Nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, tiến tới xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến trong nước và xuất khẩu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng mô hình vườn ươm sản xuất cây giống lâm nghiệp phục vụ vùng nguyên liệu triển khai từ năm 2022 - 2024 tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Xây dựng Quảng Trị thành trung tâm vùng nguyên liệu gỗ khu vực miền Trung
Giám đốc HTX Long Thành xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh - Quảng Trị) Võ Long Thành cho biết: “Khi xây dựng mô hình vườn ươm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cử cán bộ xuống tư vấn về quy trình xây dựng vườn ươm đến quy trình gieo ươm, xuất bán cây giống. Mô hình vừa hoàn thành và đi vào ươm giống keo lai nuôi cấy mô. Theo đánh giá, cây keo lai nuôi cấy mô giống tại vườn ươm đang sinh trường, phát triển tốt. Mỗi lứa ươm khoảng 3 tháng sẽ được xuất bán với 10 vạn cây cung ứng cho khoảng 50ha rừng. Tối đa một năm vườn ươm sản xuất được 80 vạn cây, chúng tôi phấn đấu giá bán ra rẻ hơn so với thị trường nhằm tiết kiệm chi phí trồng rừng cho bà con nông dân”.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, cho biết, xây dựng vườn ươm và chuyển giao quy trình sản xuất cây giống chất lượng cao sẽ giúp Quảng Trị chủ động trong công tác giống. Mặt khác, khi có nguồn giống tốt, sẽ làm tăng giá trị rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người dân và hướng đến phát triển rừng bền vững gắn với chứng chỉ rừng.
Từ đó, giá trị rừng trồng cũng sẽ được nâng cao, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phát triển rừng bền vững gắn với chứng chỉ rừng. Theo ông Cẩn, Quảng Trị đang hướng tới trở thành trung tâm vùng nguyên liệu gỗ khu vực miền Trung. Vì vậy, việc xây dựng các vườn ươm cải tiến giống cây lâm nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người trồng rừng tiếp cận nguồn giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trồng rừng gỗ lớn, rừng đạt chứng chỉ FSC (chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm rừng).
Khi không thể vận hành tự động (do mất điện), các hệ thống trong vườn ươm cải tiến của HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn có thể vận hành cơ. Ảnh: Võ Dũng.
Năm 2022, mô hình đầu tiên được triển khai tại HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn, xã Cam Nghĩa (Cam Lộ). Tham gia thực hiện mô hình, HTX được hỗ trợ khung nhà giâm cây giống; các hệ thống che điều tiết ánh sáng phía trên và xung quanh; tưới phun sương, tưới phun mưa; luống giâm hom; bể chứa chìm, trạm bơm cải tiến; các hệ thống đường cấp nước, cấp điện; 100.000 cây mầm keo lai nuôi cấy mô cùng các vật tư thiết yếu. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là gần 900 triệu đồng; trong đó nhà nước hỗ trợ gần 600 triệu đồng, còn lại là đối ứng của HTX.
Vườn ươm này có diện tích 1.000m2. Trong đó, diện tích nhà ươm cây mô 230m2/nhà, vườn luyện và phụ trợ khoảng 770m2.
Cùng với nhiều mô hình khác đang được xây dựng, vườn ươm cải tiến của HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn cây giống chất lượng cao cho người trồng rừng Quảng Trị.
Ông Lê Phúc Nhật, Giám đốc HTX cho biết, vườn ươm đạt tiêu chuẩn là một trong những yếu tố giúp cây giống nâng cao chất lượng. Thời gian tới, ông Nhật rất mong liên kết để tiêu thụ nguồn cây giống từ vườn ươm.
Sản xuất gắn với liên kết để tạo ra chuỗi giá trị và tăng thu nhập
Giai đoạn từ 2022- 2024, Dự án “Xây dựng các vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống chất lượng cao phục vụ vùng nguyên liệu” đầu tư xây dựng 6 vườn ươm, chia đều cho 2 tỉnh, quy mô 1.000 m2/vườn. Bao gồm diện tích nhà ươm cây mô là 230 m2/nhà, vườn luyện cây và các công trình phụ trợ khoảng 770 m2/vườn. Địa bàn triển khai tại các xã vùng trung du miền núi thuộc vùng nguyên liệu gỗ lớn tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Tổng mức đầu tư của dự án gần 6,8 tỷ đồng.
Mô hình này nhằm chuyển giao quy trình sản xuất giống cây keo lai mô có chất lượng tốt phục vụ trồng rừng chất lượng cao cho vùng nguyên liệu gỗ lớn; tạo được vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ nhu cầu chế biến trong nước và xuất khẩu, góp phần đáp ứng tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC; nâng cao năng lực, vai trò của HTX liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất giống, trồng rừng, cấp chứng chỉ và tiêu thụ sản phẩm.
Qua mô hình sẽ hướng dẫn cho người dân thực hiện thành thục kỹ thuật trong ươm cây con từ cây mầm keo lai mô đạt tỷ lệ thành công từ 85% trở lên. Cùng với đó, mô hình sẽ góp phần ổn định nguồn giống chất lượng cao và hạ giá thành giống cho vùng nguyên liệu gỗ lớn.
Ông Phan Ngọc Đồng, Chủ nhiệm dự án, cho biết: Tại Quảng Trị, dự án phân bổ gần 3,7 tỷ đồng để xây dựng 3 mô hình vườn ươm cải tiến trong thời gian 3 năm (2022-2024), công suất đạt trên 500.000 cây/vườn/năm, đảm bảo năng lực sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai xây dựng mô hình vườn ươm cải tiến sản xuất cây giống keo lai nuôi cấy mô tại xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh). Tổng kinh phí xây dựng mô hình gần 900 triệu đồng, trong đó được dự án hỗ trợ 70% kinh phí, bao gồm khung nhà giâm; hệ thống che điều tiết ánh sáng phía trên và xung quanh; hệ thống tưới phun sương, phun mưa; giống cây và vật tư, thiết bị...
Theo ông Đồng, mô hình vườn ươm chất lượng cao nhằm đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Kết quả bước đầu của 2 mô hình triển khai ở Quảng Trị, tỉ lệ cấy mô thành công đạt gần 100%. So với cây giống giâm hom, cây giống nuôi cấy mô phát triển nhanh hơn 20%, có bộ rễ cọc chống chịu tốt hơn với gió bão, thuận lợi cho mô hình trồng rừng gỗ lớn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh tham quan mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp tại xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh - Quảng Trị).
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh chia sẻ: “Sản xuất giống cây trong vườn ươm mới tạo được sự đồng đều giống cũng như cung cấp đủ giống chất lượng cho nhân dân. Hiện nay, các địa phương dọc dãy Trường Sơn đang tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu gỗ. Vì vậy, việc ươm cây giống ứng dụng công nghệ vào sản xuất là một trong những giải pháp để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, cần sản xuất gắn với liên kết để tạo nên chuỗi giá trị và tăng thu nhập cho nhân dân”.
Cũng theo ông Thanh, mô hình vườn ươm là công nghệ lõi để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ trồng rừng trên địa bàn. Bởi mô hình vườn ươm đã đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất giống là công nghệ nuôi cấy mô để tạo ra nguồn giống đạt chuẩn. Qua so sánh, nếu sử dụng giống giâm thì chất lượng không bảo đảm, cây không đồng đều, không sạch và nhiễm bệnh dẫn đến chất lượng gỗ thấp. Hơn nữa, nếu trước đây khi có quy trình công nghệ, chúng tôi xuống tập huấn cho nông dân. Nhưng nay, chúng tôi thành lập tổ khuyến nông cộng đồng để đồng hành với bà con từ lúc triển khai kế hoạch sản xuất, quy trình sản xuất, kết nối thị trường đến bao tiêu sản phẩm. Khi có khuyến nông cộng đồng đồng hành thì người dân sẽ tổ chức thực hiện tốt hơn.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…