Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, diện tích gieo trồng cây vụ đông của tỉnh ước đạt 21.905 ha, trong đó, ngô 4.466 ha; lạc 973 ha; khoai lang 2.092 ha; rau đậu 13.074 ha; các loại cây trồng khác như: hoa, dược liệu… 1.300 ha.
Một số địa phương có diện tích gieo trồng đạt cao như: Lạng Giang 3.995 ha (đạt 104,9% kế hoạch); Hiệp Hòa 3.380 ha (100% kế hoạch); Lục Ngạn 1.384 ha (100,3% kế hoạch); Lục Nam 3.860 ha (98% kế hoạch); Việt Yên 1.755 ha (99,2% kế hoạch); Yên Dũng 1.594 ha (95,4% kế hoạch)…; trong đó tập trung vào các cây trồng chủ lực như: ngô, lạc, khoai lang, hoa màu, rau các loại …
Để sản xuất vụ đông 2021 đạt hiệu quả kinh tế cao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các huyện, thành phố thường xuyên hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là với nhóm cây vụ đông ưa lạnh nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế; đồng thời chỉ đạo người dân tiếp tục gieo trồng các loại rau ăn lá, ăn củ ưa lạnh đang còn thời vụ, ngắn ngày để đảm bảo diện tích, sản lượng theo kế hoạch.
Trước đó, tỉnh Bắc Giang có kế hoạch hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến, xuất khẩu vụ đông xuân năm 2021-2022. Tỉnh này đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu rau, củ, quả thực phẩm các loại sản xuất tập trung ở vụ đông năm 2021, với diện tích 550 ha, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, có liên kết tiêu thụ tại các siêu thị, khu công nghiệp và phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung với quy mô 6.000 ha.
Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cá nhân trên địa bàn tỉnh tập trung đất đai để tổ chức sản xuất rau, củ, quả thực phẩm an toàn tập trung ở vụ đông năm 2021 có liên kết bao tiêu sản phẩm để tiêu thụ trong nước và làm nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ gia đình tổ chức sản xuất lúa chất lượng thành vùng hàng hóa tập trung ở vụ đông xuân năm 2021-2022.
Các cây trồng được hỗ trợ, bao gồm các loại rau củ quả thực phẩm triển khai ở vụ đông năm 2021 và lúa chất lượng ở vụ đông xuân năm 2021-2022 (TBR225, BC15, VNR20, Bắc Thơm Số 7, Đài Thơm 8, TH8...).
Với rau củ quả thực phẩm tỉnh hỗ trợ vật tư (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), mức hỗ trợ 20% chi phí (tương đương 15 triệu đồng/ha/vụ); mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình. Đối với lúa chất lượng hỗ trợ 50% kinh phí mua giống lúa chất lượng với giá thành khoảng 20.000 đồng/kg.
Điều kiện hỗ trợ, đối với cây rau, củ, quả thực phẩm diện tích vùng tập trung tối thiểu 5 ha trở lên, liên vùng và khu sản xuất, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã; sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đối với vùng sản xuất lúa chất lượng diện tích sản xuất tập trung có quy mô từ 10 ha trở lên, riêng các huyện miền núi như: Sơn Động, Lục Ngạn và Yên Thế có quy mô từ 5 ha trở lên.
Tổng kinh phí hỗ trợ là 13.290.000.000 đồng. Nguồn hỗ trợ từ kinh phí chuyển nguồn hỗ trợ chuỗi liên kết theo Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT theo Quyết định số 1176/QĐ-UBND, ngày 17/12/2020.
Với chính sách này, sẽ tạo ra “cú hích” kích thích người sản xuất hình thành các vùng sản xuất tập trung, cho ra các sản phẩm có chất lượng, từ đó cung cấp cho các siêu thị, chế biến, phục vụ xuất khẩu.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.