Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 3 năm 2022 | 21:8

Bắc Giang xây dựng các phương án tiêu thụ vải thiều năm 2022

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên nắm bắt tình hình tổ chức sản xuất, thực hiện công tác dự báo, chuẩn bị xây dựng phương án xúc tiến tiêu thụ.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2022, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.300 ha. Đến nay, trà vải sớm giai đoạn nở hoa- đậu quả, tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%; vải thiều chính vụ bắt đầu ra hoa, tỷ lệ ra hoa khoảng 75%. Dự kiến sẽ đạt kế hoạch 160 nghìn tấn.

Năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các vùng trồng vải duy trì 149 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (diện tích 15.867 ha, ước sản lượng khoảng 95.000 tấn); 30 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (diện tích 219 ha, ước sản lượng 1.800 tấn); đồng thời duy trì vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, Úc, EU... với 18 mã số vùng trồng, diện tích là 218 ha, ước sản lượng đạt 1.600 tấn.

Ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các huyện rà soát bổ sung các vùng trồng theo yêu cầu của các thương nhân, doanh nghiệp; tiến hành loại bỏ các vùng trồng không đảm bảo yêu cầu; đồng thời thực hiện số hoá 43 vùng sản xuất vải tập trung với diện tích 430 ha tại các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam...

 

 Dự kiến sản lượng vải của Bắc Giang năm 2022 đạt 160 nghìn tấn.

 

Liên quan tới công tác tiêu thụ, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trước diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, tình hình thị trường xuất khẩu tại các nước dự báo có nhiều khó khăn, biến động, trong đó bao gồm cả các thị trường truyền thống. Sở Công thương đã sớm triển khai, phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt công tác dự báo, chuẩn bị xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án dự kiến tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ. Tăng cường các hoạt động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang các thị trường tiềm năng và khó tính.

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Mỹ năm 2022” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến (dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 3/2022); tổ chức Lễ xuất hành Vải thiều sớm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản tại huyện Tân Yên và Lục Ngạn (dự kiến diễn ra vào ngày 17/5); tổ chức chuỗi Sự kiện và Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh (dự kiến tổ chức vào ngày 28/5/2022); tổ chức chuỗi các Sự kiện Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam (dự kiến triển khai trong tháng 5, tháng 6)…

Bên cạch việc chuẩn bị phương án tổ chức Hội nghị trực tuyến để tuyên truyền, quảng bá, Sở Công thương cũng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin mùa vụ với các kênh phân phối thông qua hạ tầng Internet, zalo… chủ động xây dựng và tạo lập kênh, nhóm là thành viên đại diện các tập đoàn phân phối, các chợ đầu mối, các thương nhân, nhà quản lý… thực hiện kết nối, trao đổi thông tin trực tuyến về dự kiến mùa vụ. Đồng thời, chủ động bám sát tình hình dịch Covid-19, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để kịp thời có giải pháp, đề xuất tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo để đảm bảo niên vụ vải thiều 2022 tiếp tục thắng lợi.

 

 Năm 2021, tuy gặp nhiều khó khăn song vụ vải thiều của Bắc Giang đã thắng lớn.

 

Về kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2022, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Công thương cần tính toán các kịch bản trong đó lưu ý đến cả những kịch bản xấu khi không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc hoặc xuất khẩu được nhưng tần suất lưu thông bị giảm mạnh so với năn 2021. Lường trước khó khăn từ phía thị trường Trung Quốc, các địa phương có diện tích trồng vải lớn cũng cần tiếp tục quan tâm đầu tư các lò sấy, đảm bảo sản lượng vải thiều sấy khô xuất khẩu.

Với thị trường trong nước, ngoài kinh nghiệm xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; cần chú trọng mở rộng, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị trường miền Nam, miền Tây… phấn đấu thị phần tiêu thụ vải thiều trong nước chiếm tỷ lệ cao.

Đối với hoạt động xuất khẩu, trên quan điểm vẫn phải coi trọng thị trường Trung Quốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, ngành Công thương cần phối hợp với các địa phương thành lập tổ công tác tại các cửa khẩu để kịp thời nắm bắt thị trường xuất khẩu vải sang Trung Quốc. Phối hợp với Đại sứ quán để tạo luồng xanh cho các thương nhân sang thu mua vải thiều.

Chủ động phối hợp kết nối kịp thời với Sở Công thương các tỉnh thành phố, tham tán thương mại các nước và các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Cùng đó, tiếp tục phát huy, làm tốt các hội nghị xúc tiến tiêu thụ, mời gọi các doanh nghiệp hỗ trợ bảo quản trái vải nhằm đảm bảo đủ các điều kiện xuất khẩu; đồng thời quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước để kết nối, tiêu thụ vải thiều.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top