Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 7 năm 2016 | 2:46

Bàn cách quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Ngày 5/7/2016, tại Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Tới dự diễn đàn đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Thú y, đại diện các trung tâm khuyến nông, chi cục thủy sản cùng đại diện các hộ nuôi trồng thủy sản các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Toàn cảnh diễn đàn.

Chủ trì diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia báo cáo tình hình nuôi trồng thủy sản trên cả nước và những hệ lụy do lạm dụng kháng sinh. Theo đó, từ năm 2014 đến tháng 10/2015, Việt Nam có khoảng 25.000 tấn thủy sản bị các nước trả về, liên tiếp nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị khách hàng phàn nàn về chất lượng. Chỉ tính trong quý I/2016, đã có khoảng 31 lô hàng thủy sản xuất khẩu, trong đó 10 lô vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh bị các đối tác như Nhật, Liên minh châu Âu... báo động “đỏ”.

Theo các chuyên gia trong ngành, sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản là vấn đề không mới nhưng vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguyên nhân do môi trường ngày càng ô nhiễm, người nuôi bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại. Cả nước có hơn 470 doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó gần 33% tập trung ở các tỉnh khu vực Nam Bộ nhưng hiện vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu vệ sinh công nghiệp và thiếu đội ngũ thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn cho sản phẩm của cơ sở. Các chế tài trong việc kiểm tra, giám sát hiện vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, nhằm hạn chế tái diễn vi phạm từ người nuôi, đại lý thu mua, cơ sở chế biến thức ăn thủy sản, chủ tàu… Trong khi đó, xu hướng nhập khẩu hàng thủy sản với yêu cầu kiểm tra chất lượng, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng nghiêm ngặt.

Tư vấn dùng thuốc thú y cho nông dân.

Trước thực trạng đó, diễn đàn tập trung trao đổi, đề ra những giải pháp cấp thiết trong quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Với hàng loạt câu hỏi được gửi đến Ban cố vấn, chủ yếu tập trung giải đáp tác hại của kháng sinh và chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm sao để nhận biết tôm bị nhiễm chất cấm và kháng sinh vượt mức cho phép…Tại diễn đàn, các hộ nuôi, chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh đã được các chuyên gia, cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách sử dụng một số thảo dược thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ sinh học không dùng kháng sinh. Đồng thời các hộ nuôi trồng có cơ hội trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm sạch trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh khác, đặc biệt là cách phòng chống dịch bệnh cho tôm trong môi trường khí hậu Việt Nam, nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình vi sinh hạn chế kháng sinh; quy trình nuôi tôm sạch và bền vững….

Kết luận diễn đàn, ông  Kim Văn Tiêu đề xuất các giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nôi trồng thủy sản. Cụ thể, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản, tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất kháng sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tiến hành nghiên cứu đề xuất ban hành bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức lại sản xuất, kết nối sản xuất với chế biến, phân phối, phát triển và nhân rộng các chuỗi cung cấp thủy sản an toàn; phát triển nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao kết hợp với quản lý chặt các yếu tố trong nuôi tôm, áp dụng mô hình nuôi tôm VietGAP. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải thông qua việc giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng tại cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu, thường xuyên giám sát Chương trình quản lý chất lượng để đảm bảo biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh phù hợp khi tiếp nhận nguyên liệu.

Thiên Hoa

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top