Trong thời gian qua, Yên Bái đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển liên kết theo chuỗi giá trị; trong đó, xác định vai trò quan trọng của các hợp tác xã (HTX) vừa thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa tăng cường liên kết với doanh nghiệp để hình thành và phát triển chuỗi bền vững.
Phát triển chè Bát tiên theo chuỗi giá trị
Thời gian qua, cùng với việc chuyển đổi từ giống chè trung du truyền thống sang giống chè Bát tiên, người dân xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên còn tham gia vào hợp tác xã tạo chuỗi liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè của địa phương.
Người dân thôn Khe Năm thu hái chè Bát Tiên.
Gia đình chị Trần Thị Hạnh, thôn Khe Năm gắn bó với cây chè từ những năm 1970. Chị Hạnh cùng một số hộ trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi từ chè trung du sang giống chè Bát tiên chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Chị Hạnh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, ứng dụng quy trình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP và sản phẩm chè Bát tiên sản xuất đến đâu đều được thu mua theo đơn đặt hàng đến đó. Giống mới, phương pháp mới, tư duy sản xuất mới đã nâng cao giá trị của cây chè; từ đó, tạo nên sự hứng khởi cho những người trồng chè.
Chị Hạnh cho biết: "Chè trung du rất nhiều búp, nhưng đã già cỗi và chất lượng không cao, giá trị kinh tế thấp. Từ khi đưa cây chè Bát tiên vào trồng, hiệu quả rõ rệt hơn. Cùng với đó, người trồng chè trong thôn cũng tham gia vào hợp tác xã, sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP nên giá trị cây chè được nâng lên rất nhiều, cuộc sống ấm no nhờ cây chè”.
Từ năm 2006, thực hiện chương trình cải tạo chè trung du bằng giống chè Bát tiên, xã Hưng Khánh có 70 hộ dân tham gia, với diện tích 20ha. Các hộ trồng thử nghiệm được tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, ứng dụng quy trình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy sản phẩm chè Bát tiên sản xuất đến đâu đều được thu mua đến đó, giá chè tăng từ 2-3 lần so với chè trung du.
Từ những mô hình trồng, chế biến chè đảm bảo đúng tiêu chuẩn, xã Hưng Khánh đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Chè Khe Năm có trên 30 thành viên tham gia. Với việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, thời điểm cao nhất mỗi ngày HTX chế biến được trên 2 tạ chè khô.
Nhờ thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất chè VietGAP nên sản phẩm chè của thành viên trong HTX có giá bán cao hơn hẳn so với trước đây.
Với giá dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg chè thành phẩm, doanh thu trung bình đạt từ 60 đến 70 triệu đồng/ha/năm. Bắt kịp xu hướng của thị trường nông sản hiện nay là chú trọng đến chất lượng, truy xuất nguồn gốc, HTX Chè Khe Năm đã xây dựng cho mình nhãn hiệu riêng lấy tên là "Trà Bát tiên Hưng Khánh” và được đăng ký tem truy xuất nguồn gốc do HTX là chủ nhãn hiệu.
Đặc biệt vừa qua, được sự hỗ trợ từ Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, HTX chè Khe Năm đã tham gia Dự án: "Phát triển diện tích chè chất lượng cao liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” xã Hưng Khánh, Việt Cường - huyện Trấn Yên, giai đoạn 2021-2023. Tổng kinh phí thực hiện là trên 3,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng, số vốn còn lại là nguồn đối ứng của HTX.
Với nguồn vốn trên, HTX Khe Năm sẽ được hỗ trợ từ khâu đánh giá xác định vùng nguyên liệu hiện có là 25ha, hỗ trợ mua cây giống để trồng mới, trồng thay thế 35ha chè Bát Tiên; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng bảo quản, chế biến chè đến khâu thiết kế mẫu mã, nhãn mác, chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Ông Vũ Văn Hồng - Giám đốc HTX Chè Khe Năm cho biết: "Từ nguồn hỗ trợ Nghị quyết 69, HTX Chè Khe Năm đã và đang mở rộng diện tích chè, nâng cấp thiết bị, mở rộng nhà xưởng, cũng như tìm thêm thị trường. Thời gian tới, HTX cam kết bao tiêu hết sản phẩm chè cho hội viên, nâng cấp sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao, tiếp tục quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử”.
Chị Hà Thị Nhiều - thôn Tĩnh Hưng, xã Hưng Khánh tâm sự: "Được dự án hỗ trợ trồng chè Bát tiên gia đình chúng tôi đã phá bỏ 0,5ha vườn tạp để trồng chè. Gia đình tôi sẽ chăm sóc tốt diện tích chè này để bảo đảm sản phẩm theo đúng chất lượng cam kết với HTX”.
Thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi đã giúp HTX Chè Khe Năm làm chủ được công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng chè. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tính cạnh tranh tốt.
"Thực hiện dự án: "Phát triển diện tích chè chất lượng cao liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” đã giúp tăng số hộ thành viên HTX lên 90 thành viên, sản lượng chế biến tăng lên khoảng 315 tấn chè búp tươi, tương đương với 65 tấn chè thương phẩm/năm, tăng thêm 10 - 20% giá trị sản phẩm, hình thành mối liên kết lâu dài giữa hộ sản xuất nguyên liệu với HTX”, ông Vũ Văn Hồng - Giám đốc HTX Chè Khe Năm nhấn mạnh.
Xây dựng chuỗi liên kết cho HTX
Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải giới thiệu sản phẩm mật ong tại điểm trưng bày sản phẩm.
HTX Măng tre Bát độ Hưng Khánh, huyện Trấn Yên là một minh chứng điển hình. Hàng năm, vào vụ măng, mỗi ngày, HTX thu mua hàng chục tấn măng tươi cho người dân tại địa phương và một số xã phụ cận với vùng nguyên liệu hơn 400 ha. Địa điểm thu mua đặt ngay tại trung tâm vùng trồng măng tre nên việc vận chuyển, thu mua có nhiều thuận lợi.
Ông Phạm Ngọc Lâm - Giám đốc HTX Măng tre Bát độ Hưng Khánh, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên cho biết: "Măng được người dân thu hoạch, sơ chế ban đầu đến đâu được HTX thu mua phân loại, rửa sạch đến đó. Người dân nhận tiền ngay sau khi bán măng nên đã tạo được sự tin tưởng, yên tâm mở rộng quy mô trồng măng. Sở dĩ làm được điều này là vì HTX đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và công ty thu mua”.
Hiện tại, HTX Măng tre Bát độ Hưng Khánh đã liên kết với doanh nghiệp đứng ra trực tiếp thu mua sản phẩm măng cho nhân dân đảm bảo ổn định về giá, kịp thời vụ. Các hộ dân trồng măng, thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nên doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất đảm bảo bao tiêu được cả vùng nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ ngược lại một phần phân bón, giống, tập huấn kỹ thuật sơ chế ban đầu cho nông dân. Chính sự liên kết này đã giúp người dân ổn định sản xuất, HTX có lợi nhuận và doanh nghiệp sản xuất được những sản phẩm chất lượng phục vụ cho xuất khẩu.
Anh Hà Đình Cường - thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên cho biết: "Chúng tôi rất phấn khởi, yên tâm trồng và chăm sóc măng tre vì sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó. Vừa không lo bị thương lái ép giá, vừa có nguồn thu nhập ổn định. Chúng tôi hy vọng, việc liên kết phát triển sản xuất sẽ ngày càng phát triển bền vững để thu nhập của người nông dân ngày càng được nâng lên”.
Cũng là điển hình trong xây dựng chuỗi liên kết, tại huyện vùng cao Trạm Tấu, HTX Nông nghiệp hữu cơ Trạm Tấu hiện thu mua chè Shan tuyết Phình Hồ cho người dân địa phương. Với lợi thế là giống chè nổi tiếng có chất lượng thơm ngon, vùng chè Shan tuyết Phình Hồ có diện tích trên 200 ha tương đương khoảng trên 300.000 gốc chè đang cho thu hoạch trên 200 tấn chè búp tươi mỗi năm. Để nâng cao giá trị cho cây chè, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, các thành viên HTX và người dân trong vùng đã được chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng, chăm sóc, thu hoạch chè, qua đó vừa giúp nâng cao năng suất vừa bảo vệ được cây chè cổ.
Chị Sùng Thị Sa - thôn Chí Lừ, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu cho biết: "Trước đây, chúng tôi trồng và chăm sóc chè hoàn toàn theo kinh nghiệm, còn nay thì đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế cao hơn, nhờ đó mà đời sống cũng khấm khá hơn. Tôi hy vọng, thông qua việc thu mua, quảng bá thương hiệu của HTX, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, thương hiệu chè Shan tuyết Phình Hồ sẽ ngày càng được nhiều người biết đến hơn nữa”.
Để tăng tính gắn kết giữa vùng nguyên liệu và sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chế biến sâu ngay tại địa phương, HTX Nông nghiệp hữu cơ Trạm Tấu đã liên kết với Công ty TNHH Hiệp Thành đặt nhà máy sản xuất chè ngay tại vùng nguyên liệu. Nhờ đó, không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương mà còn giúp nâng cao giá trị cho búp chè Shan tuyết, giảm chi phí các khâu trung gian cho HTX và doanh nghiệp.
Đặc biệt, điểm nổi bật trong xây dựng chuỗi liên kết trong sản phẩm chè ở Phình Hồ là có sự tham gia tích cực của ngành khoa học. HTX đã vận động các thành viên tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc chè Shan hữu cơ. Đồng thời, cùng với địa phương và Viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Chè Shan tuyết Phình Hồ. Sản phẩm cũng được tỉnh chấm đạt tiêu chuẩn 3 sao theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để địa phương bảo vệ được vùng chè, sản phẩm chè được chứng nhận đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu.
Hiện tại, toàn tỉnh có trên 700 hợp tác xã, trong đó có khoảng trên 400 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 60% tổng số HTX. Các hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu hoạt động theo các mô hình kinh doanh tổng hợp như: kết hợp dịch vụ sản xuất với chế biến; cung cấp giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác…
Các HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy được vai trò trợ giúp kinh tế hộ phát triển; một số HTX đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong quản lý và sản xuất, kinh doanh, liên kết chuỗi giá trị bền vững. Các HTX tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, góp phần mở mang các loại ngành nghề, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các HTX cũng gặp phải những thách thức, nhất là đối với các HTX ở các huyện vùng cao, đó là khó khăn về cơ sở vật chất đầu tư cho sản xuất; một số HTX năng lực quản lý còn nhiều hạn chế; lao động mang tính thời vụ…
Do đó, ngoài sự chủ động để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường mang thương hiệu của riêng mình, các HTX rất cần tới sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo điều kiện để HTX phát triển, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xây dựng vùng nguyên liệu thúc đẩy chuỗi giá trị
Thời gian qua, các địa phương, chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, góp phần hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè sạch khoảng hơn 40 ha.
Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, nâng cao chất lượng nông sản. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về nông sản "sạch”, các địa phương, chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, góp phần hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp là các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung hàng hóa và đặc sản hữu cơ như: vùng lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha; ngô 15.000 ha; quế trên 81.000 ha; dâu nuôi tằm 1.000 ha; chè 7.000 ha; tre măng Bát Độ gần 6.000 ha; cây sơn tra gần 10.000 ha; cây ăn quả gần 10.000 ha; nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 90.000 ha; cây dược liệu 4.023 ha…
Tỉnh cũng đã có 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ, gồm: gạo nếp Tú Lệ; chè Shan hữu cơ; bưởi Đại Minh; cam sành Lục Yên; vịt bầu Lâm Thượng; gà đen đặc sản vùng cao; lợn bản địa; sơn tra; quế hữu cơ và các loại cây dược liệu. Mô hình phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, tập quán, trách nhiệm, năng lực của người sản xuất.
Là địa phương có 150 ha chè kinh doanh với trên 300 hộ dân sản xuất chè, trước đây, đa phần người dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên canh tác chè theo cách truyền thống song hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Vài năm trở lại đây, thực hiện dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về "Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, người dân đã chuyển từ phương thức truyền thống sang trồng chè hướng hữu cơ, sinh thái, góp phần tạo nên sản phẩm chè sạch, có hương vị thơm ngon. Hiện nay, xã Bảo Hưng đã quy hoạch phát triển được vùng nguyên liệu chè sạch khoảng hơn 40 ha.
Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng - Phạm Văn Bàn chia sẻ: "Để mang đến người tiêu dùng sản phẩm chè sạch, chất lượng, Hợp tác xã chúng tôi đã liên kết chặt chẽ với các tổ hợp tác và các nhóm hộ sản xuất chè để cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu. Chúng tôi thường xuyên giám sát, hướng dẫn và đôn đốc bà con nông dân thực hiện đúng quy trình từ khâu chăm sóc, thu hoạch sản phẩm và bảo quản. Khi thu mua sản phẩm chè búp tươi để chế biến, chúng tôi cũng lựa chọn nghiêm ngặt những sản phẩm được sản xuất theo phương thức hữu cơ hoặc các đồi chè được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn VietGAP".
Minh chứng cho hiệu quả chất lượng là trong tháng 7 năm 2023, sản phẩm chè xanh chất lượng cao của Hợp tác xã Sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng là 1 trong 3 sản phẩm OCOP của huyện Trấn Yên (cùng miến đao Quy Mông của Hợp tác xã Việt Hải Đăng; quế điếu thuốc Hòa Cuông của Hợp tác xã quế Khánh Thành) đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất sang thị trường Anh quốc.
Văn Yên được biết đến là thủ phủ của cây quế với tổng diện tích trên 55.000 ha. Trong đó, diện tích quế tập trung trên 30.000 ha, đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã nằm ở hữu ngạn sông Hồng. Thời gian qua, huyện đã vận động người dân trồng quế theo vùng tập trung và sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm xây dựng thương hiệu cho vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Địa phương dự kiến tổng diện tích quế hữu cơ thực hiện đến hết năm 2023 là trên 15.110 ha. Đây sẽ là cơ hội tốt để quế Văn Yên vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.
Đồng chí Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Để sản phẩm quế sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn, huyện đã tập trung xây dựng các vùng chuyên canh quế, đa dạng hóa các sản phẩm từ quế, phát triển theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa sản phẩm quế Văn Yên thâm nhập vào các thị trường phát triển”.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chất lượng. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và doanh thu của các chủ thể kinh tế, góp phần quan trọng quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng và chất lượng của sản phẩm.
Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các giải pháp để xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn và ổn định, các chủ thể cũng cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến… và tích cực tìm kiếm cơ hội đầu ra cho sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu. Thêm vào đó, các chủ thể cần phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu, ứng dụng những giải pháp khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Theo baoyenbai.com.vn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.