Nhiều thanh niên của huyện Nho Quan đã khởi nghiệp thành công trên vùng đất quê hương nhờ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Ninh Bình “về việc quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh”.
Tạo điều kiện thanh niên tiếp cận vốn vay
Anh Nguyễn Công Tấn (thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ) là một trong những thanh niên khởi nghiệp được hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách. Sau thời gian đi làm thuê xa nhà vất vả nhưng thu nhập thấp, anh đã chọn trở về quê hương để khởi nghiệp. Năm 2016, bắt đầu bằng nghề chăn nuôi thỏ nhưng hiệu quả không cao nên năm 2017 anh cùng người thân chuyển hướng sang nuôi gà thịt và gà đẻ trứng theo hướng an toàn.
Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn, anh Nguyễn Công Tấn (thôn Đại Hoàng, xã Xích Thổ) xây dựng thành công mô hình nuôi gà an toàn.
Để sản xuất có quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần có vốn đầu tư cơ sở vật chất chuồng trại, mua giống… Nhưng nguồn vốn tôi huy động từ gia đình, người thân và bạn bè không đủ. Vì vậy, khi biết chương trình vay vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên, tôi đã đề nghị và được xét duyệt. Từ khoản vay 300 triệu đồng cùng với nguồn vốn của gia đình, tôi đầu tư xây dựng 2 dãy chuồng nuôi với quy mô hàng nghìn con và 1 khu vườn để chăn thả tự nhiên (diện tích 1ha). Nhờ nắm được quy trình kỹ thuật nên con nuôi của gia đình phát triển tốt”, anh Tấn chia sẻ.
Hiện, gia đình anh Tấn duy trì 1.500 gà đẻ và 1.000 gà thịt nuôi theo hướng an toàn. Bình quân mỗi ngày có thể thu 500 quả trứng. Toàn bộ sản phẩm được liên kết tiêu thụ tại các cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. Việc nuôi gà đã giúp cuộc sống của gia đình anh thêm sung túc, từng bước trở thành hộ khá ở địa phương.
Anh Vũ Văn Dậu (xã Quỳnh Lưu) điều khiến máy tại xưởng sản xuất.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc, anh Vũ Văn Dậu ở xã Quỳnh Lưu đã chọn nghề mộc để khởi nghiệp. Tuy nhiên, để bắt nhịp với xu thế hiện nay, anh đã chọn hướng phát triển khá mới, đó là sản xuất các sản phẩm gia dụng từ gỗ công nghiệp. Đồng hành cùng quá trình khởi nghiệp của thanh niên, Đoàn Thanh niên huyện Nho Quan đã tạo điều kiện để anh Dậu tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 43. Với 450 triệu đồng được vay, anh đầu tư mua máy móc, xe vận tải… Nhờ nhanh nhẹn, hoạt bát làm thị trường cộng với sự tinh tế trong thiết kế, chú trọng chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp, công việc sản xuất, kinh doanh của anh Dậu ngày càng thuận lợi.
Mô hình kinh tế này đã tạo thu nhập ổn định cho gia đình anh 300-400 triệu đồng/năm. Ngoài tạo được việc làm thường xuyên cho lao động trong gia đình, anh còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương, chủ yếu là thanh niên với mức thu nhập 5-10 triệu đồng/người/tháng. Anh Dậu chia sẻ: “Nguồn vốn cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 43 đã tạo động lực giúp thanh niên lập thân, khởi nghiệp, tạo động lực để bản thân không chỉ có việc làm mới, thu nhập ổn định, mà còn tiếp tục truyền cảm hứng cho các thanh niên khác cùng vươn lên làm giàu”.
Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 43, trên địa bàn huyện Nho Quan có 82 dự án của đoàn viên, thanh niên được vay vốn khởi nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng vốn hơn 7 tỷ đồng. Thông qua thực hiện, Nghị quyết đã tạo điều kiện thành lập các tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Đinh Ngọc Vường, Bí thư Huyện đoàn Nho Quan, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43, bên cạnh chức năng làm “cầu nối” truyền tải vốn, Huyện đoàn đã làm tốt việc tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu nghề nghiệp... cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cấp cơ sở tổ chức bình xét đối tượng được hưởng thụ, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, đúng chủ trương; giúp các trường hợp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn vốn. Nhờ đó, nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên sau khi được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 43 đã phát triển mạnh, trở thành mô hình tiêu biểu tại địa phương.
Qua rà soát thấy, hiện nhu cầu vay vốn để phát triển của thanh niên trên địa bàn huyện là rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, Huyện Đoàn Nho Quan mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực nhiều hơn nữa từ các chính sách, nhất là chính sách về vốn theo Nghị quyết 43, để hỗ trợ thanh niên lập thân, khởi nghiệp.
Huyện Đoàn sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Chính sách xã hội để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm với hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Sau năm 1996, huyện Mường Lát được tách khỏi huyện Quan Hóa, đây là một huyện xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, đường xá giao thông cực kỳ khó khăn, quy mô nền kinh tế gần như không có gì. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, Mường Lát đang trên đường xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh cũng cực kỳ khó khăn hơn so với các địa phương khác trong tỉnh.