Đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu (EU) sắp sang Việt Nam để thanh tra trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, dự kiến đoàn sẽ đánh giá hoạt động của chương trình kiểm soát dư lượng đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường EU và thẩm tra độ tin cậy về đảm bảo thủy sản nuôi không chứa dư lượng theo quy định.
Theo Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng và 90% thương mại cá tra của thế giới; xuất khẩu tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Do đó, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Trong 8 tháng qua xuất khẩu cá tra đạt hơn 1,2 tỷ USD
Năm 2023, Việt Nam đã đón đoàn thanh tra Hoa Kỳ (FSIS) và năm nay sẽ chuẩn bị đón đoàn thanh tra EU (DG SANTE) trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tiếp theo là đoàn của EC trong lĩnh vực khai thác thủy sản.
Theo Cục Thủy sản, để duy trì vị thế của Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước, công tác chuẩn bị tiếp các đoàn thanh tra nhằm chứng minh tính tương đương trong hệ thống quản lý của cơ quan thẩm quyền và năng lực thực thi của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cần được chú trọng.
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thị trường Hoa Kỳ và EU là những thị trường khó tính với những yêu cầu cao về kiểm soát dư lượng thuốc, hóa chất, nguồn gốc sản phẩm cũng như tính bền vững. Trong 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU đạt 1,27 tỷ USD, đây là những thị trường giúp khẳng định uy tín, chất lượng của thủy sản Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Băng Tâm, dự kiến đoàn thanh tra EU trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ thanh tra từ ngày 24/9 đến 17/10 để đánh giá hoạt động của chương trình kiểm soát dư lượng của Việt Nam đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang EU cụ thể là thủy sản nuôi và mật ong.
Đồng thời thẩm tra độ tin cậy về việc đảm bảo thủy sản nuôi không chứa dư lượng theo quy định của EU. Nếu kết quả của đoàn thanh tra không đạt như mong muốn sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác. Vì vậy, các địa phương cần nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam và một số quốc gia nhập khẩu, quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại công đoạn nuôi và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.
“Cho dù có thanh tra hay không chúng ta phải làm tốt công việc, toàn bộ chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn tạm thời chia ra là có công đoạn nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ. Trong công đoạn nuôi có phần kiểm soát con giống, nguồn nước, tác nhân gây ô nhiễm và thuốc kháng sinh thì sẽ có hai cơ quan cùng tham gia quản lý. Thứ nhất là Cục Thủy sản quản lý nước, thức ăn, hóa chất và sản phẩm xử lý môi trường. Riêng thuốc thú y, kháng sinh, dịch bệnh sẽ do Cục Thú y sẽ quản lý. Ngoài ra Cục Thủy sản sẽ quản lý từ công đoạn ao nuôi, thả giống cho đến khi thu hoạch, còn vận chuyển cho đến khi tiêu thụ do Cục Quản lý chất lượng” - bà Nguyễn Thị Băng Tâm nói.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD và cá tra đạt 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy năm nay ngành thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá vật tư đầu vào cao, giá bán thủy sản nguyên liệu thấp, thậm chí có thời điểm giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, cước vận tải tàu biển tăng khiến lợi nhuận của toàn chuỗi từ nuôi đến chế biến, xuất khẩu thủy sản khó được như kỳ vọng.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Sau năm 1996, huyện Mường Lát được tách khỏi huyện Quan Hóa, đây là một huyện xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, đường xá giao thông cực kỳ khó khăn, quy mô nền kinh tế gần như không có gì. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Mường Lát đang trên đường xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh cũng cực kỳ khó khăn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.