Dự kiến đến cuối năm 2019, cả nước có khoảng 53-54% số xã và 110 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm so với kế hoạch.
Đạt được kết quả này có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp của ngành Ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank).
Đóng góp tích cực
Có thể nói, thành công của Chương trình MTQG về XDNTM giai đoạn 2010-2020 có sự đóng góp, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Ngân hàng, trong đó có Agribank. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực “tam nông”.
Bên cạnh đó, NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.
Dư nợ cho vay XDNTM tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 khoảng 24% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn quốc). Tính đến ngày 30/6/2019, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trong toàn quốc đạt 1.147.304 tỷ đồng với gần 10 triệu doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã; gấp 5,82 lần so với dư nợ cuối năm 2010. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm 48,6% giai đoạn 2010-2015 và ước đạt trên 50% giai đoạn 2016-2020 trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG về XDNTM giai đoạn 2010-2020.
Riêng Agribank, phát huy vai trò của ngân hàng thương mại (NHTM) chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông”, nhận thức rõ tầm quan trọng, cùng “Cả nước chung sức XDNTM”, Agribank đã tập trung lớn về mọi mặt cho mặt trận này. Với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong cả nước, là NHTM duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, Agribank đã có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị, tổ chức đoàn thể chính trị cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ Chương trình MTQG về XDNTM.
Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình NTM, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng; đến nay, Agribank đã triển khai cho vay XDNTM rộng rãi trên toàn quốc và thực hiện cho vay chương trình này với doanh số 2.868.290 tỷ đồng, doanh số thu nợ 2.387.151 tỷ đồng, dư nợ 481.138 tỷ đồng, tại 8.939 xã với 2.620.578 khách hàng.
Nguồn vốn Agribank tập trung chủ yếu đầu tư sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, bám sát 19 tiêu chí của Chương trình MTQG về XDNTM.
Sản phẩm dịch vụ của Agribank rất đa dạng, phong phú và luôn được đổi mới, cải tiến phù hợp với môi trường, điều kiện và dân trí khu vực nông thôn. Agribank tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tập trung cho vay, đảm bảo an toàn, hiệu quả vốn tín dụng đầu tư.
Mặc dù là NHTM, phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%. Mỗi năm, bằng tài chính của mình, Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp. Tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, phát huy trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.
Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Với quan điểm XDNTM chỉ có điểm đầu và không có điểm kết thúc, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn NTM.
Trong đó, có 10% được công nhận huyện, thị xã NTM kiểu mẫu; có ít nhất 9 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, đặc biệt chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020…
Với quyết tâm cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị trong công cuộc XDNTM, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có những bước đột phá phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới, Agribank xác định đầu tư XDNTM tiếp tục là một trong những chương trình tín dụng trọng tâm.
Agribank cũng mong muốn cùng hệ thống chính trị, đặc biệt người dân triển khai có hiệu quả nội dung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từng bước đẩy lùi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tình trạng “được mùa rớt giá”…
Có chính sách khuyến khích hỗ trợ, tuyên truyền quảng cáo để tạo thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm ngay chính ở thị trường trong nước; phát triển và mở rộng chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp và nông thôn, trong đó có bảo hiểm tín dụng, bởi nông nghiệp là lĩnh vực vốn có rủi ro thiên tai bất khả kháng cao…
Tổ chức thực hiện chính sách là khâu đặc biệt quan trọng, cần được phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và phải được tổ chức triển khai đồng bộ, chặt chẽ mới thành công. Từ thực tế nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Agribank mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong việc chuyển tải vốn, sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến người dân, không ngừng đóng góp tích cực đối với quá trình XDNTM.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.