Việc xuất khẩu bưởi đỏ Tân Lạc sẽ là nguồn cổ vũ, khích lệ để nông dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những chuyến hàng đối với các mặt hàng nông sản khác được xuất khẩu.
Ngày 24/11, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Lạc phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA tổ chức lễ xuất chuyến hàng bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên sang thị trường Anh, với số lượng 5.400 quả bưởi đỏ Tân Lạc.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình, ông Đinh Công Sứ nhấn mạnh, thành quả này là sự nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, cùng các hợp tác xã và người dân địa phương huyện Tân Lạc.
Dán nhãn, đóng gói sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc chuẩn bị xuất khẩu. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Bưởi đỏ Tân Lạc sẽ là nguồn cổ vũ, khích lệ để nông dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những chuyến hàng đối với các mặt hàng nông sản khác được xuất khẩu, đưa xuất khẩu trở thành một trong những kênh tiêu thụ đối với những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, bên cạnh việc phát triển, mở rộng diện tích, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác bưởi đỏ của người dân ngày được một nâng cao, phát triển theo hướng bền vững.
Người dân nhận thức rõ vai trò sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, đảm bảo đúng quy chuẩn quy định về kiểm dịch thực vật, tất cả các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc, đáp ứng sẵn sàng để bưởi đỏ Tân Lạc xuất khẩu qua thị trường thế giới.
Ông Dương Đức Tính, Tổ hợp tác xã xóm Tân Dương (Tân Lạc) chia sẻ: "Bưởi đỏ Tân Lạc đã được xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc, đây là nỗ lực hết mình của bà con xã viên. Thời gian tới, tôi hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp đến với huyện Tân Lạc, tạo các liên doanh liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) mật thiết hơn, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp tạo thu nhập kinh tế cao và bền vững."
Nhằm nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản tại địa phương, kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với thị trường trong nước, huyện Tân Lạc đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn tỉnh Hòa Bình hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc, sản xuất rau an toàn Quyết Chiến ký cam kết tiêu thụ nông sản trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Đối với thị trường nước ngoài, thời gian qua, huyện Tân Lạc đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá vùng trồng để đề nghị cấp mã số xuất khẩu sang thị trường EU cho 6 vùng trồng bưởi với tổng diện tích 153 ha; hỗ trợ liên kết ký Thỏa thuận hợp tác về phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ Hòa Bình trên địa bàn huyện, giữa Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA với các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây bưởi của huyện; hỗ trợ liên kết giữa hợp tác xã dịch vụ và phát triển nông, lâm nghiệp, nông thôn Tùng Dương, Công ty TNHH Tiến Ngân và Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA xuất khẩu mía đã qua sơ chế sang thị trường EU.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là mía và bưởi đỏ Tân Lạc. Năm 2022, huyện đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu bưởi sang thị trường châu Âu; có 1 mã cơ sở đóng gói quả tươi.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, huyện Tân Lạc chú trọng xây dựng vùng trồng đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Diện tích cây ăn quả có múi (cam, bưởi). Toàn huyện Tân Lạc hiện có 1.523,8 ha, diện tích kinh doanh đạt 1.420 ha, tổng sản lượng ước đạt 22,2 nghìn tấn.
Đến nay, toàn huyện có 9 cơ sở với trên 240 ha cây ăn quả có múi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 1 cơ sở đạt chứng nhận hữu cơ; có 1 cơ sở sơ chế, đóng gói của hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; 3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao (cam, bưởi sạch của hợp tác xã Sơn Hoa; bưởi đỏ Giang Lộc của hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; bưởi hữu cơ Tân Đông của hợp tác xã trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông); có 11 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác tham gia sản xuất cây ăn quả có múi; trong đó, có 3 hợp tác xã có liên kết tiêu thụ sản phẩm; có 140,5 ha bưởi được cấp mã vùng trồng (6 mã)./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.