Hệ thống Siêu thị Big C trên toàn quốc vừa tạm ngưng nhập sản phẩm dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là bài học để doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm của mình.
Góc nhìn người tiêu dùng
Trước việc hệ thống Siêu thị Big C trên toàn quốc tạm thời ngưng nhập các sản phẩm dệt may Việt Nam, nhiều người tiêu dùng cho rằng: chẳng ảnh hưởng gì lớn!
Chị Lê Thị Mai ở Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, việc hệ thống Siêu thị Big C tạm ngưng hay không nhập hàng dệt may cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến việc mua sắm của gia đình tại siêu thị này.
Theo chị Mai, trước đây đúng là chỉ có Big C, nhưng giờ có nhiều siêu thị của các tập đoàn trong nước như Vinmart, Hapro, Qmart… cũng tham gia vào hệ thống bán lẻ. Người tiêu dùng đến Big C không chỉ tập trung mua quần áo, hàng dệt may, mà tại đây có đến hơn 4.000 đơn vị cung cấp đa dạng các sản phẩm khác nhau, nhiều khi tiện thì mua, hoặc thấy ưng thì chọn chứ nếu chủ đích đi mua hàng thời trang, người tiêu dùng có nhiều điểm đến khác để chọn lựa phù hợp với túi tiền của mình như hàng Việt Nam xuất khẩu, M2, Jean Việt…
“Hơn nữa, cũng không quá lo ngại, bởi Big C mới chỉ thông báo tạm ngừng nhập hàng dệt may chứ có dừng hẳn đâu, biết đâu sau khi tạm dừng, sẽ có những tác động nhất định để hàng Việt được lên kệ siêu thị với mẫu mã, chất lượng tốt hơn phục vụ người tiêu dùng trong nước”, chị Mai nhận định.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Minh Thu ở 52 Ngọc Lâm (Long Biên - Hà Nội) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam như May 10, Việt Tiến… có nhiều cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm ở khắp mọi nơi, việc mua các sản phẩm này cũng thuận tiện, không nhất thiết phải đến các siêu thị như Big C để mua sản phẩm dệt may. “Việc tạm ngưng nhập hàng dệt may của Việt Nam theo tôi sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân,” chị Thu đánh giá.
Ý kiến doanh nhân
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam đã có chiến lược phát triển kinh doanh đối với sản phẩm của mình trên thị trường nội địa, đó là mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm của mình tham gia vào hội chợ tại các địa phương, thậm chí triển khai bán hàng di động tại vùng khó khăn, vùng sâu và vùng xa.
Bà Nguyễn Thị Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Cường Hậu, có nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Văn Lâm (Hưng Yên) chuyên sản xuất hàng tiêu dùng, cho biết, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gồm các loại quạt, quạt công nghiệp, nồi cơm, chảo chống cháy… Sản phẩm được bày bán trong các siêu thị, ngoài ra còn được các đại lý tại các tỉnh, thành trong cả nước tiêu thụ. Việc mở rộng thị trường tiêu thụ này giúp chúng tôi chủ động hơn trong khâu phân phối sản phẩm, không bị lệ thuộc vào các siêu thị.
Đánh giá về việc Big C tạm ngưng nhập hàng dệt may của các doanh nghiệp trong nước, bà Hậu cho rằng, nếu doanh nghiệp chỉ trông vào kênh phân phối là Siêu thị Big C thì không nên. Cần mở rộng hệ thống phân phối, thì khi một kênh ngưng, cũng không ảnh hưởng nhiều đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Cùng quan điểm trên với bà Hậu, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thực phẩm có sản phẩm bày bán tại các siêu thị cho biết, sản phẩm của chúng tôi cũng được bày bán nhiều tại các siêu thị, tuy nhiên, chúng tôi không ký kết hợp đồng cung cấp cho một siêu thị cố định, chính vì vậy, nếu một trong các siêu thị tạm ngưng nhập sản phẩm của chúng tôi thì sẽ không có thiệt hại gì lớn lắm.
Bài học trong phát triển thị trường bán lẻ
Ngay sau khi Tập đoàn Central Group (Thái Lan) có thư gửi các đối tác tại Việt Nam thông báo về việc siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam (ngày 2/7), nhiều doanh nghiệp tỏ ra bất bình và lo lắng trước thông tin này.
Đại diện một công ty may cho biết, công ty có 300 nhân sự. Nếu Big C không nhập hàng thì thiệt hại rất lớn. “Để có hàng giao cho Big C, nhà cung cấp chuẩn bị hàng trước từ 3 đến 6 tháng. Hiện tại kho hàng còn tồn đọng vải vóc, nguyên phụ liệu khá nhiều nhưng BigC không nhập hàng nữa khiến chúng tôi rất bị động.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho rằng, chúng ta cần phải dè chừng với chuỗi siêu thị của nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc như Lotte, Aone, bởi rất có thể một ngày, các siêu thị này sẽ hành động tương tự như Big C.
“85% số mặt hàng được bày bán trong siêu thị là của doanh nghiệp bên ngoài cung ứng. Nếu họ nhập hàng nội địa hoặc một nước thứ ba thì các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ chết bởi mất hệ thống phân phối trên thị trường”, ông Phú cho biết thêm
Bà Dương Thị Thùy Hương, Phó giám đốc Công ty Thiên Bằng, doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc, cho rằng, vụ việc của Big C là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp may mặc nói riêng. Doanh nghiệp cần chủ động trong việc nhập máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, chủ động trong tìm kiếm các khách hàng để tránh việc phụ thuộc vào một doanh nghiệp như Big C. Bởi những doanh nghiệp phụ thuộc vào Big C khi tạm dừng nhập hàng đột xuất sẽ gây ra hậu quả rất nặng nề.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, qua vụ Big C đã nổi lên nhiều vấn đề mà quan trọng nhất là thực lực cạnh tranh của sản phẩm Việt. Nếu hàng may mặc của Việt Nam có sức cạnh tranh thì người Thái cũng phải bán vì họ kinh doanh, có lợi thì họ làm.
Quan điểm của cơ quan quản lý
Ông Đỗ Thăng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết quan điểm của Bộ: Việc giải quyết của Big C với 200 nhà cung cấp về mặt hàng may mặc trước hết là việc của doanh nghiệp và phải giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký và phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
“Một mặt hết sức hoan nghênh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI, mặt khác bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, Big C cam kết mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp Việt Nam, trong 10 ngày tới làm việc với các nhà cung cấp Việt Nam; 2 tuần tới sẽ có ít hơn 100 nhà cung cấp nữa tiếp tục được mở đơn. Còn lại 50 nhà cung cấp của Việt Nam sẽ được làm kỹ hơn về việc doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký và Central khẳng định tuân thủ đúng nội dung tinh thần hợp đồng đã ký giữa Central và các nhà cung cấp.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng là một trong những điều kiện để cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài đối với các sản phẩm dệt may nói riêng và các sản phẩm tiêu dùng khác nói chung.
Có như vậy, sản phẩm của chúng ta mới chiếm lĩnh được thị trường nội địa và xuất khẩu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh rằng: “Đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và nền kinh tế”; “Nếu không chủ động chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”. Do đó, để đứng vững trong xu thế mới, các doanh nghiệp Việt phải tự hoàn thiện mình, đưa ra những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành phù hợp…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…