Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2019 | 8:40

Bảo tồn vườn cam giống đầu dòng quý hiếm Bù Sen

Cam Bù Sen, Nghệ An là cây bản địa quý hiếm, đem lại nguồn thu cao. Hiện, địa phương đang hoàn thiện quy trình công nhận cây đầu dòng cho loại cam này.

Cây cam Bù Sen, còn gọi là cam bù Kim Nhan, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) là cây bản địa quý hiếm, được chọn lọc tự nhiên qua nhiều thập kỷ, và tồn tại đến ngày nay. Mùa thu hoạch cam bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau.

 

c-bu-899.jpg

 Cây cam Bù Sen hộ ông Trần Văn Hải, xã Hội Sơn. Ảnh: Thái Hiền

 

Theo đó, cam Bù Sen xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1972, do Hợp tác xã Phụ lão, xã Thạch Sơn, trồng tại vùng núi Kim Nhan. Năm 1986,  được ông Bùi Xuân Lạng, xã Thạch Sơn trồng và lưu giữ. Năm 1996, vườn cam này được chuyển nhượng cho ông Trần Văn Hải, thôn 10, xã Hội Sơn chăm sóc, thu hoạch cho đến nay

Để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen quý của cam bù Kim Nhan, Phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn đã cùng  với Hội đồng bình tuyển cây đầu dòng  Nghệ An, cử chuyên gia, cán bộ đi khảo sát thực tế tại Anh Sơn, khảo nghiệm, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của cam Bù Sen để đăng ký công nhận cây đầu dòng.

Qua đó, đã lựa chọn được 7 cây cam có đầy đủ yếu tố, phẩm chất, đặc điểm nông sinh học, giống với giống gốc để lựa chọn, bình tuyển làm cây đầu dòng, với nhiều đặc tính vượt trội so các cây khác trong cùng điều kiện chăm sóc.

Nhất là, khả năng chống chịu sâu bệnh; cây sinh trưởng khỏe, năng suất cao, ổn định 15 tấn/ha; chịu hạn hán, rét tốt; chiều cao cây 5,2 m, đường kính thân (gốc) 20 - 25 cm, đường kính tán cây 4,5 - 5 m; quả tròn hơi dẹt, có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm...

Dựa trên kết quả bình tuyển, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ ra quyết định công nhận cây đầu dòng. Lập hồ sơ quản lý, theo dõi những cây cam Bù Sen được cấp giấy chứng nhận, phục vụ tốt cho công tác bảo tồn, lưu giữ, nghiên cứu, nhân giống, và sản xuất cây sạch bệnh, cung cấp nguồn giống tốt cho người sản xuất.

Mặt khác, đây cũng là điều kiện tiên quyết để Anh Sơn duy trì thương hiệu cây giống, trong xu hướng hội nhập và phát triển. Tạo cơ sở pháp lý, cũng như khoa học cho ngành Nông nghiệp huyện, từng bước quy hoạch sản xuất cây giống theo hướng tập trung, và chất lượng, bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm, giá trị kinh tế cao.

 Nghĩa Đàn: Thu nhập bí xanh đầu vụ gần 200 triệu đồng/ha

Chưa bao giờ nông dân huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), lại phấn khởi khi thu hoạch bí xanh như thời điểm này, bởi không chỉ được mùa, mà giá còn cao gấp 4 lần so vụ trước.

bi-366.jpg

 Giá bí xanh cao gấp 4 lần so vụ trước

 

Anh Nguyễn Doãn Quân, xóm Bắc Lâm, xã Nghĩa Lâm năm nào cũng trồng bí xanh, nhưng theo anh, năm nay được mùa, được giá nhất; hiện, anh đang thu hoạch 3 sào bí, giá 12.000 đồng/kg; trong khi năm trước 2.000 đồng/kg cũng không có người mua.

Anh Quân cho biết, năm nay ngay từ khi ra quả bói, đã có thương lái gọi điện đặt hàng. Đầu mùa giá bí 15.000 đồng/kg, thời điểm này 12.000 đồng/ kg. Giá bí cao, thương lái cũng không lựa nhiều mà mua ngang, nông dân không phải bán nhiều loại, nhiều giá khác nhau.

Năm nay thời tiết thuận lợi, nên việc chăm sóc bí cũng dễ dàng hơn, dự tính, mỗi sào đạt 3 tấn.

Xã Nghĩa Lâm trồng 70 ha bí xanh, khoảng 40 ha đang thu hoạch. Theo chị Nguyễn Thị Hường, trồng bí phải tưới nước thường xuyên, bón phân chuồng nhiều, kết hợp với phân hóa học, nhưng tỉ lệ ít.

Mỗi mùa bí xanh kéo dài 3 tháng, thu hoạch 3 - 5 lứa. Nếu được mùa, được giá như hiện nay, trừ chi phí, mỗi ha thu gần 200 triệu đồng.

Theo ông Lê Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm,  bà con không trồng bí ồ ạt, mà trồng rải vụ. Nếu hộ nào có 1 ha đất, thì một nửa đang thu hoạch, diện tích còn lại, khoảng 20 ngày - 1 tháng nữa thu hoạch, nên không bị tư thương ép giá.

Quảng Trị: Trồng mướp khía trên đất cát bạc màu

 

m-9933.JPG

Bà Nguyễn Thị Chuyên chăm sóc vườn mướp

Vĩnh Thái là xã bãi ngang của huyện Vĩnh Linh, hầu hết diện tích là đất cát bạc màu, nghèo dinh dưỡng, nên rất khó sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, một số người dân đã đưa cây mướp khía vào trồng thử nghiệm.

Qua thời gian cho thấy, mướp khía thích nghi nhanh trên đất cát bạc màu, năng suất, sản lượng cao, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Chuyển, thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái là một trong những hộ tiên phong đưa cây mướp khía vào trồng trên vùng đất cát. Qua theo dõi, thấy cây mướp khía phát triển tốt, phù hợp với đất cát, năng suất cao, được thị trường ưa chuộng, bà quyết định mở rộng diện tích.

Vụ mướp khía vừa qua, bà trồng 1,5 sào. Nhờ chịu khó chăm sóc nên mướp phát triển tốt, trái xanh đẹp, bán với giá giao động từ 20 - 25.000 đồng/kg.

Từ lúc trồng đến khi mướp ra trái khoảng 40 ngày, nếu chăm sóc tốt, thời gian thu hoạch gần 2 tháng. Tính sơ bộ, một vụ mướp khía thu nhập trên 15 triệu đồng.

Với kĩ thuật đơn giản, không tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư ít, tiêu thụ dễ dàng, nên mô hình mướp khía được nhiều người dân thôn Đông Luật nhân rộng. Hiện, đã có gần 50 hộ trồng mướp khía, diện tích từ 0,5 - 1,5 sào/hộ.

 Ông Nguyễn Duy Thường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái, cho biết: “Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều người dân Vĩnh Thái, đã chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai địa phương, nhất là cây mướp khía.

 Việc người dân đưa cây mướp khía vào trồng, đã góp phần đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Xã cũng đã vận động hội viên, phát triển các loại cây màu phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình, và thích ứng điều kiện tự nhiên của địa phương, để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.”

Quảng Bình: Phòng chống cháy rừng trước mùa khô 2019

Trước thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhất là ít mưa, nắng nóng đến sớm, kéo dài, diện tích rừng Quảng Bình đang đứng trước nguy cơ cháy cao vào mùa khô.

 

r-99991.jpg

 Kiểm tra thực trạng rừng trước mùa khô

Để phòng chống và hạn chế thấp nhất thiệt hại do "giặc lửa" gây ra, ngay từ đầu năm 2019, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực triển khai phương án phòng chống cháy, bảo vệ an toàn từng diện tích rừng, trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm 2018, do thời tiết nắng nóng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 152 ha; tăng 9 vụ, trên 100 ha rừng bị thiệt hại so cùng kỳ năm 2017.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết, rút bài học từ công tác chữa cháy rừng năm 2018, và trước những cảnh báo về  nắng nóng, có nguy cơ kéo dài trong năm 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức kiểm tra tổng thể, công tác phòng cháy rừng, trên địa bàn toàn tỉnh, để có phương án điều chỉnh kịp thời, chủ động đối phó với các tình huống bất ngờ xảy ra.

Qua kiểm tra thực tế một số vùng trọng điểm cháy, như: Chi nhánh lâm trường Bồng Lai, xã Thanh Trạch, Bắc Trạch (Bố Trạch); rừng phòng hộ ven biển Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đồng Hới; rừng thông nhựa tại xã Hồng Hóa (Minh Hóa), xã Sơn Hóa..., tỷ lệ xử lý thực bì đạt rất thấp, nguy cơ cháy rừng cao.

Các huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh xử lý thực bì, vệ sinh rừng bình quân chỉ đạt khoảng 60%.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ PCCCR chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cụ thể, hệ thống chòi canh lửa một số nơi đã xuống cấp. Hiện, chòi canh thấp hơn tán rừng, không có tác dụng phát hiện đám cháy, các chủ rừng phải sử dụng chòi canh lửa phụ tạm thời, không bảo đảm tiêu chuẩn và độ an toàn phòng cháy.

Ông Nguyễn Sỹ Doãn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố cho biết, Đồng Hới có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 42% tổng diện tích tự nhiên.

Tài nguyên rừng không những có giá trị kinh tế, quốc phòng mà còn có tác dụng to lớn trong việc điều hòa khí hậu, chống xói mòn, chống cát bay, là cảnh quan du lịch, giữ gìn nguồn nước phục vụ đời sống của nhân dân. Vì vậy, công tác bảo vệ rừng và PCCCR được Thành phố đặc biệt coi trọng.

Hạt Kiểm lâm Thành phố đã phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với địa phương tổ chức trực 24/24 giờ, từ tháng 4 - tháng 9 hàng năm, và các ngày lễ, Tết.

Nhờ đó, những năm qua, rừng trên địa bàn thành phố bảo đảm an toàn, không có thiệt hại do cháy, một số điểm phát lửa, nhưng diện tích bị cháy chủ yếu là lau lách, cây bụi...

Các đơn vị, địa phương và ngành chức năng bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”; bố trí lực lượng chỉ huy, trực canh lửa vùng trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần chữa cháy, huy động kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

 Kiểm lâm địa bàn cần tích cực tham mưu cho các xã, phường, thị trấn triển khai biện pháp phòng cháy rừng, đặc biệt là diện tích rừng thông nhựa, do hộ gia đình, cá nhân quản lý; tổ chức lực lượng bảo vệ rừng nghiêm ngặt, trực PCCCR 24/24h trong những ngày nắng nóng cao điểm.

Hiện, Quảng Bình đã thành lập 983 tổ đội xung kích BVR, PCCCR với hơn 8.604 lượt người tham gia. Toàn tỉnh có 684,5km đường ranh cản lửa, trong đó 549 km đường băng trắng, 135 km đường băng xanh; 52 chòi canh lửa rừng, trong đó có 39 chòi kiên cố, 13 chòi bán kiên cố; 156 bảng tuyên truyền và 1.048 biển cấm lửa...

Bảo tồn vườn cam giống đầu dòng, thu nhập bí xanh 200 triệu đồng/ha; trồng mướp trên đất bạc màu; bảo vệ rừng trước mùa khô 2019, là tin tuần tại nhiều địa phương. 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top