Phát triển kinh tế trang trại, kết hợp giữa nuôi trồng và sinh thái, bảo đảm các tiêu chí môi trường, an toàn thực phẩm, đang là đích đến của bà con nhiều địa phương ở Bắc Ninh.
Từ T.p Bắc Ninh đi xe máy khoảng 20 phút sẽ đến xã Yên Giả (Quế Võ), nơi đây nông nghiệp vẫn còn khá thuần khiết, chưa chịu tác động nhiều của đô thị hóa. Ngoài việc phát triển kinh doanh, dịch vụ, người dân đang chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp sinh thái.
Tiêu biểu trong số đó là mô hình VAC của anh Nguyễn Đức Vinh, thôn La Miệt. Khu trang trại của anh Vinh được quy hoạch theo mô hình sinh thái gồm: vườn cây ăn quả, vườn rau sạch, khu chăn nuôi gia cầm, ao cá và rất nhiều cây xanh…
Hơn 15 năm trước, vùng đất trũng này chỉ cấy một vụ lúa ăn chắc còn một vụ bấp bênh. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, anh đã thuê hơn 4 mẫu, để xây dựng mô hình VAC.
Ban đầu chỉ đào ao thả cá, và trồng tận dụng một số cây ăn quả truyền thống. Sau đó, nhận thấy cây trồng có múi cho hiệu quả cao, được thị trường ưa chuộng, anh đã manh dạn chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn, trên 400 gốc và 100 gốc bưởi Hoàng, kết hợp với chăn nuôi gà thả vườn, ngan, ngỗng, chim bồ câu.
Anh Vinh chia sẻ: Trong khi dịch hại cây trồng ngày càng phức tạp, phát triển nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và thân thiện môi trường là điều tất yếu. Bởi vậy, các loại cây trồng từ rau xanh đến cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi Hoàng cần chăm sóc theo hướng tối giản việc dùng thuốc BVTV, phân bón vô cơ.
Thay vào đó, dùng bẫy sinh học để dẫn dụ, tiêu diệt côn trùng gây hại. Khu vực trồng rau xanh chỉ sử dụng các loại thuốc sinh học và thuốc hữu cơ tự chế, từ các sản phẩm như tỏi, riềng, rượu, ớt… để phòng bệnh cho cây.
Hồ nuôi cá chia thành 2 khu vực: ao cá giống và ao cá thương phẩm. Thức ăn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rau xanh, cỏ dại trong vườn, và một số nông sản ngô, thóc…trên bờ trồng các loại cây ăn quả: nhãn, táo, ổi, mít, xoài và chuối. Để phục vụ những người yêu thiên nhiên, trải nghiệm thú vui điền dã, anh Vinh còn bố trí khu vực dành riêng cho việc câu cá dịch vụ.
Từ việc kết hợp nuôi cá, gà thả vườn và các loại cây ăn quả, mô hình VAC của anh trung bình mỗi năm cho thu nhập 400- 500 triệu đồng. Ngoài thời gian dành cho việc chăm sóc vườn cây, ao cá, vợ chồng anh còn mở cửa hàng ăn uống, để vừa tiêu thụ, vừa giới thiệu sản phẩm của trang trại tới khách hàng, đồng thời có thêm nguồn vốn, tái đầu tư trang trại.
Theo ông Nguyễn Văn Liên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, VAC là mô hình thâm canh sinh học, trong đó trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm, có quan hệ khẳng khít với nhau. Tạo nên hệ thống canh tác tổng thể, giúp sử dụng hợp lý và tốt hơn nguồn nước, đất đai, năng lượng mặt trời để đạt hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp.
“Mô hình của anh Vinh là một trong những xu hướng Tỉnh đang khuyến khích nhân rộng, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng gắn với phát triển bền vững. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại, Bắc Ninh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, rà soát các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh để sửa đổi theo hướng tăng đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời, ban hành quy định quản lý, sử dụng nguồn ngân sách địa phương để cho vay phát triển kinh tế VAC, nhằm giúp các hộ tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi”, ông Liên nhấn mạnh.
Nam Đàn: Đưa ổi từ vườn ra đồng, cho thu nhập khá
Nhận thấy tiềm năng phát triển cây ăn quả ở vườn đồng, qua việc tham quan các địa phương trên cả nước, nhiều hộ dân huyện Nam Đàn (Nghệ An), đã đưa cây ổi từ vườn nhà ra đồng, cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Hồ Thị Thuận, xóm 5, xã Nam Anh, có 8 sào đất đồng, trước đây chuyên sản xuất cây màu, nhưng do thị trường không ổn định, nên thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá
Đầu năm 2018, chị Thuận quyết định cải tạo khu vườn đồng, trồng 300 gốc ổi Đài Loan, thời gian đầu còn gặp khó khăn, do ổi bị sâu bệnh nhiều. Được sự giúp đỡ của những người trồng ổi lâu năm, và tự đúc rút kinh nghiệm, dần dà, vườn ổi của chị Thuận đã trĩu quả.
Thấy hiệu quả cao từ trồng ổi, sau lần tham quan ở tỉnh Hưng Yên, anh Võ Văn Danh, xóm 8, xã Nam Xuân, cũng chuyển đổi sang trồng ổi Đài Loan trên gần 2ha vùng đồng. Chỉ sau 4 tháng đã cho quả.
Theo anh Danh, để ổi sinh trưởng, chất lượng tốt, cần điều chỉnh chiều cao của cây ( chỉ 2m) để nuôi thân. Cắt tỉa cành và tạo thế để cây phát triển cân đối, thuận tiện việc chăm sóc, thu hoạch và tăng khả năng chống đổ ngã khi mưa bão.
"Ưu thế là giống ổi này cho thu hoạch quanh năm, nhiều quả, có vị ngọt, giòn, ít hạt, được khách hàng ưa chuộng, dễ bán... Giai đoạn đầu chỉ thu hoạch 2 lứa/tháng, sau đó, 1 tuần thu 3 - 4 lứa; hiện, giá thu mua tại vườn từ 25 - 30.000 đồng/kg" - anh Danh cho biết.
Qua 1 năm đưa ổi ra đồng, các hộ dân khẳng định, trồng ổi khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu Nam Đàn. Để ổi cho năng suất cao, ngoài việc đảm bảo nước tưới, cần sử dụng phân chuồng. Đặc biệt là phân gà và phải thường xuyên bám vườn, vun gốc, tỉa cành; bao bọc quả bằng túi nilon để đảm bảo vệ sinh, loại bỏ ngay những quả bị sâu bệnh, ruồi vàng và bướm chích hút.
Ông Hồ Đình Thắng - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết: “Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, huyện chỉ đạo một số xã chuyển đổi vùng cao cưỡng, khó khăn nguồn nước sản xuất rau màu, lúa, sang trồng cây ăn quả.
“Đặc biệt, đối với cây ổi, thời gian thu hoạch khá nhanh, thị trường tiêu thụ lớn. Sắp tới, huyện sẽ chỉ đạo các vùng sản xuất ổi xây dựng quy trình ổi sạch, theo chuẩn VietGAP”.
Bắc Kạn: Vào vụ thu hoạch quýt
Thời điểm này, những đồi quýt ở Bắc Cạn đã nhuộm vàng quả chín, người dân tất bật vào vụ thu hái, kịp đưa ra thị trường.
Một điểm thu mua quýt ở gần xã Đôn Phong
Từ sáng sớm, những thùng quýt đầy ắp được bà con tập kết thành từng điểm ven đường, để chờ khách mua. Giá quýt đầu vụ khá thấp, bình quân quả đẹp khoảng 10.000 đồng/kg, quýt nhỏ, giá thấp hơn.
Huyện Bạch Thông có trên 1.000ha quýt, tập trung ở 3 xã: Quang Thuận, Dương Phong và Đôn Phong, giá trị từ cam, quýt/năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo đánh giá, sản lượng quýt năm nay có thể thấp hơn năm ngoái, những xã trọng điểm như Quang Thuận đạt khoảng 4.500 tấn, Dương Phong: 4.000 tấn, Đôn Phong: 1.000 tấn.
Nguyên nhân sản lượng quýt giảm là do ảnh hưởng thời tiết, một số cây già cỗi, sâu bệnh chết, việc áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân chưa triệt để.
Chị Lý Thị Xuân, xã Đôn Phong chia sẻ: “Gia đình trồng khoảng 2ha quýt, năm ngoái sản lượng đạt 7 tấn, nhưng vụ này ước chỉ 4 tấn, giá cả cũng thấp, loại nhỏ chỉ 4.000 đồng/kg, loại to 10.000 đồng/kg, đầu ra khá bấp bênh”.
Ông Chu Thế Hưu, Chủ tịch UBND xã Dương Phong cho biết: “Vụ quýt năm nay, sản lượng thấp, toàn xã ước đạt hơn 4.000 tấn, giảm gần 1.000 tấn so năm trước. Song, vì đây là cây trồng mũi nhọn, quyết định đời sống nhân dân, vì thế xã luôn nhắc nhở bà con không nên hái quýt khi còn xanh, đồng thời cần áp dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả năng suất, sản lượng” .
Mặc dù sản lượng quýt năm nay thấp, nhưng một số vườn chăm sóc tốt vẫn sai trĩu, giá cao. Điển hình như vườn quýt anh Bùi Đăng Tuấn, thôn Khuổi Cò, xã Dương Phong, do được chăm sóc theo hướng VietGAP, nên chất lượng quả đồng đều, to và sai, anh Tuấn cho rằng : “Nhà chỉ trồng hơn 1 ha, những nếu thu hoạch sẽ đạt trên dưới 10 tấn quả, từ đầu vụ đã bán hơn 1 tấn, đợi thêm thời gian, khi quả đủ độ chín, ngọt bán sẽ có giá hơn”.
Tuy nhiên, nhiều chủ vườn lo ngại ảnh hưởng thời tiết, nên khi quả còn xanh ương, đã bán vội để giải phóng vườn, tránh rủi ro, nhưng cũng có hộ chưa bán, chờ tăng giá. Hiện, quýt Bạch Thông vẫn tiêu thụ ở thị trường tự do, phụ thuộc tư thương, đầu ra sản phẩm chưa ổn định.
Chị Lê Thị Năm, xã Quang Thuận đặt điểm thu mua tại Dương Phong cho biết : “Bình quân mỗi ngày cân được trên 3 tấn quả, về giá cả thì theo thị trường, so năm ngoái giá không tăng là bao”. Từ đầu vụ đến nay chị đã mua của bà con trên trăm tấn quả.
Hiện, quýt Bạch Thông đã có chỉ dẫn địa lý, bà con trồng quýt luôn mong muốn tìm được hướng đi bền vững, để thực sự yên tâm gắn bó với cây trồng đặc sản vùng miền này.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.