Hơn 30 năm trôi qua, kể từ khi Hội Làm vườn Việt Nam được thành lập, và ngay sau đó là Tạp chí Người làm vườn ra đời (nay là Báo Kinh tế nông thôn), bạn đọc xa gần và hội viên Hội Làm vườn các cấp trên mọi miền đất nước luôn đồng hành cùng KTNT.
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin ghi lại một số ý kiến đóng góp của bạn đọc Bắc Ninh để báo ngày một hay hơn, hấp dẫn hơn và mong phóng viên, biên tập viên luôn giữ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nối vòng tay hợp tác, tiêu thụ
Ngay sau khi Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam ra đời, 13 tháng 1 năm 1986, HLV Hà Bắc (tên gọi cũ của HLV Bắc Ninh), cũng được thành lập. Nhớ lại buổi đầu ra mắt, mặc dù mới có 2 đơn vị: Chi hội Hòa Bình (xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh) và Chi hội xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn (tỉnh Hội chưa có), nhưng các chi Hội đã đặt mua Tạp chí Người Làm vườn, sau đổi tên là Báo Người Làm vườn, Báo Kinh tế VAC, Báo Kinh tế nông thôn. Từ những “viên gạch” ban đầu đó, đến nay đã 30 năm; song, những người làm VAC Bắc Ninh, vẫn giữ thói quen mua báo Hội, đọc báo điện tử Kinhtenongthon.vn, để tìm hiểu thông tin, nối vòng tay với bạn bè trong và ngoài tỉnh. Nhất là khi nhiều trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp ở Bắc Ninh đã liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ hàng hóa với các đơn vị trong cả nước.
Ông Nguyễn Đăng Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) VAC Phú Quý, cho biết: “Khi mới gia nhập Hội, thành lập HTX kiểu mới, tôi đã đọc Báo Kinh tế nông thôn, cả báo in và báo điện tử. Qua đó, tôi có thêm nhiều thông tin, cách làm trang trại VAC hiệu quả ở trong, ngoài tỉnh và đã đến tận nơi để học hỏi. Ngược lại, qua đọc bài về trang trại vịt trời của tôi đăng trên Báo Kinh tế nông thôn, nhiều bạn bè, khách hàng từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đến tham quan. Họ được chia sẻ kinh nghiệm, cách chăm sóc vịt trời, gia cầm, trồng cây ăn trái tại trang trại của tôi.”
Trò chuyện cởi mở, ông Cường cũng cho hay, thông qua Báo Kinh tế nông thôn, ông cũng được biết thêm nhiều mô hình hay để kết nối và chia sẻ. Nhờ giao lưu với bạn bè, ông đã học được cách cho gia cầm, vịt trời uống nước thảo dược, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả; tránh được việc dùng kháng sinh, độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng. “Báo Kinh tế nông thôn đã đem lại những thông tin “kép”, để chúng tôi trao đổi với nhau, rất bổ ích. Nhờ Báo, chúng tôi xích lại gần nhau và liên kết chuỗi tốt hơn”, ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, thời gian gần đây, khi mô hình liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm ngày càng phát triển, Báo Kinh tế nông thôn chính là cầu nối để cung - cầu gặp nhau. Tuy nhiên, với chức năng là tờ báo chuyên ngành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Báo cần phản ánh kịp thời và có thêm nhiều thông tin về cảnh báo, dự báo thị trường nông sản để bà con chủ động trong sản xuất, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, hoặc phải “chạy sô” kêu gọi cộng động mua nông sản. Mặt khác, bà con Bắc Ninh và nhiều địa phương trên cả nước, còn yếu ở khâu chế biến, tìm thị trường cho sản phẩm nông sản. Vì vậy, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp, báo chí để xúc tiến công việc trên, đưa sản phẩm của người nông dân “vượt lũy tre làng”, đến tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu một cách dễ dàng.
Ông Nguyễn Đăng Cường với sản phẩm vịt hun khói áp dụng công nghệ chế biến.
Đồng quan điểm với ý kiến với ông Cường, ông Vũ Văn Chung, Ủy viên Thường vụ HLV Bắc Ninh (nay là Hội Nông nghiệp và PTNT), Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp sạch Tâm Phú, cho biết: “Trong nhiều năm qua, nhờ kiên trì học hỏi, khảo sát thị trường và theo dõi thông tin trên Báo Kinh tế nông thôn, Công ty đã chuyển sang sản xuất các mặt hàng nông sản sạch, phục vụ thị trường Bắc Ninh và các vùng lân cận, nhất là thị trường nội thành Hà Nội và Sân bay Nội Bài. Hiện, Công ty Tâm Phú vừa sản xuất, vừa liên kết thu mua sản phẩm sạch của Hà Nội như: Thịt lợn hữu cơ (Sóc Sơn); rau sạch (Gia Lâm), và đang cùng Hà Nội giao lưu, chia sẻ thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi rất quan tâm tới công tác quản lý thị trường, cần phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhất là việc truy xuất nguồn gốc. Thời gian tới, mong Báo Kinh tế nông thôn có thêm nhiều thông tin, chuyên mục về vấn đề trên, để doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường”.
“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”
Là Hội đứng tốp đầu của cả nước, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, ông Nguyễn Xuân Vững, cho biết: “Báo Kinh tế nông thôn vừa là người bạn đồng hành của nhà nông, vừa làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng rất tốt. Thời gian tới, Báo cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền hấp dẫn, phong phú hơn. Nhất là tham gia tích cực vào việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để người dân và hội viên tin tưởng, đặt niềm tin vào Báo nhiều hơn nữa. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, ngành Nông nghiệp và PTNT về phát triển kinh tế nông thôn. Kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của hội viên; nhất là vấn đề đất đai; vốn sản xuất; cập nhật kiến thức tiến bộ kỹ thuật”.
Ngoài ra, ông Vững còn mong Báo cần nêu gương kịp thời doanh nghiệp, đơn vị đi tiên phong trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh mối liên kết 5 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà băng - ngân hàng) để giúp người dân thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Bắc Ninh hiện có trên 400 chủ trang trại thường xuyên mua và đọc báo Kinh tế nông thôn, xem đây là tài liệu học tập, phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại. Các trang trại rất cần thông tin về thị trường, mô hình điểm, cách làm sáng tạo để học tập.
Nhân dịp Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt hội viên Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, ông Vững chúc báo ngày càng phát triển; cán bộ, phóng viên, biên tập viên luôn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, đúng như lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…