Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 8 năm 2023 | 10:49

Yên Bái: Nông nghiệp khởi sắc, nông dân thoát nghèo

Những năm gần đây, nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái thay da đổi thịt nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên bà con có thu nhập khá.

Mù Cang Chải có gần 6.300 đàn ong nuôi

Toàn huyện Mù Cang Chải có gần 6.300 đàn ong nuôi; tập trung chủ yếu ở các xã: Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt, La Pán Tẩn…; sản lượng mật trung bình khoảng 65 - 80 tấn/năm.

Huyện Mù Cang Chải có gần 6.300 đàn ong, sản lượng mật trung bình khoảng 65 - 80 tấn/năm.

Những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương vùng cao có nhiều rừng cây tự nhiên thuận lợi cho ong lấy mật hoa, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo, quan tâm khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi ong.

Nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, huyện, người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, nhất là mô hình nuôi ong lấy mật.

Là địa phương có trên 90% là dân tộc Mông, hầu hết người dân đều có kinh nghiệm nuôi ong mật truyền thống với giống ong địa phương kết hợp với phương thức nuôi ong trong rừng tự nhiên không sử dụng thuốc kháng sinh… đã tạo nên thương hiệu cho sản phẩm mật ong đa hoa tự nhiên Mù Cang Chải. 

Đến nay, toàn huyện Mù Cang Chải có gần 6.300 đàn ong nuôi, tập trung chủ yếu ở các xã: Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt, La Pán Tẩn…; 1 hợp tác xã và gần 20 tổ hợp tác nuôi ong; sản lượng mật trung bình khoảng 65 - 80 tấn/năm. Người nuôi ong Mù Cang Chải thu về mỗi năm trên 6 tỷ đồng. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia liên kết nuôi ong với hợp tác xã, từng bước đưa mật ong Mù Cang Chải trở thành một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của  huyện, góp phần nâng cao giá trị, tạo thu nhập ổn định cho đồng bào vùng cao. 

Sơn Lương đạt 64% kế hoạch năm tổng đàn gia súc chính

Tính đến tháng 6/2023, xã Sơn Lương (huyện Văn Chấn) có tổng đàn gia súc chính là 2.322/3.653 con, đạt 64% kế hoạch năm, bằng 124% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: đàn trâu 780 con, đàn bò 390 con, đàn lợn 1.152 con.

Chăn nuôi trâu, bò tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn.

Phát huy thế mạnh của một xã thuần nông với lợi thế đồng cỏ rộng lớn phù hợp cho việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo phương thức bán chăn thả mang lại hiệu quả kinh tế cao, tthời gian qua, xã Sơn Lương đã tích cực khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại bền vững; phát triển chăn nuôi bán công nghiệp, nuôi trâu, bò thương phẩm; tái phát triển đàn lợn song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025.

Qua đó, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc đã trở thành phong trào rộng rãi ở xã Sơn Lương giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm, xã Sơn Lương có sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại là 90,2/235 tấn, đạt 38,4% kế hoạch năm bằng 106,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 85/220 tấn, đạt 38,6% kế hoạch năm, bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Văn Yên có nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu

Những thành quả đã đạt được từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện Văn Yên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Quế Văn Yên.

Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, xã Nà Hẩu được thành lập đăng ký sản phẩm OCOP là Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để phát triển chăn nuôi cá tầm, gà đen, lợn bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng phục vụ du khách. 

Ông Giàng A Châu - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Để nâng tầm sản phẩm OCOP, cùng với hoạt động nuôi cá tầm, HTX đã hoàn thiện đường đi đến thác Suối Tiên, thác Bản Tát; xử lý môi trường, tôn tạo tuyến đường tạo thuận lợi cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm; tập trung đào tạo nhân viên hướng dẫn du lịch, xây dựng, hình thành và kết nối tour, tuyến để thu hút du khách đến khám phá trải nghiệm”. 

Nhờ những nỗ lực đó, tháng 4/2022 - Điểm du lịch cộng đồng Bản Tát được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. 

Sản phẩm chuối tiến vua Yên Hợp (quả tươi đóng hộp) của HTX Nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. 

Kể từ khi được công nhận OCOP, việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều, đây còn là cơ sở pháp lý, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thị trường. Để nâng tầm sản phẩm OCOP, HTX vận động thành viên và nhân dân trong xã mở rộng diện tích, trồng và thu hái chuối theo quy trình, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bà Trần Thị Tình - Giám đốc HTX cho biết: "HTX chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách khuyến khích bà con và xã viên sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Có như vậy sản phẩm mới tạo được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”. Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát - doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nước lau sàn và nước rửa chén từ tinh dầu quế là một điển hình trong xây dựng sản phẩm OCOP. 

Bà Nguyễn Kim Thoa - Giám đốc Công ty cho biết: "Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản phẩm. Vì vậy, đơn vị đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật sản xuất và đưa vào thị trường 5 sản phẩm OCOP gồm: nước rửa chén tinh dầu quế; nước lau sàn tinh dầu quế; trà quế; Quế Phát hương quế Văn Yên, Quế Phát tinh dầu quế. Các sản phẩm này đều có gốc tích từ các câu chuyện phong phú được ứng dụng triệt để trong lịch sử văn hóa dân tộc Dao để quảng bá giá trị văn hóa quê hương. Các sản phẩm của đơn vị khi đạt chuẩn OCOP đưa ra thị trường người tiêu dùng dễ nhận diện hơn, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao”.

Khai thác lợi thế có vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao, HTX Quế Văn Yên được thành lập năm 2018 với ngành nghề kinh doanh chính chuyên thu mua, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây quế. Với sự sáng tạo và nhạy bén, đến nay, HTX đã tạo ra các sản phẩm đa dạng, độc đáo từ cây quế, được thị trường đón nhận và là đơn vị tốp đầu của tỉnh góp phần đưa quế Văn Yên trở thành sản phẩm chủ lực của Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái. 

Nhờ tích cực tham gia Chương trình OCOP, đến nay, HTX Quế Văn Yên đã có 6 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao gồm: bột quế Văn Yên, tinh dầu quế Văn Yên, lọ tăm quế, quế thanh, quế thuốc lá và 1 sản phẩm OCOP tinh dầu sả chanh Văn Yên vừa được công nhận năm 2022. 

Trong quá trình hoạt động, HTX Quế Văn Yên không ngừng mở rộng sản xuất. Hiện HTX có 2 cơ sở chế biến, giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm của HTX, các sản phẩm liên kết do các HTX, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cung cấp để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Đặng Công Long - Giám đốc HTX Quế Văn Yên cho biết: "Năm 2023, HTX Quế Văn Yên tiếp tục đăng ký đánh giá thêm 1 sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP là Trà quế hồng sâm. Những sản phẩm sau khi được công nhận, HTX được đặc quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in và dán trên bao bì của sản phẩm. Hình ảnh này sẽ tạo điều kiện để sản phẩm của HTX có chỗ đứng vững trên thị trường, đặc biệt là tạo niềm tin đối với người tiêu dùng”. 

Triển khai thực hiện Chương trình OCOP, từ năm 2019 - 2022, trên địa bàn huyện Văn Yên đã có 38 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Trong năm 2022 đã có 11 sản phẩm OCOP được chứng nhận sao, trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2023, huyện Văn Yên phấn đấu có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. 

Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh khẳng định: "Mục tiêu huyện phấn đấu đến hết năm 2025 là có ít nhất 60 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao, có từ 5 sản phẩm OCOP của huyện xuất khẩu ra nước ngoài.

Huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số”. 

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Nghị quyết số 69 ngày 16/12/2020 và Nghị quyết số 05 ngày 30/3/2022 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đây được coi là "đòn bẩy” để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tích cực, chủ động hơn trong việc tham gia liên doanh, liên kết, đầu tư phát triển sản xuất.

Anh Trịnh Văn Bẩy ở thôn Cầu A, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên chăm sóc đàn bò.

Gia đình anh Trịnh Văn Bẩy ở thôn Cầu A, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên làm nghề phát triển chăn nuôi trâu, bò. Được hỗ trợ 30 triệu đồng từ Nghị quyết 69, anh Bẩy đã đầu tư sửa sang chuồng trại, mua thêm con giống. Anh Bẩy chia sẻ: "Nghị quyết 69 đã động viên, khích lệ nông dân đổi mới tư duy, tiên phong trong phát triển sản xuất. Tôi tin rằng, sẽ ngày càng có thêm nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phát triển chăn nuôi, sản xuất”. 

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 69 và Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh, đến nay, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ thực hiện tổng số 38 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gồm: 10 dự án phát triển măng tre Bát độ, 7 dự án phát triển sản xuất trồng dâu nuôi tằm, 7 dự án phát triển chăn nuôi quy mô vừa và lớn, 4 dự án phát triển sản xuất chè vùng thấp… 

Dự kiến, trong đợt 2 (năm 2023), tỉnh sẽ phê duyệt bổ sung kinh phí thực hiện thêm 10 dự án, nâng tổng số dự án được phê duyệt lên 48 dự án. 

Đối với việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản hữu cơ, đến nay, tỉnh phê duyệt, hỗ trợ thực hiện 2.997 cơ sở chăn nuôi cho các hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ 61 tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò với 1.570 con trâu, bò được mua mới để phát triển sản xuất. 

Dự kiến, trong đợt 2 (năm 2023), tỉnh sẽ hỗ trợ thực hiện thêm 383 cơ sở chăn nuôi và 15 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò. 

Chính sách hỗ trợ trồng rừng bền vững thời gian qua cũng đã được các địa phương tích cực triển khai. Đến nay, có 2.101 ha được phê duyệt, hỗ trợ trồng mới theo cơ chế, chính sách của tỉnh, góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng hàng năm đạt trên 15.000 ha (năm 2021 đạt 16.047 ha/kế hoạch 15.500 ha; năm 2022 đạt 15.861 ha/kế hoạch 15.500 ha). Đồng thời, tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu chuyển hóa rừng gỗ lớn; nâng cao chất lượng rừng, rừng che phủ và thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững trong thời gian tới. 

Cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ thực hiện các dự án, mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao như: Dự án trồng khoai sọ tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; Dự án sản xuất miến đao theo chuỗi giá trị tại huyện Trấn Yên; thực hiện chính sách hỗ trợ cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần nâng cao thể trọng, chất lượng đàn trâu, bò của tỉnh. 

Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành chức năng và ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh tới người dân; đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân duy trì và phát triển tốt các dự án, nội dung chính sách đã được phê duyệt. 

Đồng thời, tiếp tục thu hút, mời gọi các doanh nghiệp và thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia phát triển sản xuất, đăng ký thực hiện chính sách; tăng cường kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách tại cơ sở để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ kịp thời; rà soát, xác định nhu cầu hỗ trợ, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

V.N (tổng hợp từ baoyenbai.com.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top