Nhiều loại nông sản của Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Với sự đa dạng của các loại nông thủy sản, nước ta có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường đông dân nhất thế giới này.
Thu mua sầu riêng tại một vựa trái cây ở tỉnh Bến Tre.
Thị trường quan trọng
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của nước ta. Sau thời gian đóng cửa vì dịch COVID-19, từ ngày 8-1-2023, Trung Quốc đã mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động thông quan xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc của Việt Nam. Ðây là điều kiện để nước ta đẩy mạnh kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu các loại nông sản vào thị trường Trung Quốc. Với quy mô dân số hơn 1,4 tỉ người, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn. Ðặc biệt, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều sản phẩm nông thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như lúa gạo, cá tra, tôm nước lợ, các loại rau quả, trái cây...
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 175,5 tỉ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm tới 24%. Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hàng rau quả, chiếm tỷ trọng tới 53,7% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó vải thiều chiếm tỷ trọng 90% và thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta đối với sắn cùng các sản phẩm từ sắn, với tỷ trọng chiếm hơn 91% và cao su chiếm hơn 71%, đồng thời là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều loại nông sản của nước ta, chúng ta cần quan tâm đảm bảo “giữ vững thị phần” và xuất khẩu sang thị trường truyền thống này bền vững. Hiện Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”, đã có nhiều thay đổi trong xuất nhập khẩu, đặc biệt quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu và hướng tới thương mại chất lượng cao...
Gỡ khó, thúc đẩy xuất khẩu
Nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy phát triển xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Tổ Ðiều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… đã cập nhật, cung cấp nhiều thông tin hữu ích về thị trường Trung Quốc, nhất là thông tin về nhu cầu nhập khẩu nông sản và yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm của thị trường này. Ðồng thời, trao đổi, chia sẻ các mô hình, cách làm hay và giải pháp nhằm tổ chức tốt việc sản xuất kinh doanh để có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Nhiều đại biểu kiến nghị, các bộ ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và nông dân cần quan tâm nắm bắt thông tin thị trường, nhu cầu và yêu cầu nhập khẩu nông sản tại từng tỉnh, thành, địa phương cụ thể tại thị trường Trung Quốc để mở rộng các kênh tiêu thụ. Ðặc biệt, doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng đảm bảo về sản lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm. Quan tâm xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, khai thác phát triển thương mại điện tử, đầu tư phát triển chế biến sâu, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, kiến nghị: “Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các địa phương tổ chức sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến gắn với xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng để phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu. Tăng cường thông tin, tập huấn và hỗ trợ trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Tích cực trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc đẩy nhanh việc hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho thêm nhiều loại nông sản nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Ký kết các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại nông sản để giảm bớt thời gian, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu…”. Theo ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Ðồng Giao (DOVECO), Trung Quốc là thị trường tiềm năng rất lớn. Năm 2022, doanh nghiệp đã xuất khẩu nhiều mặt hàng rau quả sang thị trường này và đạt mức tăng trưởng 130% so với năm 2021. Bên cạnh rau quả tươi, công ty cũng chú trọng phát triển xuất khẩu sản phẩm đông lạnh, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị. Ðể đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, sản phẩm khách hàng tại Trung Quốc là rất quan trọng. Ðặc biệt, tham gia các Hội chợ quốc tế tại nước bạn là con đường nhanh nhất để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông sản Việt và ký kết các hợp đồng. Tới đây, Bộ NN&PTNT và các cơ quan xúc tiến thương mại cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương tham gia các hội chợ tại Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trước yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa của thị trường Trung Quốc, đặc biệt là yêu cầu từ Lệnh 248 (quy định quản lý đăng ký kinh doanh sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu) và Lệnh 249 (về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu), các doanh nghiệp nước ta cần thực hiện đúng. Tích cực phối hợp, kết hợp ngành chức năng, nông dân ở các địa phương để hoàn chỉnh xây dựng vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Các đơn vị, doanh nghiệp cần chủ động liên kết, liên hệ các Ban quản lý Cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan và có sự phối hợp, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản và giảm thời gian, chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa.
Nước ta đã có khoảng 16 mặt hàng trái cây tươi và sản phẩm thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc là chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo. Hiện Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các cơ quan phía bạn để đẩy mạnh đàm phán nhằm mở cửa xuất khẩu chính ngạch cho thêm nhiều sản phẩm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.