Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 2 năm 2024 | 10:0

Xuất khẩu sản phẩm từ cây công nghiệp: Nhiều kỳ vọng trong năm Giáp Thìn – 2024

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản đạt khoảng 25 tỷ USD, trong đó có đóng góp lớn của các sản phẩm từ cây công nghiệp, như: càphê, điều, tiêu, chè, cao su...

Dự báo, năm 2024, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ cây công nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi ngành hàng cần có cách ứng phó linh hoạt từ sản xuất đến chế biến, phát triển thị trường...

Tiềm năng cà phê

Hiện, cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.

Theo Cục Xuất - Nhập khẩu  (Bộ Công Thương), năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta tăng mạnh. Theo ước tính, xuất khẩu cà phê đạt xấp xỉ 1,61 triệu tấn, với giá bình quân 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.

Từ tiềm năng kinh tế do cây cà phê mang lại, nhiều địa phương đặt kế hoạch trồng cà phê, trong đó, tỉnh Đắk Nông tập trung xây dựng vùng cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới và Viện Chất lượng cà phê thế giới. Đắk Nông cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cà phê đặc sản  đạt 1.000 ha, với sản lượng cà phê nhân chọn lọc khoảng 530 tấn.

Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng cà phê trên địa bàn  đạt 17.000 ha, năng suất bình quân từ 2-2,5 tấn cà phê nhân/ha; diện tích trồng tái canh cà phê đến năm 2025 khoảng 8.000 ha; khoảng 70-90% diện tích cà phê cho thu hoạch sản phẩm được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận.

Hiện tại, Sơn La là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam, sau Lâm Đồng. Năm 2023, diện tích cà phê Arabica của Sơn La đạt 20.000 ha, trong đó diện tích được cấp chứng chỉ bền vững trên 18.000ha (90% diện tích). Sản lượng cà phê hàng năm ước 40.000-50.000 tấn nhân, trị giá 4.500-5.000 tỉ đồng.

Theo Sở Công Thương Gia Lai, năm 2023, diện tích cà phê cho thu hoạch trên địa bàn  tỉnh đạt 87.000 ha. Khối lượng xuất khẩu đạt 240.000 tấn, trị giá 490 triệu USD.

Hướng tới xuất khẩu bền vững, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam có sự gia tăng đáng kể. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn, chiếm 5,4% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ vừa qua. Kim ngạch khoảng 510 triệu USD, chiếm 12,5% xuất khẩu cà phê.

Ngay đầu niên vụ 2023/2024, giá cà phê nhân Việt Nam đã ở mức 60.000 đồng/kg. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Với dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng cao, xuất khẩu có thể thu về từ 4,5 - 5 tỷ USD trong năm 2024.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với các giải pháp tổng thể, trong đó có việc đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời gia tăng tỷ lệ chế biến sâu.

Xuất khẩu hạt điều sẽ tăng 

Đối với ngành điều, năm 2023 kim ngạch đạt 3,63 tỷ USD. Đây là kết quả đáng mừng trong bối cảnh kinh tế suy giảm, lạm phát cao khiến người tiêu dùng nhiều quốc gia trên thế giới giảm tiêu thụ hạt điều do không phải là sản phẩm thiết yếu.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc, các nước châu Âu… Đây đều là các thị trường có yêu cầu về chất lượng, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật thường xuyên thay đổi và nâng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải cập nhật nhanh chóng để kịp thời đáp ứng.

Năm 2023, xuất khẩu hạt điều đạt 3,63 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022.

Ngoài ra, hạt điều Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu điều thô, như Bờ Biển Ngà. Theo số liệu của Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, EU đã tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà, cụ thể, tính trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 59,5% về lượng và tăng 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, ngành điều cần chú trọng chất lượng và đa dạng sản phẩm chế biến sâu để tăng lợi thế cạnh tranh.

Trong khi đó, ngành hàng sản xuất và xuất khẩu hạt điều cũng đang phải đối mặt với áp lực dịch chuyển sang sản xuất xanh để đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội của đối tác nhập khẩu.

Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6%/năm trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật trên toàn cầu đã làm cho nhu cầu về các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt tăng cao, trong đó có hạt điều.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đánh giá, ngành điều Việt Nam đã có những bước tiến dài sau hơn 40 năm hình thành và phát triển. Từ việc học hỏi và sử dụng thiết bị công nghệ chế biến điều từ nước ngoài, Việt Nam đã trở thành quốc gia làm chủ công nghệ và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu.

Sản lượng giảm, xuất khẩu hồ tiêu thuận lợi  

Trong khi cà phê và hạt điều có kim ngạch xuất khẩu tăng thì kết thúc năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm về trị giá dù tăng về lượng so với năm 2022. Theo ước tính, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đạt 267.000 tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6,0% về trị giá. Nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu thụ thấp tại các thị trường trọng điểm đã kéo giá hạt tiêu giảm sâu, chỉ đạt khoảng 3.420 USD/tấn, giảm 19,4% so với năm 2022.

Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Lê Việt Anh cho rằng, lạm phát kinh tế cũng ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân cho mặt hàng này. Sản phẩm hồ tiêu Việt Nam cũng đang phải đối mặt rào cản kỹ thuật ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng từ các cường quốc sản xuất khác như Indonesia, Brazil… cũng tác động đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam.

Năm 2024, xu hướng giá hạt tiêu thế giới sẽ tăng cao do sản lượng hạt tiêu toàn cầu niên vụ 2023/2024  giảm. Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi,  giá sẽ tăng do sản lượng giảm khoảng 10-15% xuống còn 160.000-165.000 tấn, tồn kho hiện ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây; Ấn Độ giảm 20%, Indonesia giảm 20-30% và Brazil giảm 15%.

Nhận định về ngành hồ tiêu Việt Nam, VPSA cho rằng, bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu, đòi hỏi cả hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân phải có sự chuẩn bị và ứng phó phù hợp.

Đặc biệt, xuất khẩu nhiều loại nông sản sẽ phải tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu.

Do đó, VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này. EU sắp tới yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu.

Về vấn đề giảm phát thải, Việt Nam cam kết cắt giảm 30% trong năm 2030 và về Net Zero vào năm 2050. Do đó, ngành hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước, bao gồm việc sắp xếp hoạt động nhà máy và vườn trồng trong chuỗi bền vững để vừa bảo đảm việc tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu, quy định mà Chính phủ đang trong quá trình xây dựng cũng như giúp đem lại thêm thu nhập cho người dân nếu sản phẩm đạt chứng chỉ.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là, hiện, để được cấp mã số vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều hộ dân đã và đang phá bỏ cây tiêu, chuyển sang trồng độc canh cây sầu riêng. Trước thực trạng này, VPSA đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có giải pháp phù hợp để đảm bảo tính bền vững cho hồ tiêu Việt Nam.

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top