Tỉnh Vĩnh Long xác định, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng sẽ thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho nông sản khi tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu, từ đó hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Quản lý MSVT còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trà Ôn cho biết, huyện hiện có 12 xã được cấp 21 MSVT còn hiệu lực (18 mã nội địa và 3 mã xuất khẩu), với tổng diện tích 177,2ha, bao gồm các loại cây trồng chủ lực: cam sành, nhãn, vú sữa, sầu riêng, lúa. Ước sản lượng 21 MSVT trong 6 tháng đầu năm đạt 11.176 tấn, các vùng sản xuất được cấp MSVT tiêu thụ nông sản thuận lợi, được thương lái trong và ngoài huyện đến tận vườn thu mua.
Xác định rõ tầm quan trọng và những lợi ích của MSVT, thời gian qua, ngành chức năng cũng đã tăng cường tuyên truyền, triển khai cho các địa phương, các vùng trồng có đủ điều kiện và tiêu chuẩn cấp MSVT. Đồng thời, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ MSVT.
Thời gian qua, một số địa phương ở Vĩnh Long gặp khó khăn trong quản lý mã số vùng trồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số nước nhập khẩu liên quan cũng đã có thông báo về việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, một số vùng trồng bị thu hồi MSVT vì nước nhập khẩu phát hiện có sinh vật gây hại trên các lô hàng và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định. Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu… Theo ngành Nông nghiệp, việc không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu. Để tránh những hệ lụy tiêu cực về sau, ngoài việc bổ sung các chính sách mới, cần có chế tài mạnh nhằm gia tăng quản lý MSVT.
Ông Hồ Phước Dư, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Thít cho biết, thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện việc thiết lập, quản lý, giám sát MSVT; tập huấn cho 11 vùng trồng xuất khẩu phục vụ công tác phỏng vấn trực tuyến từ phía Trung Quốc, đang chờ Trung Quốc phỏng vấn và hướng dẫn thực hiện, đề nghị cấp 5 MSVT nội địa. Tuy nhiên, việc quản lý, duy trì MSVT đã được cấp gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn huyện đã xảy ra vi phạm khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc của MSVT ở xã Chánh An, việc ghi chép sổ tay và nhập nhật ký canh tác lên hệ thống phần mềm điện tử của các hộ dân tại các vùng trồng còn hạn chế.
Trước đó, tại Hội nghị phổ biến quy định về cấp và quản lý MSVT và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn thời gian qua có những khó khăn nhất định. Lực lượng nhân sự ở Chi cục mỏng, khó đảm đương hết công tác giám sát mã số. Với người dân, diện tích trồng trọt của nhiều nông hộ nhỏ lẻ, khó đáp ứng đủ 10ha để cấp mã số.
Nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc thực hiện MSVT chưa cao. Cụ thể như trái sầu riêng, nhiều nông dân cho rằng không xuất khẩu được thì vẫn có thể bán trong thị trường nội địa. Vì thế nhiều người không mặn mà việc thực hiện MSVT. Ý thức bảo vệ MSVT, cơ sở đóng gói chưa cao. Vẫn còn xảy ra tình trạng gian lận mã số.
Được biết, năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát các MSVT đã cấp trên địa bàn tỉnh và có báo cáo kết quả giám sát gửi Cục Bảo vệ thực vật thu hồi 16 mã số đối với vùng trồng đã chuyển sang cây trồng khác hoặc các mã số không còn hoạt động; thu hồi mã số đối với vùng trồng không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về yêu cầu cấp MSVT.
Tăng cơ hội cạnh tranh cho nông sản
Theo các nhà vườn và chính quyền địa phương, việc cấp mã số vùng trồn (MSVT) không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu thông qua việc sản xuất theo quy trình nhất định có kiểm soát dịch hại, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Do vậy, có thể xem đây là “chìa khóa” trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của nông dân.
Vĩnh Long hiện có 213 vùng trồng đã được cấp mã số (129 MSVT xuất khẩu và 84 MSVT nội địa) với diện tích 3.744,8ha và 13 mã số cơ sở đóng gói.
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long quan tâm tới việc cấp và quản lý MSVT đối với cây ăn trái, bởi đây là cơ sở quan trọng để xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường tiêu thụ nông sản lớn. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 213 vùng trồng đã được cấp mã số (129 MSVT xuất khẩu và 84 MSVT nội địa) với diện tích 3.744,8ha, 4.070 hộ và 13 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó, 129 MSVT xuất khẩu còn hiệu lực với diện tích 2.731,3ha: khoai lang 42 mã số, bưởi 5 roi 25 mã số, sầu riêng 20 mã số, chôm chôm 18 mã số, nhãn 13 mã số, lúa 4 mã số, mít 4 mã số, chanh không hạt 2 mã số; xoài 1 mã số, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... 84 MSVT nội địa với diện tích 1.013,5ha trên các loại cây: nhãn, mít, sầu riêng, cam, bưởi, măng cụt, lúa, ổi, rau các loại.
Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ là một trong những hợp tác xã cây ăn quả đầu tiên được cấp MSVT trên địa bàn tỉnh từ năm 2015. Đến nay, hợp tác xã đã có 36 trong số 42 ha chôm chôm được cấp MSVT xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, New Zealand… Để được cấp mã số, nông dân tham gia hợp tác xã đều thực hiện canh tác chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ, hiện nay hợp tác xã quản lý MSVT bằng cách theo dõi nhật ký ghi chép của thành viên tham gia. Sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định cho phép và nhất là không ngừng tăng diện tích mã số. Bởi có diện tích MSVT càng lớn thì càng dễ dàng liên kết với các công ty đưa sản phẩm đi xuất khẩu thuận lợi và rộng đường hơn.
Theo Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Tam Bình, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, từ năm 2020 đến nay huyện tăng cường vận động nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái trên đất trồng lúa được trên 2.300ha, nâng diện tích cây ăn trái đạt 9.983ha. Đối với cây ăn trái, huyện có các vùng trồng được cấp MSVT: bưởi có diện tích 10ha của 24 hộ tại xã Hòa Hiệp xuất khẩu thị trường EU; chanh không hạt có diện tích 10,2ha của 12 hộ tại xã Ngãi Tứ xuất khẩu thị trường EU, Anh.
Hợp tác xã Thanh long Hậu Lộc, ở ấp 7, xã Hậu Lộc, đã xây dựng được vùng nguyên liệu mít ruột đỏ indo với diện tích 30,2ha của 36 hộ dân. Vùng nguyên liệu này đã được cấp MSVT đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện đang có doanh nghiệp Đông Phát Food hoạt động trong lĩnh vực chế biến mít sấy. Do đó, ngoài việc xuất khẩu tươi phục vụ cho thị trường Trung Quốc, trái mít cũng như các sản phẩm phụ của cây mít có thể tận dụng cung cấp cho nhà máy chế biến. Có khoảng 50% sản lượng mít trên địa bàn tỉnh đều được doanh nghiệp này thu mua.
Cùng về vấn đề này, ông Phạm Văn Thi, Tổ hợp tác bưởi Năm roi xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình cho biết, được cấp mã vùng trồng, các tổ viên rất phấn khởi, hoan nghênh. Thứ nhất là được tập huấn về khoa học kỹ thuật. Hai nữa là vấn đề xử lý phân, thuốc đúng theo chương trình VietGAP, an toàn sinh học. Hầu hết vùng trồng đều sử dụng phân hữu cơ.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Mã số vùng trồng chính là giấy thông hành để xuất khẩu nông sản chính ngạch vào hầu hết các thị trường, là xu hướng chung mà nông dân phải đáp ứng để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Từ hiệu quả ban đầu cũng như nỗ lực mở rộng các chuỗi liên kết, xuất khẩu, kỳ vọng diện tích nông sản nói chung và trái cây nói riêng được cấp mã số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long sẽ ngày càng tăng lên, làm giàu cho nông dân.
Thời gian tới, Vĩnh Long sẽ có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích, phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả; chuyển dần sang kinh tế nông nghiệp, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng lên.
Năm 2021, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 350 triệu đồng/ha/năm; vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ 11 (chỉ tiêu 280 triệu đồng/ha/năm). Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn không ít các khó khăn như: Sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chất lượng một số nông sản chưa được quan tâm đúng mức, liên kết và tiêu thụ vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Riêng cây ăn quả đang là hướng chuyển dịch mạnh trong nội bộ lĩnh vực trồng trọt. Người dân chuyển dần các diện tích sản xuất lúa sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Diện tích cây ăn quả tăng mạnh, đến cuối năm 2022 là 57.179 ha; tăng 7.373 ha so với năm 2020 (tăng gần 15% so với năm 2020). Việc chuyển dịch mạnh mẽ này đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh luôn xác định quy hoạch vùng trồng là nhiệm vụ quan trọng, vừa bảo đảm xây dựng vùng hàng hóa tập trung, vừa giúp công tác đầu tư đúng mục tiêu, tránh dàn trải. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng Kế hoạch Sản xuất cây trồng chủ lực để định hướng phát triển và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; dự kiến đến năm 2030, diện tích đạt 169.500 ha, sản lượng khoảng 2,6 triệu tấn/năm.
Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân. Công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan được tỉnh thực hiện kịp thời, hiệu quả. Vĩnh Long đã xây dựng liên kết tiêu thụ với 11 doanh nghiệp, gồm 47 MSVT trên cây sầu riêng, khoai lang… có diện tích hơn 1.200 ha.
Có bảy doanh nghiệp tiếp tục liên kết trong xây dựng MSVT và liên kết tiêu thụ nông sản xuất khẩu. Tổng sản lượng nông sản xuất khẩu của tỉnh hằng năm hơn 32.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là Trung Quốc với sản lượng 17.486,4 tấn khoai lang; 950 tấn mít; 167 tấn sầu riêng…
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về MSVT, cơ sở đóng gói vào Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của tỉnh; tập trung phát triển vùng cây trồng theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng MSVT, đóng gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ nông sản.
Đặc biệt, có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích, phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn Trung ương; chú trọng các quy định, điều kiện sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc, các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số...
Cho biết thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản và chương trình xúc tiến thương mại nông sản; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xây dựng MSVT, mã số vùng nuôi, mã số cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng tốt cho thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước; tăng cường giám sát việc sử dụng MSVT, mã số vùng nuôi, đặc biệt việc mua, bán các sản phẩm ngoài MSVT, mã số vùng nuôi...
Tổng hợp từ nguồn: xttm.vinhlong.gov.vn; Baovinhlong; Nhandan.vn.
Nhấn mạnh phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 định hướng lớn thời gian tới để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là “điểm sáng”, “trụ cột” trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, giúp những người khó khăn phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống.