Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 7 năm 2023 | 13:32

Xây dựng mã số vùng trồng tăng giá trị cho sản phẩm cây ăn trái

Hiện, Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 13.000 ha diện tích trồng cây ăn trái, để trái cây có đầu ra và được xuất khẩu chính ngạch, tỉnh đã chú trọng xây dựng mã vùng trồng. Với các diện tích đã được cấp mã vùng trồng không chạy theo số lượng mà chú trọng sản xuất để nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Tập trung sản xuất chất lượng

Công ty cổ phần cao su Thống Nhất đã chuyển đổi từ năm 2019 đến nay diện tích 174 ha cây cao su kém hiệu quả về năng suất và chất lượng tại thôn Quảng Phú, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức sang trồng chuối già Nam Mỹ theo công nghệ cao và xây dựng mã vùng trồng để xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc; trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 95%.

Xịt rửa chuối sau khi thu hoạch tại Công ty Cổ phần cao su Thống Nhất, huyện Châu Đức. 

Để đảm bảo tiêu chí xuất khẩu đối với mặt hàng chuối, ngay từ khi lập dự án đầu tư phía công ty đã cùng lúc tiến hành làm các thủ tục như đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và đã được chứng nhận, đăng ký cấp mã vùng trồng, nhà sơ chế, cơ sở đóng gói...

Bên cạnh đó, công ty cũng đã sản xuất áp dụng quy trình VietGAP và đã đạt chứng nhận, cùng đó công ty cũng đạt các chứng nhận chuẩn khác theo yêu cầu của các đối tác để xuất khẩu.

Mặc dù đã được cấp mã vùng xuất khẩu chuối đi 2 thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc với sản lượng lớn từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp đã không lơ là, chủ quan hay buông lỏng trong khâu trồng và chăm sóc.

Để kiểm soát chặt chẽ trong khâu sản xuất, công ty đã kỹ càng từ khâu chọn giống sạch bệnh trước khi xuống giống vụ chuối mới, cây giống phát triển đồng đều; quy trình chăm sóc phía công ty đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất như sử dụng máy bay không người lái, tưới nước tiết kiệm bón phân tự động; khâu thu hoạch từ vườn vào khu nhà sơ chế đều được vận chuyển bằng ròng rọc tự động để hạn chế thấp nhất va chạm làm chuối bị xây xước, ảnh hưởng đến mẫu mã của sản phẩm. Ngoài ra, các khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển đều phải kiểm soát nghiêm ngặt.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty xuất đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc khoảng trên 400 tấn chuối, mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu khoảng trên 6.000 tấn.

Bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Công ty cổ phần cao su Thống Nhất chia sẻ, phía công ty luôn luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng mã vùng trồng, vì hiện nay doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch chuối với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà đối tác yêu cầu.

Với lợi nhuận đem về cho phía doanh nghiệp khá lớn so với việc trồng cây cao su nên phía công ty sẽ càng chú trọng hơn về khâu đầu tư nâng cao chất lượng chứ không chạy theo số lượng mà ảnh hưởng đến uy tín.

Cụ thể, 1ha trồng cao su hiện nay chỉ thu về được khoảng 2 triệu đồng tiền lãi/năm, thì 1ha chuối cho lợi nhuận thu về khoảng 150 triệu đồng/năm. Với tổng diện tích đang cho thu hiện nay là 167ha, mỗi năm lợi nhuận thu về của công ty là khoảng trên 25 tỷ đồng, bà Lê Thị Ngọc Lan thông tin.

Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Nhân Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có diện tích nhãn là hơn 29,5 ha, của 18 thành viên. Năm 2018, khi 29,5ha nhãn của hợp tác xã Nhân Tâm đã được cấp mã số vùng trồng, trái nhãn đã được xuất đi Trung Quốc. Vụ nhãn năm 2022, hợp tác xã cũng đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, với trung bình 12 tấn nhãn tươi/tháng.

Theo ông Trương Đình Nam, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm, việc được cấp mã số vùng trồng giúp nông sản nâng cao khả năng cạnh tranh, hình thành các chuỗi giá trị bền vững để xuất khẩu.

Hiện nay, để duy trì và nâng cao chất lượng mã vùng trồng nhãn, các thành viên hợp tác xã đã thay đổi các thói quen canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như: tưới tự động, chú trọng sản xuất an toàn, hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc vô cơ trên cây nhãn và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do các cơ quan chuyên môn tổ chức tại địa phương về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nhãn nhằm đáp ứng các yêu cầu mà phía đối tác yêu cầu. Hiện nay hợp tác xã cũng đang làm hồ sơ để cấp mã vùng trồng xuất đi Liên minh châu Âu (EU) và Australia.

Cũng vừa được cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc vào đầu năm 2023 cho toàn bộ diện tích trồng sầu riêng của hợp tác xã, với 36,9ha, Ông Nguyễn Hữu Bê, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng 9 Bê, ấp Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết, nhờ áp dụng mô hình trồng theo hướng hữu cơ nên sầu riêng cho năng suất cao, nhờ được cấp mã vùng trồng nên đầu ra vụ sầu riêng vừa qua rất ổn định.

“Trước đây, khi chưa có mã số vùng trồng, gần đến giai đoạn thu hoạch thì thương lái mới vào tận vườn hỏi mua. Còn khi được cấp mã vùng trồng cây mới trong giai đoạn đơm hoa kết trái, một số doanh nghiệp đã đến tìm hiểu và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Việc được cấp mã số vùng trồng giúp nâng giá trị trái sầu riêng đối với thị trường trong và ngoài nước. Lợi nhuận cũng cao gấp 5-6 lần so với trồng tiêu, cao su.

Tham gia xây dựng mã số vùng trồng, các thành viên của hợp tác xã đều được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc sầu riêng, nhất là kỹ thuật xử lý cho trái tròn đẹp. Chính vì thế, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên”, ông Bê nhấn mạnh.

Không chạy theo phong trào

Thu hoạch sầu riêng tại Tổ hợp tác trồng sầu riêng Xà Bang, huyện Châu Đức, đây là đơn vị được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh để tăng xuất khẩu mặt hàng này.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh đã được cấp 24 mã số vùng trồng; trong đó, xuất đi các nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật, vùng trồng cây ăn trái ngày càng đa dạng về chủng loại trái cây xuất khẩu, với các loại trái cây như thanh long, nhãn, bưởi, sầu riêng, chuối, với tổng diện tích 684,8 ha, sản lượng ước hơn 13.855 tấn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi, để xuất khẩu trái cây tươi bền vững, yếu tố quyết định vẫn là chất lượng. Việc này đòi hỏi trách nhiệm của nhiều phía gồm: doanh nghiệp, nông dân và sự quản lý của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, nông dân phải thay đổi nhận thức không chạy theo số lượng mà chú trọng về kỹ thuật canh tác, đảm bảo an toàn đến khâu thu hoạch, chỉ bán cho thương lái khi trái cây đủ độ già, đảm bảo sự đồng đều về mẫu mã và chất lượng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mục tiêu của tỉnh không chỉ dừng lại ở việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật…, mà ý nghĩa lớn hơn là tỉnh xây dựng được hình ảnh minh bạch, trách nhiệm về nông sản.

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, ngoài áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa mã vùng trồng, cơ sở đóng gói để nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng hướng đến sản phẩm chất lượng cao.

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)

https://baotintuc.vn/kinh-te/xay-dung-ma-so-vung-trong-tang-gia-tri-cho-san-pham-cay-an-trai-20230716095447250.htm

Ý kiến bạn đọc
Top