Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Lục Yên đưa 18 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử
Hiện, huyện Lục Yên đã hỗ trợ đưa 13 sản phẩm đạt OCOP và 5 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Thời gian qua, huyện Lục Yên đã triển khai hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như: postmart.vn, voso.vn và các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác, để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường ra bên ngoài tỉnh.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại đối với những sản phẩm OCOP; đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua mô hình "Thương mại điện tử xuyên biên giới”; đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm; hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó, từng bước tạo điều kiện cho các hộ sản xuất nông nghiệp làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Trấn Yên mở rộng diện tích cây trồng chủ lực
Sau một thời gian dài loay hoay với bài toán "cây, con", thử nghiệm có thành công và cả thất bại, đến nay Trấn Yên đã xác định được những cây, con chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, không thể không nói tới cây tre măng Bát độ, cây dâu tằm, cây quế, cây ăn quả có múi…, là những cây trồng mỗi năm mang về cho Trấn Yên cả trăm tỷ đồng.
Trồng dâu nuôi tằm mang lại giá trị thu nhập trên 200 triệu đồng/ha cho nông dân Trấn Yên.
Trấn Yên hôm nay đã quy hoạch phát triển vùng cây sản xuất hàng hóa có diện tích, sản lượng cao không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà thực sự là cây hạnh phúc, cây làm giàu, cây xây dựng nông thôn mới bền vững. Vào những năm 2000, Trấn Yên đưa cây tre măng Bát độ vào trồng, nhiều người còn hoài nghi về tính hiệu quả kinh tế của nó.
Bằng những mô hình, những héc-ta tre măng đầu tiên được trồng thử nghiệm ở Hồng Ca, Kiên Thành đã bén rễ, hợp đất hợp người nơi đây và phát triển tốt, lứa măng đầu tiên cho thu hoạch đã minh chứng rõ nét cho tính hiệu quả.
Vừa làm vừa kiên trì vận động, đến năm 2003 bắt đầu phát triển mở rộng ở xã vùng cao Kiên Thành. Tre măng Bát độ là cây trồng khá dễ tính, nhanh cho thu hoạch, sau trồng một năm đã cho lứa măng đầu tiên, sau 3 năm kiến thiết cơ bản thì vào vụ kinh doanh chính, chăm sóc tốt cho thu nhập 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần các loại cây nguyên liệu giấy.
Từ những héc-ta tre măng trồng thử nghiệm đầu tiên, nay Trấn Yên đã phát triển hình thành vùng tre măng Bát độ hàng hóa lớn nhất tỉnh. Những triền đồi, núi ở Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh, Việt Hồng… trơ trọi thủa nào, nay đã được phủ xanh bằng tre măng Bát độ. Sản lượng măng thu được trong năm 2022 đạt trên 31.000 tấn, bán với giá bình quân 5.500 đồng/kg cũng đem về cho người dân gần 200 tỷ đồng.
Những năm đầu mỗi khi vào mùa thu hoạch, người dân lại lo lắng cho đầu ra sản phẩm, nhưng giờ đã có sự liên kết, liên doanh với các công ty, nhà máy, các hợp tác xã (HTX) thu mua bao tiêu toàn bộ sản phẩm, người dân vừa đi thu hoạch măng vùa là công nhân sơ chế, chế biến. Công ty TNHH Vạn Đạt có hàng chục điểm thu mua tập trung tại các vùng nguyên liệu.
Công ty cổ phần Yên Thành thu mua thông qua các HTX như: HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành… Bên cạnh đó, các tư thương ở khắp nơi đổ về vùng nguyên liệu thu mua với giá cao để chế biến măng khô. Một số HTX đã xây dựng, chế biến sản phẩm măng tre Bát độ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao như sản phẩm măng giòn của Công ty TNHH An Dũng, măng xé sợi của HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca. Sản phẩm từ măng tre Bát độ Trấn Yên đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…
Để tiếp tục mở rộng và phát huy hiệu quả cây tre măng Bát độ, năm 2023 Trấn Yên tiếp tục trồng mới, trồng cải tạo 200 ha và tiếp tục mở rộng vùng trồng ra các xã có lợi thế; chuyển nhiều diện tích trồng cây nguyên liệu giấy kém hiệu quả sang trồng tre măng Bát độ.
Gia đình ông Bùi Văn Oánh ở thôn Bản Phạ, xã Việt Hồng chuyển đổi 5,5 ha đất rừng kém hiệu quả sang trồng tre măng Bát độ. Năm nay, xã Việt Hồng trồng mới 23 ha tre măng Bát độ, đến nay xã đã cơ bản hoàn thành kế hoạch.
Theo kế hoạch, toàn huyện Trấn Yên trồng mới 200 ha nhưng chưa hết tháng 3, nhân dân đã đăng ký, phát dọn thực bì, đào hố trồng được trên 230 ha, dự kiến đến hết vụ trồng đạt trên 250 ha. Huyện phấn đấu đến năm 2025 phát triển mở rộng vùng chuyên canh tre măng Bát độ trên 4.000 ha, sản lượng khai thác măng đạt trên 40.000 tấn, giá trị mang lại đạt 250 tỷ đồng.
Bên cạnh cây tre măng Bát độ, huyện tiếp tục mở rộng vùng trồng dâu nuôi tằm, với quyết tâm xây dựng trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Hiện toàn huyện đã trồng và phát triển vùng trồng dâu với quy mô trên 800 ha, thu hút trên 2.000 hộ dân tham gia nuôi tằm, trong đó có 1.500 hộ nuôi tằm lấy kén. Bình quân mỗi năm từ trồng dâu, nuôi tằm mang về cho người dân trên 100 tỷ đồng.
Để phát triển bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện tập trung khuyến khích nhân dân trồng dâu bằng giống mới cho năng suất, chất lượng cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như nuôi tằm trên nền nhà thay cho nuôi bằng nong, vừa giảm chi phí đầu tư lại tiết kiệm thời gian lao động; hay như chuyển từ né tre sang né gỗ vuông, rút ngắn thời gian cắm né mà chất lượng tơ lại cao hơn, năng suất hơn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hà ở thôn Lan Đình đã chuyển 50% diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, nhờ vậy mỗi năm gia đình có thu nhập ổn định từ 220 - 240 triệu đồng.
Để tiêu thụ hết sản lượng kén cho nông dân, Dự án Nhà máy ươm tơ tự động đã được xây dựng tại xã Báo Đáp có tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng với hai dây chuyền ươm tơ đã đi vào hoạt động, công suất 150 tấn tơ/năm, tương đương 1.100 tấn kén. Sản phẩm của nhà máy đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Ấn Độ và các nước châu Âu. Tiếp tục đưa cây dâu, con tằm thành nghề và trở thành ngành kinh tế chủ lực, Trấn Yên chủ trương mở rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm.
Năm 2023 này huyện sẽ mở rộng thêm 102 ha dâu trên các tràn ruộng cao kém hiệu quả và dọc theo các bãi ven sông, suối tại các địa phương. Huyện tập trung mở rộng diện tích ở 15 xã, trong đó có xã Minh Quân và Vân Hội là năm đầu thực hiện trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, các xã đã tiến hành trồng được trên 70% kế hoạch. Huyện duy trì 23 mô hình nuôi tằm liên kết với các tổ hợp tác, HTX và công ty, phấn đấu sản lượng 2023 đạt 1.400 tấn kén, doanh thu đạt trên 250 tỷ đồng.
Việc mở rộng diện tích cây trồng chủ lực đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay đang nhận được sự quan tâm ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong huyện và là cơ sở để xây dựng Trấn Yên ngày một phát triển bền vững.
Nỗ Lực mở rộng thị trường
Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh đã chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT để trao đổi, mua bán và xây dựng website quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng sàn TMĐT và các sàn TMĐT như: Voso.vn, Postmart.vn.
Các TMĐT này đang là công cụ hữu hiệu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20/NQ-TU ngày 20/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.
Cán bộ Bưu điện tỉnh hướng dẫn hộ sản xuất đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Đến nay, trên cơ sở danh sách các hộ sản suất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân cung cấp, Bưu điện tỉnh đã tạo được trên 30.000 tài khoản mua, bán cho các hộ nông dân, giới thiệu được 3.550 sản phẩm; trong đó, có 108 sản phẩm OCOP, giá trị giao dịch thương mại đạt trên 1 tỷ đồng.
Tuy đạt được những kết quả khích lệ, nhưng việc đưa nông sản lên sàn TMĐT còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như: trình độ nhận thức, khả năng tiếp cận về chuyển đổi số của không ít cán bộ cơ sở, người dân, doanh nghiệp, nhất là các hộ nông dân còn hạn chế.
Cùng với đó, chất lượng, số lượng sản phẩm, mẫu mã, một số sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh và khả năng đáp ứng, sản phẩm cơ bản chưa chế biến sâu nên khó khăn trong khâu bảo quản đến người tiêu dùng.
Việc kết nối Internet, tiếp cận các thiết bị thông minh, ứng dụng, nền tảng số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, vẫn còn hơn 5% hộ gia đình chưa có thiết bị thông minh, hơn 7% các thôn, bản chưa được tiếp cận dịch vụ Internet tốc độ cao. Sự quan tâm, tương tác của cộng đồng và nhân dân ngay trên sàn TMĐT của tỉnh mình cũng chưa tương xứng…
Ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: "Đứng trước cơ hội và cả những khó khăn trong việc chuyển đổi số trong nông nghiệp nói chung, nhất là trong nhiệm vụ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Hội xác định việc đầu tiên là phải tuyên truyền mạnh mẽ, thực chất, tập trung vào các chủ thể, các HTX, tổ hợp tác, các chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các hộ, nhóm hộ nông dân nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số, đưa nông sản lên sàn, coi đây là nhiệm vụ sống còn trong giai đoạn hiện nay. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ngành địa phương khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp có năng lực, bảo đảm về chất lượng, đóng gói sản phẩm mẫu mã đẹp để giới thiệu tham gia các sàn TMĐT nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường”.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh, ký chương trình phối hợp với Viettel. Để đạt được hiệu quả cao, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp với Bưu điện tỉnh, chi nhánh bưu chính Viettel, các sàn TMĐT tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho hộ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với sàn TMĐT để hướng dẫn tham gia giao dịch trên.
Cùng với đó, các xã, phường, thị trấn chủ động cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch sản phẩm nông nghiệp cho sàn TMĐT; hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT; xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT bằng nhiều hình thức khác nhau.
Đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn TMĐT; xây dựng quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật tác nghiệp cho hộ sản xuất nông nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT; triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa uy tín trên sàn để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy của khách hàng khi mua sản phẩm nông sản.
Việc hỗ trợ, kết nối đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT giúp doanh nghiệp thuận lợi tối đa trong việc phân phối sản phẩm với chi phí thấp nhất thông qua việc tích hợp các giải pháp về thanh toán, logistics…, góp phần đưa nền kinh tế có sự bứt phá và phát triển bền vững.
V.N (tổng hợp) – nguồn baoyenbai.com.vn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.