Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 5 năm 2017 | 8:35

Bắc Giang: Tổ chức Hội nghị Kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn

Ngày 19/5, Uỷ ban MTTQ, Sở Công thương, Sở NN&PTNT Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn và một số nông sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Công thương Bắc Giang, hiện tổng đàn lợn của tỉnh này ước đạt 1,1 triệu con, sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt khoảng 24.000 tấn, chiếm 33%. Nhưng giá bán lợn hơi đang ở mức thấp, trung bình khoảng 23.000 đ/kg.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang phát biểu tại hội nghị.

Lợn hơi của Bắc Giang được tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn… một số ít được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 5.000 con lợn được xuất bán ra ngoài tỉnh, tương đương khoảng 400 tấn.

Hiện, lợn thịt xuất chuồng của tỉnh này đang đạt sản lượng cao (khoảng 24.000 tấn thịt hơi) nhưng đã gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, do Thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi ồ ạt ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

Lợn thịt của Bắc Giang xuất qua Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, dù số lượng không lớn nhưng khi phía Trung Quốc ngừng thu mua lợn và thực hiện các biện pháp nhằm siết chặt việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch thì việc tiêu thụ lợn thịt cũng bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, dư nợ cho vay chăn nuôi lợn tại các ngân hàng đạt mức 1.324 tỷ đồng, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bỏ trống chuồng trại, không phục hồi được sản xuất, tình trạng này sẽ đẩy người chăn nuôi vào bước đường cùng, để lại những hậu quả khôn lường nếu không có giải pháp tháo gỡ.

Chính vì vậy, thời điểm này người chăn nuôi rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng bằng những hành động thiết thực. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bắc Giang và các ngành liên quan đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể.

Hội nghị thu hút đông đảo các sở, ban ngành, doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tham dự.

Bộ Công Thương đã có Văn bản số 3755/BCT-TTTN ngày 28/4/2017 yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối để rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm chi phí trung gian, giảm sự chệnh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; Tổ chức các chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, các công ty cung cấp suất ăn cho khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể với các vùng sản xuất, tăng cường thu mua, chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho thị trường.

Gắn kết các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường để đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng tiêu thụ thịt lợn với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn thị trường và đảm bảo thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý. Đồng thời, thực hiện công tác truyền thông khi các doanh nghiệp triển khai, thu mua, kết nối tiêu thụ nhằm tạo định hướng cho thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Văn bản số 3511/BNN-CN ngày 27/4/2017 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành có liên quan triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi.

Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể. Tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn rà soát quy trình sản xuất, điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi để bà con vượt qua khó khăn trước mắt.

Tăng cường công tác kiểm tra dịch bệnh, tiêm phòng vacxin, không để tình trạng cắt bớt các khâu quản lý dịch bệnh, sẽ dẫn tới hệ lụy phát sinh dịch trong thời gian tới. Tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất và sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn, góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi. Tăng cường công tác quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo 

Các khách mời tham quan và mua các mặt hàng nông sản.

Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều giải pháp. Về giải pháp trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp, tư thương thu mua thịt lợn xuất bán ra ngoài tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, không để người chăn nuôi thấy thua lỗ mà lơ là không tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, không để dịch bệnh phát sinh, giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y lưu hành trên địa bàn.

Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố nắm bắt nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tình hình thu mua sản phẩm của các doanh nghiêp trong và ngoài tỉnh, triển khai các giải pháp tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ, chế biến thu mua sản phẩm lợn thịt cho nông dân. Tiếp cận, định hướng đối với các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, nghiên cứu thực hiện hỗ trợ người dân thông qua việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người chăn nuôi được giết mổ và trực tiếp bán thực phẩm cho người tiêu dùng trên địa bàn, hạn chế tình trạng lợi dụng tình hình khó xuất bán ra ngoài tỉnh, người giết mổ thu mua ép giá người chăn nuôi, bắt tay nhau làm giá, không giảm giá hoặc giảm rất ít giá bán lẻ sản phẩm. Chỉ đạo giảm số đầu con trên tổng đàn lợn, trước mắt là đàn lợn nái, chỉ giữ lại những con nái tốt.

Về giải pháp lâu dài, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2067/QĐ-UBND ngày 23/12/2014. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, xây dựng kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, kiểm soát chặt chẽ sản lượng sản xuất ra.

Thực hiện tốt các chính sách của nhà nước về nông nghiệp, nông thôn như Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 668/2015/QĐ-UBND ngày 20/11/2015 của UBND tỉnh.

Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố chỉ đạo thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Mở rộng thị trường tiêu thụ, phối hợp làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, giúp các doanh nghiệp, người dân xây dựng kế hoạch chủ động sản xuất, hạn chế tăng trưởng nóng, giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo và quản lý chặt chẽ việc phát triển chăn nuôi tập trung theo quy hoạch được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt "Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030'' không để phá vỡ quy hoạch trên địa bàn, dẫn tới tăng trưởng nóng, gây thiệt hại cho chăn nuôi.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 11/5/2017 Tỉnh đoàn Bắc Giang đã có Văn bản yêu cầu Ban Thường vụ huyện đoàn, thành đoàn và các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp hỗ trợ, mở các điểm bán hàng, cung cấp thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn cho nhân dân trên địa bàn. Đến nay huyện đoàn Hiệp Hòa đã mở được 15 điểm bán và tiêu thụ được khoảng 4 tấn thịt lợn cho người dân trên địa bàn.

Tại hội nghị nhiều sở, ban nhành đã ký hợp tác với các HTX, doanh nghiệp về tiêu thụ lợn.

Để triển khai đồng bộ các giải pháp trên nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi rất cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Mỗi người dân, doanh nghiệp hãy sửa dụng thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày để góp phần tiêu thụ, chia sẻ khó khăn giúp người chăn nuôi. 

Giải cứu thịt lợn không chỉ là giải cứu người nông dân mà chính là giải cứu nền nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân chung tay sử dụng thịt lợn, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam“ do Bộ Chính trị phát động. Cùng với đó, 48 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng trên địa bàn tỉnh cũng rất cần sự quan tâm, tiêu thụ của cộng đồng người dân và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh đã ký hợp tác với các HXT tiêu thụ lợn, tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, từ đó giúp giảm bớt khó khăn cho các hộ chăn nuôi.

Hoàng Văn 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top