Năm 2019, Bắc Giang có khoảng 90.000 tấn vải thiều (tương đương 60% tổng sản lượng vải toàn tỉnh) đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện, tỉnh này đang chuẩn bị tốt nhất cho công tác thu mua, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều.
Sáng 29/5, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019. Về dự có Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Diện tích vải của tỉnh Bắc Giang năm 2019 đạt trên 28.000ha, sản lượng ước đạt 150.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 22.000 ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 13.855 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha - được Mỹ cấp mã số IRADS với 394 hộ sản xuất.
Những năm gần đây, Bắc Giang đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình hợp tác, nhân rộng mô hình nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết chuỗi giá trị.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân mở rộng các vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để quả vải thiều luôn đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện vệ sinh ATTP, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương tổ chức tập huấn, hướng dẫn về điều kiện xuất khẩu quả vải tươi sang Trung Quốc; về phương thức đóng gói sản phẩm vải thiều cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thu mua xuất sang Trung Quốc; về tem truy xuất nguồn gốc dán trên bao bì sản phẩm.
Đến nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang, với diện tích trên 16.000 ha (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng toàn tỉnh) và 86 cơ sở đóng gói; sẵn sàng các điều kiện và đáp ứng đủ số lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đáng chú ý, năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20ha. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử; vải thiều hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội, có tiềm năng phát triển.
Hiện, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đang tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc thu mua, tiêu thụ vải…
Dự kiến, có khoảng 50% tổng sản lượng vải thiều (tương đương 75.000 tấn) sẽ được Bắc Giang xuất khẩu, trong đó, 40 - 45% xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; 30% sản lượng vải đã được các công ty, tập đoàn đăng ký thu mua, tiêu thụ; sản lượng còn lại tiêu thụ ở các chợ đầu mối các tỉnh và thị trường khác trong nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sự quyết tâm của tỉnh Bắc Giang với cách tiếp cận, phát triển thị trường, chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan xác định thị trường để tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Việc tổ chức diễn đàn này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ vải thiều, đây là cách làm hay, sáng tạo của tỉnh, cần được biểu dương khuyến khích.
"Tại Diễn đàn hôm nay, chúng ta được nghe cam kết của tỉnh Bắc Giang và sự đồng thuận, phối hợp với trách nhiệm cao của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, và các đối tác Trung Quốc. Như vậy, chúng ta có cơ sở kỳ vọng vào một mùa vụ vải thiều được mùa, được giá, tiêu thụ thuận lợi. Tôi tin rằng, thời gian tới, Bắc Giang sẽ có bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước năm 2019 đạt 42 tỷ USD", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã thực hiện nghi lễ cắt băng xuất hành Đoàn xe chở vải thiều tiêu thụ tại Chợ đầu mối và Hệ thống siêu thị Saigon co-op khu vực miền Trung, miền Nam và Thái Lan.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.