Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Nghệ An đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thêm đầu ra ổn định, nâng cao thương hiệu OCOP của tỉnh; đồng thời góp phần đưa sản phẩm OCOP từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và nâng cao giá trị, gắn sản xuất với thị trường.
Tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP
Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận. Tỉnh hiện có 422 sản phẩm được xếp hạng đạt chất lượng OCOP tiêu chuẩn 3 sao trở lên; trong đó, có trên 40 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm chất lượng OCOP 5 sao, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước.
Tỉnh xác định phát triển Chương trình OCOP theo hướng bền vững, lấy chất lượng và thương hiệu sản phẩm làm thước đo. Hiện nay nhiều mô hình tiêu biểu, nhiều cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, thể hiện tính bứt phá đã góp phần nâng tầm toàn diện ngành hàng nông nghiệp của tỉnh, biến diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.
Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt hạng sao được công nhận
Ngay từ khi tham gia Chương trình, để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Nghệ An đã giao cho Văn phòng Điều phối nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, để người tiêu dùng địa phương, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP
Kết quả, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình, Nghệ An đã có 175 sản phẩm OCOP được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream). Không chỉ có thế, các chủ thể đã được tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, một số chương trình chuyên ngành khác. Ngoài ra là có các điểm bán hàng OCOP tại các địa phương.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Nghệ An có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Nằm trong chuỗi “Điểm giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản địa phương”, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Nghệ An đã triển khai rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nông sản. Các sản phẩm của Nghệ An tham gia kết nối thị trường thời gian qua rất đa dạng. Trong đó có nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh như: cam Xã Đoài, dược liệu Pù Mát, bánh đa Đô Lương, nước mắm Cửa Hội...
Mới đây, nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, đại lý, siêu thị, đặc biệt là Siêu thị Go! Vinh; từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà phân phối kết nối cung cầu nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An, từ ngày 24 – 26/11, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Nghệ An phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Trung tâm Thương mại Go Vinh tổ chức Chương trình Giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An tại Siêu thị Go Vinh năm 2023. Đây là lần thứ 2, các sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An được tiếp cận cơ hội trưng bày, giới thiệu tại Siêu thị Go! Vinh.
Cũng tại đây, Trung tâm đã ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Siêu thị Go! Vinh và các nhà cung cấp sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương.
Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Siêu thị GO! Vinh và các nhà cung cấp sản phẩm OCOP, đặc sản Nghệ An.
Theo đó, có 10 sản phẩm OCOP và đặc sản Nghệ An được đưa vào hệ thống Siêu thị Go Vinh như: nem hải sản, chả mực, tôm tẩm bột xù; giò chả Thúy Hoàng; tinh bột nghệ Hoàng Mai; ngũ cốc dinh dưỡng; hoa quả sấy; cao dược liệu; nước mắm; tinh dầu răng miệng F&p; sữa rửa mặt tía tô nha đam; trà hoa vàng Pù Huống; hương trầm Qùy Châu; rượu mú từn Pù Huống; cá thu nướng; ruốc bông cá thu; chả cá thu… Các sản phẩm đến từ các địa phương như thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu, Đô Lương, Nghĩa Đàn...
Việc ký kết đưa sản phẩm và đặc sản tỉnh Nghệ An vào hệ thống siêu thị được xem là tiền đề quan trọng, cơ hội để các doanh nghiệp có thêm đầu ra ổn định, nâng cao thương hiệu OCOP của tỉnh Nghệ An; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm các nhà đầu tư để phát triển, mở rộng sản xuất các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng, các sản phẩm của tỉnh, từ đó tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm của tỉnh Nghệ An cả về số lượng và chất lượng. đồng thời góp phần đưa sản phẩm OCOP từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả và nâng cao giá trị, gắn sản xuất với thị trường.
Đa dạng hình thức kết nối
Thực tế cho thấy, những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng Việt, hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hệ thống các siêu thị, nhất là với siêu thị có yếu tố nước ngoài đều có những tiêu chuẩn đầu vào rất cao. Đồng thời phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, muốn tiêu thụ sản phẩm OCOP nhà sản xuất phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định đó.
Để các sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương của Nghệ An nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường và có chỗ đứng trong các siêu thị, hiện nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Nghệ An đang đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Nghệ An cùng các đại biểu tham quan các gian hàng OCOP tại Siêu thị Go!Vinh.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Nghệ An, cho biết, để sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn để có thị trường tiêu thụ rộng hơn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng.
Đánh giá về khâu liên kết tiêu thụ của sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Hữu Minh cho rằng, thời gian qua, sản phẩm OCOP có 3 vấn đề cản trở cho hoạt động xúc tiến thương mại.
Cụ thể: Đối tượng chủ thể của Chương trình OCOP có quy mô nhỏ và rất nhỏ; tính ổn định trong chất lượng sản phẩm; năng lực xúc tiến thương mại, năng lực tổ chức của các chủ thể OCOP còn yếu. Minh chứng rõ nhất là thị trường quốc tế đang đặt ra rất nhiều những yêu cầu về bao bì, thiết kế, kiểu dáng sản phẩm… theo xu hướng mới nhưng phần lớn các chủ thể OCOP vẫn chưa đáp ứng được.
Do đó, hoạt động kết nối tiêu thụ có vai trò rất quan trọng đối với các sản phẩm OCOP. Trong đó, thông qua hội chợ, triển lãm sẽ mang đến hình ảnh các sản phẩm OCOP của mỗi vùng miền, mỗi địa phương đến với người tiêu dùng, thị trường. Qua đó nâng cao được nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, chất lượng OCOP và thương hiệu sản phẩm OCOP.
Hiện nay, trong bối cảnh tình trạng nông sản sản xuất chưa theo kịp tín hiệu thị trường; thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và cơ chế chưa hấp dẫn thì rất khó thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia kinh doanh nông sản.
Các sản phẩm OCOP Nghệ An được người tiêu dùng quan tâm nhiều.
Yêu cầu cấp bách để tăng tiêu thụ sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng cho doanh nghiệp và hợp tác xã là sự chuyển biến mạnh về liên kết vùng. Để làm được điều này, tỉnh Nghệ An rất cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế.
Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Nghệ An tiếp tục thực hiện các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hướng dẫn, thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thẩm định để nhanh chóng đưa sản phẩm vào bày bán tại trung tâm thương mại, siêu thị và thị trường quốc tế. Song song với đó, tìm kiếm các nhà đầu tư để phát triển, mở rộng sản xuất các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng của tỉnh, từ đó tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm của tỉnh Nghệ An cả về số lượng và chất lượng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.