, mỗi năm ông Thuận thu về gần 200 triệu đồng.

Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, cho biết: Để giúp nông dân từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, thời gian qua, các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo cũng đã được triển khai tích cực trên địa bàn xã Trường Xuân, như: Hỗ trợ kết nối nguồn vốn vay, chính sách dạy nghề, đào tạo việc làm cho người nghèo, cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo…

Chỉ số HDI được cải thiện

Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc  (UNDP), Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương đã có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Việt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người.

Giá trị Chỉ số phát triển con người (HDI)  của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 về cơ bản không thay đổi so với năm 2019 (0,704) và Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117 trên 189 quốc gia vào năm 2019 lên 115 trên 191 quốc gia vào năm 2021.

Theo Báo cáo Phát triển Con người 2021/2022, tình trạng bất định do nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc sống của người dân trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi một số quốc gia đang bắt đầu đứng vững trở lại, sự phục hồi không đồng đều và từng phần, làm gia tăng thêm bất bình đẳng trong phát triển con người. Mỹ Latinh, Caribe, châu Phi cận Sahara và Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển đã bị mất đi do Covid-19 và quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng phân tầng được mô tả trong HDR”, Giáo sư Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP nhấn mạnh.

Đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới

Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên Hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc và mức độ cạnh tranh cao giữa các nước ứng cử, nhất là trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương. Song sự đồng hành của các bộ, ngành, đội ngũ cán bộ ngoại giao cả ở trong và ngoài nước, đã hết sức nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiến hành vận động bài bản, chủ động, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả thời gian qua, đóng góp quan trọng vào kết quả này.

Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người – cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới – là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên Hợp quốc.

Cùng ASEAN cam kết xóa đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực

Ngày 12/10, Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tài chính của khóa 77 Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã tiến hành phiên thảo luận chung về xóa nghèo, phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực.

Tại đây, đại diện cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam cam kết xóa đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát biểu thay mặt ASEAN, đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt tại khu vực Đông Nam Á, giúp tạo việc làm cho khoảng 30% dân số và đóng góp 12% cho GDP, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực chung xóa đói giảm nghèo, khắc phục tình trạng thiếu dinh dưỡng và phát triển bền vững ở khu vực.

Đại sứ chia sẻ thống kê đáng lo ngại rằng, sẽ có gần 670 triệu người, chiếm 8% dân số thế thế giới rơi vào tình cảnh thiếu lương thực vào năm 2030.

Trước thách thức đó, ASEAN tiếp tục cam kết tăng cường an ninh lương thực trong khu vực thông qua thực hiện Chiến lược hợp tác về lương thực và nông lâm nghiệp 2016-2025, Khuôn khổ an ninh lương thực và Chiến lược hành động về an ninh lương thực 2021-2026 và Khuôn khổ Chiến lược và Chương trình hành động về dinh dưỡng 2018-2030.

ASEAN sẽ tiếp tục cam kết mạnh mẽ, đóng góp vào các nỗ lực chung và hợp tác với cộng đồng quốc tế trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về xóa nghèo, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cho tất cả mọi người.

Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo

Phát biểu tại Lễ phát động “Cả nước chung tay vì người nghèo năm 2022”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đói nghèo là một trong ba thứ giặc gồm giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10/01/1946, Người nói: “Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.

Thấm nhuần tư tưởng đó, xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là yêu cầu cấp bách, là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của quá trình phát triển nhanh, bền vững.

Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hằng năm chúng ta vẫn dành một nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hiệu quả.

Thủ tướng cho rằng, phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo, trăn trở khi vẫn còn gần 2,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm hơn 9% số hộ trong cả nước; vẫn còn nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Thủ tướng đề nghị, “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà là những hành động cụ thể, thiết thực. Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc của trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng, nâng niu và cảm thông sâu sắc.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị và kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh; Tăng cường kiến thức, kỹ năng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho người nghèo.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top