Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 2 năm 2017 | 10:12

Agribank: Chuyển mình từ thành công tái cơ cấu

KTNT - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án tái cơ cấu Agribank, đồng chí Nguyễn Phước Thanh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu Agribank, ghi nhận đánh giá cao những kết quả đạt được của Agribank sau những nỗ lực, quyết tâm triển khai Đề án.
Ngày 23/02/2017, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị tổng kết quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 – 2015 theo Quyết định số 53/QĐ-NHNN.m của Ngân hàng Nhà nước. Đến tham dự Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Phước Thanh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu Agribank; lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN và đại diện các Vụ, Cục NHNN. Về phía Agribank, có sự tham gia của Hội đồng thành viên, Ban điều hành và lãnh đạo các đơn vị chuyên môn tại Trụ sở chính. 

 

Đồng chí Nguyễn Phước Thanh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu Agribank phát biểu tại Hội nghị.
   
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Tiết Văn Thành - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngày 15/11/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 53/QĐ-NHNN.m phê duyệt Đề án cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hoạt động kinh doanh của Agribank giai đoạn 2013- 2015. Với tinh thần vừa xây dựng, hoàn thiện và chờ phê duyệt, vừa chủ động, quyết liệt tập trung mọi nguồn lực để triển khai, tình hình hoạt động kinh doanh của Agrbank từng bước được ổn định và tăng trưởng đáng kể so với thời điểm trước cơ cấu. Đến nay, Agribank vẫn giữ được vị trí là ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản, dư nợ, nguồn vốn, số lượng khách hàng, hệ thống mạng lưới và số lượng lao động… Với thị phần hơn 51% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng, Agribank tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong phục vụ chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước. 
 
Theo đó, Agribank đã đạt một số kết quả cụ thể như sau: Các trường hợp sai phạm đã được xử lý nghiêm túc, bộ máy tổ chức, quản trị, điều hành được củng cố và kiện toàn. Hệ thống cơ chế, quy trình nghiệp vụ đã được chỉnh sửa, bổ sung tương đối hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh doanh. Tài sản có được cơ cấu theo đúng mục tiêu của Đề án, tập trung phục vụ chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước; Nợ quá hạn giảm về mức dưới 3% trước thời hạn; Hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khác được củng cố.

 

       Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành, thành viên Ban chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu Agribank trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án
 
Trong giai đoạn 2013 – 2016, tín dụng của Agribank tiếp tục tăng trưởng, hàng năm đều đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (năm 2013 tăng 10,4%; năm 2014 tăng 8,8%; năm 2015 tăng 16%). Đến 31/12/2016, tổng dư nợ tín dụng đạt 791.450 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015. Cơ cấu tín dụng được chuyển đổi phù hợp theo đúng định hướng của Đề án tái cơ cấu. Dư nợ cho vay hộ sản xuất tăng ổn định (bình quân 22,2%). Đến 31/12/2016, dư nợ cho vay hộ sản xuất đạt 497.047 tỷ đồng, tăng 66,6% so với cuối năm 2013; Tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 70%.
 
Hiện nay có hơn 4 triệu khách hàng đang vay vốn của Agribank. Agribank hiện triển khai 7 chương trình tín dụng và 02 chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững; đi đầu, chủ lực trong cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay xây dựng Nông thôn mới; Cho vay chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm theo văn bản số 1149/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Cho vay tái canh cà phê... Nhờ các chương trình cho vay của Agribank, nhiều nông dân trên cả nước đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống từ chính mô hình sản xuất của gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
 
 
Nguồn vốn của Agribank góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương
 
Xác định Đề án tái cơ cấu là nhiệm vụ then chốt, có tính quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, Agribank đã chủ động, tích cực tập trung các nguồn lực, triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp. Hàng trăm văn bản hướng dẫn cơ chế, quy trình nghiệp vụ được chỉnh sửa, bổ sung; công tác quản trị rủi ro được củng cố. Bộ máy tổ chức tại Trụ sở chính, các chi nhánh và màng lưới kinh doanh được sắp xếp lại, phù hợp với mô hình và điều kiện hoạt động kinh doanh của Agribank trên cả địa bàn thành thị và nông thôn. Các biện pháp xử lý, thu hồi nợ xấu được triển khai đồng bộ, quyết liệt để vừa đảm bảo tăng trưởng tín dụng, đáp ứng đủ vốn cho tam nông vừa kiểm soát chất lượng tín dụng, xử lý, thu hồi, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu. Đến cuối tháng 8/2015, Agribank đã hoàn thành mục tiêu giảm nợ xấu về mức dưới 3%, sớm hơn 4 tháng theo phê duyệt của NHNN và tiếp tục nỗ lực giảm nợ xấu về 1,89% tại thời điểm 31/12/2016.
 
Để đảm bảo cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn, đồng thời hạn chế rủi ro lãi suất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Agribank đã duy trì tốc độ tăng trưởng nguồn vốn phù hợp từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời từng bước chuyển đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng tích cực, tăng nguồn vốn ổn định lãi suất thấp và vốn trung dài hạn, giảm dần lãi suất đầu vào, kết hợp với tiết giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh để tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, thúc dẩy tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt chất lượng theo mục tiêu đã đề ra. Theo đó, trong giai đoạn 2013 – 2016, nguồn vốn huy động của Agribank luôn tăng trưởng ổn định, đạt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm (bình quân gần 15%/năm). Đến 31/12/2016, tổng vốn huy động đạt 924.156 tỷ đồng, tăng 71,02% so với 31/12/2012. Tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định (+85,4%) so với năm 2012 trước khi thực hiện Đề án tái cơ cấu. 
 
Bám sát thị trường và nhu cầu của khách hàng, hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích được đẩy mạnh; kinh doanh dịch vụ được đa dạng hóa và đạt mức tăng trưởng khá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; tỷ trọng thu dịch vụ trong tổng thu từng bước được tăng lên. Hệ thống công nghệ thông tin được nâng cấp và hoàn thiện, hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng có hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới. Agribank đã hoàn thành việc xây dựng chiến lược phát triển hệ thống công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020.
 
 
Agribank chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
 
Agribank cũng đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức tại Trụ sở chính, các chi nhánh và mạng lưới kinh doanh phù hợp với yêu cầu hoạt động kinh doanh trên cả địa bàn thành thị và địa bàn nông thôn; đồng thời tăng cường chức năng chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của Trụ sở chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của chi nhánh. Cùng với đó là củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ theo mô hình quản lý cả chiều ngang và chiều dọc. Đồng thời, Agribank đã hoàn thiện các quy chế, quy trình kiểm tra, kiểm toán và tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát đột xuất để góp phần phát hiện, ngăn ngừa và chấn chỉnh nhều tồn tại, sai sót, đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
 
Đánh giá kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, tuy vẫn còn một số công việc cần phải tiếp tục quyết liệt triển khai, Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành nhấn mạnh, Agribank vẫn là ngân hàng chủ chốt trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam trực tiếp đảm trách và thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tổng tài sản của Agribank chính thức đạt trên 01 triệu tỷ đồng; nguồn vốn trên 924.000 tỷ đồng; tổng dư nợ nền kinh tế đạt trên 791.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm 51% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Thu dịch vụ tăng 19,2% so với năm 2015. Agribank kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận trước thuế đạt 4.185 tỷ đồng. Nợ xấu giảm ở mức 1,89%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đều vượt mức quy định của NHNN.
 
Những kết quả đạt được nêu trên, đã được các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính Trung ương, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế, Giám sát tối cao của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Công ty Kiểm toán độc lập E&Y, Ban chỉ đạo tái cơ cấu của NHNN kiểm tra giám sát và ghi nhận. Tổ chức xếp hạng quốc tế (Fitch) đã đánh gia, xếp hạng Agribank đạt B+; Tạp chí The Banker bình chọn Agribank đứng thứ 446 trong Top 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới; Nhiều giải thưởng khác như: Giải thưởng Sao Khuê (lĩnh vực tài chính ngân hàng); giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Đông Nam Á đâu tư phát triển nông thôn và “Ngân hàng có mạng lưới ATM và dịch vụ tốt nhất Việt Nam 2016”…

 

Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2016 - 2020 của Agribank
 
Tiếp thu các ý kiến của Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu và lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN cũng như đại diện các Vụ, Cục NHNN, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh đã nêu các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, Agribank giữ vững vị trí Ngân hàng Thương mại hàng đầu Việt Nam, hoạt động theo mô hình NHTM do Nhà nước nắm cổ phần chi phối; Có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, tiên tiến và năng lực tài chính cao; đủ khả năng cạnh tranh, kinh doanh an toàn, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững; giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Agribank đề ra trọng tâm 05 khâu đột phá chiến lược:
 
Thứ nhất: Khắc phục triệt để các tồn tại chính, hoàn thiện các mục tiêu tái cơ cấu để chuẩn bị điều kiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang Ngân hàng Thương mại Cổ phần.
 
Thứ hai: Cải tiến, đổi mới mạnh mẽ thủ tục, phương pháp cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tiết giảm tối đa chi phí cho vay, kể cả chi phí nguồn nhân lực, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả lao động.
 
Thứ ba: Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, số hóa nâng cao hiệu quả hoạt động; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến; Phát triển, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ tới khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
 
Thứ tư: Hoàn thiện, chuẩn hóa mô hình quản trị điều hành, quản trị rủi ro, các quy trình nghiệp vụ hướng tới các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Agribank.
 
Thứ năm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ chuyên gia; nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập.
 
Tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh đề xuất cho phép Agribank triển khai xây dựng phương án cổ phần hóa phù hợp với nội dung Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2016 – 2020 trong lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2 theo chỉ thị của Thống đốc NHNN. Bên cạnh đó, Agribank kiến nghị NHNN có cơ chế tách bạch giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại trong hoạt động của Agribank và sớm phê duyệt Đề án “Điểm kinh doanh lưu động” để Agribank triển khai giải pháp tiết giảm chi phí, tăng năng lực tiếp cận, phục vụ khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. 
                                                                               Thục San
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top