Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 6 năm 2023 | 14:53

Xây dựng hạ tầng để phát triển ĐBSCL

Tại diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế ĐBSCL” diễn ra mới đây tại thành phố Cần Thơ, ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi: “Sứ mệnh quốc gia của ĐBSCL rất lớn, nhưng tại sao đến bây giờ dân vùng này vẫn nghèo tiền rất xa so với bình quân cả nước?”.

Giao thông nội vùng, liên vùng còn thấp

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL được quan tâm, đẩy mạnh, đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Hệ thống giao thông và các loại hình giao thông được quan tâm đầu tư mới và chú trọng hơn về sự đồng bộ, tính kết nối, liên thông. Tỉ lệ đô thị hóa tăng lên. Chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân...

Sản lượng sản xuất lúa của ĐBSCL chiếm trên 50% cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn vùng. Cụ thể, tỉ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp. Tỉ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng còn yếu và thiếu đồng bộ, việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỉ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu…

Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu​.

Liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường nêu, một thực trạng đáng buồn khi vùng ĐBSCL chiếm 12,8% diện tích cả nước, dân số chiếm 18% cả nước, sản lượng lúa chiếm trên 50% cả nước, GDP chiếm khoảng 12% cả nước.

Tuy nhiên, GRDP bình quân đầu người của Vùng thấp hơn mức bình quân chung cả nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, thiếu các hạ tầng quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng như: chưa có cảng đầu mối; chưa có trung tâm logistics lớn cấp Vùng; hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp thiếu và lạc hậu; một số địa phương trong Vùng còn là vùng trũng y tế, giáo dục của cả nước.

Ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho biết, lâu nay ĐBSCL được nhận diện với sứ mệnh là vùng đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, là vùng trọng điểm về thuỷ sản và cây ăn trái của cả nước. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, tư duy như trên là không đủ, thậm chí gây ra những “nguy hiểm” trong nhận diện triển vọng, tương lai phát triển của ĐBSCL.

Tuy nhiên, tỉ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp.

“Các điều kiện phát triển đã thay đổi buộc chúng ta phải tư duy lại, tức là lâu nay xem ĐBSCL mang sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, thì bây giờ ngoài cái đó ra, còn là cái gì?”. Nếu ĐBSCL không thay đổi, thì “số phận” vẫn đứng trước những thách thức rất nghiêm trọng, ông Thiên nêu.

Ông Thiên đặt câu hỏi: “Sứ mệnh quốc gia của ĐBSCL rất lớn, nhưng tại sao đến bây giờ dân vùng này vẫn nghèo tiền rất xa so với bình quân cả nước?”. Ông Thiên dẫn chứng, nếu như năm 1990, GRDP của TPHCM chỉ bằng 2/3 so với của vùng ĐBSCL, thì bây giờ con số đã đảo ngược hoàn toàn, tức GRDP của ĐBSCL chỉ bằng 2/3 so với TPHCM. “Chúng ta thấy một sự lùi lại khủng khiếp, vị thế của đồng bằng này theo cái tỷ trọng kinh tế là giảm sút”, ông nhấn mạnh và cho rằng, chuyển dịch của ĐBSCL chậm, di dân ra khỏi vùng ĐBSCL.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng – phát triển kinh tế vùng ĐBSCL” do Báo Xây dựng thực hiện kỳ vọng sẽ là cơ hội nhằm tập hợp những phân tích, báo cáo, nhận định chuyên sâu, đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh tình hình phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế khu vực ĐBSCL, góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh phía Nam.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, có năm vấn đề khi bàn về hạ tầng của vùng ĐBSCL. Thứ nhất đây sẽ trở thành trung tâm logistic tầm quốc tế. Hai, phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL rất đặc thù, rất đặc biệt, thích ứng với BĐKH, tạo điều kiện, hệ sinh thái tốt nhất cho phát triển nông nghiệp cùng với quá trình công nghiệp hóa.

Ba, đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa gắn với phát triển kết cấu hạ tầng. Thứ tư, nguồn vốn, nguồn lực thực hiện có thể có những cơ chế đặc biệt. Cuối cùng là phải giữ được bản sắc, đặc thù, rất miền Tây, rất ĐBSCL.

TS Võ Trí Thành cho rằng, Diễn đàn còn là câu chuyện tri ân ĐBSCL.

Ông Thành nói, diễn đàn này không chỉ là câu chuyện cơ sở hạ tầng, khát vọng xây dựng phát triển cho ĐBSCL, cho toàn vùng Nam Bộ, cho đất nước mà còn là câu chuyện tri ân với ĐBSCL. Tại sao tôi nói tri ân, bởi vì chúng ta đã trễ, đã chậm trong phát triển hạ tầng cho ĐBSCL.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng về ngắn hạn, các tỉnh, thành ĐBSCL cần hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng chính sách và tổ chức thực thi, triển khai các công việc…

Trong Nghị quyết 78 của Chính phủ có hai cơ hội nên được triển khai nhanh và ngay. Thứ nhất là nhiệm vụ số 14, Bộ KH&ĐT đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cần thiết để huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng. Thời hạn để là 2022-2025 nhưng ông Hiếu mong rút ngắn thời hạn này thì tính hiệu quả mới cao và “các tỉnh ngồi đây, theo tôi không có cách nào khác là nên hợp tác, phối hợp, rồi thúc đẩy Bộ KH&ĐT triển khai nhanh cái này”. Thậm chí, ông cho rằng “các địa phương “nên gây áp lực” với Bộ KH&ĐT để cơ chế thực hiện nhanh nhất”.

Thứ hai, về lâu dài, cơ hội tiếp theo, ban hành quyết định hoàn thiện khung pháp lý cho liên kết vùng giai đoạn 2030. “Nhiệm vụ đặt ra đến năm 2026 theo tôi nhiệm vụ này dài quá mức cần thiết, nên hoàn thành trong thời hạn ngắn hơn thì nó mới tạo ra cơ chế”, ông Hiếu nhận xét.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn.

Trong khi đó, ông Phan Hoàng Phương, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông vận tải) đề xuất một số giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, trong đó có giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Theo ông Phương, cần tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài trong dự án tài trợ của 6 ngân hàng phát triển (ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB) thuộc chương trình phát triển chính sách (DPO) và các dự án liên kết vùng của ĐBSCL để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng.

Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí đủ nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách, đặc biệt hệ thống cầu yếu và các công trình gia cố bền vững chống sạt lở, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thúc đẩy việc huy động các nguồn ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước tập trung vào các dự án, các tuyến đường giao thông chính trong Vùng đồng thời tham gia góp vốn làm tăng tính thương mại của các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Đặc biệt, nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách huy động nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng giao thông; ưu tiên cho khai thác các dịch vụ liên quan dọc tuyến đường bộ (trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, trạm cân xe, quảng cáo, các công trình khác...).

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đề xuất cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp với thông hệ quốc tế.

Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung đối với kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Cân đối bố trí đủ nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn...

Ông Trần Đình Thiên phát biểu tại diễn đàn.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho biết, hiện vùng ĐBSCL đang cần năng lực mới và các cấp lãnh đạo đang có tư duy hành động “rất khác” đối với vùng này. Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép làm đường cao tốc chiến lược quốc gia ở vùng này là đột phát rất mạnh, không chỉ từ TP.HCM xuống Cà Mau, mà còn từ Châu Đốc (An Giang) xuống Trần Đề (Sóc Trăng). Song song với cách tiếp cận mới như nêu trên, phải bố trí lại đô thị cũng như vùng sản xuất khác đi nhằm tạo đột phá cho ĐBSCL.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top