Bạc Liêu quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, từ việc xây dựng hình ảnh, niềm tin đối với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước; sản phẩm đến với người tiêu dùng phải ngon, sạch, chất lượng, an toàn. Để làm được việc này tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp.
Năm 2023, phấn đấu kim ngạch XK tôm đạt 1 tỷ USD
Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản của Bạc Liêu đạt hơn 157.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt 6.000 ha (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 21,67%/năm); diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 23.100 ha (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 1,17%/năm). Sản lượng nuôi trồng thủy sản 480.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 13,25%/năm), trong đó sản lượng tôm 290.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 14,72%/năm); cá và thủy sản khác 190.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 11,2%/năm).
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh hiện có 3 mặt hàng xuất khẩu chính đó là tôm, gạo và muối. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.
Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm kết hợp thủy sản khác được nhiều địa phương ở Bạc Liêu nhân rộng.
Trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 676 triệu USD, tăng gần 7,2% so với cùng kỳ; trong đó, tôm đông lạnh ước đạt hơn 659 triệu USD, tăng 7,22% so với cùng kỳ. Tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 01 tỷ USD và đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD; trong đó, tôm là sản phẩm chiếm tỷ trọng chi phối trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc… Xuất khẩu tôm năm 2022 ghi nhận con số kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu tôm 9 tháng đầu năm 2023 vào thị trường EU chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam. Thời gian tới, nếu xuất khẩu tôm vào thị trường EU phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như: sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; tận dụng triệt để các lợi thế từ EVFTA để nâng sức cạnh tranh.
Xuất khẩu gặp khó khăn
Kết quả đạt được là vậy, nhưng thời gian gần đây, hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường. Sức mua giảm sút, các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm ngày càng khắt khe, diễn biến của thị trường và cạnh tranh trong chuỗi cung ứng ngày càng khó khăn gay gắt…
Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường.
Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh những thuận lợi thì tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn do tác động từ hậu quả của dịch bệnh Covid-19, suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn làm cho nhu cầu giảm, đơn hàng giảm, trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng…
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, thời gian gần đây, hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường. Sức mua giảm sút, các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm ngày càng khắt khe, diễn biến của thị trường và cạnh tranh trong chuỗi cung ứng ngày càng khó lường. Chính vì vậy, xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam thông tin, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vấp phải nhiều khó khăn. Ảnh hưởng từ chiến sự giữa Nga - Ukraine kéo dài, hậu quả của dịch bệnh Covid-19 làm suy giảm tăng trưởng kinh tế; giá nguyên vật liệu đầu vào cao; doanh nghiệp mất cân đối vốn; thời tiết diễn biến bất lợi; nguồn nguyên liệu và lao động không ổn định; khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu vẫn còn khắt khe và cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu như: Ecuador, Ấn Độ; suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn làm cho nhu cầu giảm, đơn hàng giảm.
Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế; chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật, lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ, e dè trong tiếp cận thị trường mới, chỉ chú trọng ở thị trường truyền thống nhưng thị trường này đang chịu sự suy thoái kinh tế mạnh.
Tại Hội nghị Chuyên đề xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2023, diễn ra mới dây, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị đã trình bày nhiều ý kiến về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản thời gian qua, định hướng trong thời gian tới; kinh nghiệm quản lý trong chế biến và xuất khẩu; triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao và nguồn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; đánh giá thị trường, định hướng nhu cầu nguyên liệu chế biến thủy hải sản phục vụ xuất khẩu….
Triển khai nhiều giải pháp
Theo ông Vũ Bá Phú, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đi liền đó là khả năng cạnh tranh cao và bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tham quan các khâu sản xuất, chế biến của Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long thị xã Giá Rai, (Ảnh: TN).
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, để xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là ở phân khúc chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết và chủ động trong sản xuất.
Tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) để tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới... Chú trọng việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 40% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản, 70% sản phẩm nuôi trồng thủy sản truy xuất được nguồn gốc.
Cùng với đó là phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nuôi trồng thủy đặc sản có giá trị theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu; phát triển mô hình nuôi thủy sản mới theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thuỷ sản. Phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống/thức ăn, nuôi trồng, chế biến, thương mại thủy sản đảm bảo thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước và hoàn thành chỉ tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 1,3 tỷ vào năm 2025 là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài; không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh mà còn khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng và bền vững, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường; hướng đến tạo thương hiệu tôm Bạc Liêu.
Vì vậy, không chỉ ban, ngành, địa phương tìm giải pháp để phát triển mà chính doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần chung tay để tháo gỡ khó khăn hiện nay. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của Bạc Liêu cộng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương; đồng thời đúc kết từ các ý kiến trao đổi, góp ý tại hội nghị, chúng ta sẽ thành công, sớm đưa Bạc Liêu thật sự trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam và hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1 tỷ USD trong năm 2023 và đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025.
Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ.
Ông Thiều cho biết thêm, tỉnh đang xây dựng kế hoạch thu hút mời gọi các dự án đầu tư và chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương... Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.
Đặc biệt, ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, xác định nuôi siêu thâm canh làm điểm nhấn, nhưng đảm bảo hệ thống xử lý nước thải; phát triển ổn định nuôi tôm sinh thái, mở rộng diện tích nuôi tôm - lúa theo hướng “lúa thơm, tôm sạch”. Song song đó là đẩy mạnh phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại, phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản là hơn 157.000 ha (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 2,24%/năm); trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 6.000 ha (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 21,67%/năm); diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 23.100 ha (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 1,17%/năm). Sản lượng nuôi trồng thủy sản 480.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 13,25%/năm); trong đó sản lượng tôm 290.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 14,72%/năm); cá và thủy sản khác 190.000 tấn (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 11,2%/năm). Đồng thời, tỉnh hình thành được vùng sản xuất giống tôm ứng dụng công nghệ cao, chủ động sản xuất, cung ứng từ 40 - 45 tỷ con giống đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh, đồng thời xuất sang các tỉnh lân cận; lượng giống sản xuất đảm bảo chất lượng đạt trên 90%; cải thiện chất lượng con giống các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Quan trọng là phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 250.000 tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi đạt 1,3 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025 Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm cả nước. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.