Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 7 năm 2021 | 13:49

Bất chấp dịch Covid-19, nông nghiệp Lào Cai vẫn đạt nhiều kết quả khả quan

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, song sản xuất nông nghiệp ở Lào Cai vẫn đạt nhiều kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2021.

na.jpg
Sản phẩm na của xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh Báo Lào Cai

 

Na VietGAP thu nhập cao

Sau gần 10 năm chuyển đổi sang trồng na, hiện vườn na hơn 200 gốc của gia đình bà Trần Thị Thơm, thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch thứ 5. Mỗi năm, vườn na mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng cho gia đình. Bà Trần Thị Thơm cho biết: Cũng với diện tích đất này, trước đây gia đình tôi chỉ trồng rau, màu, vất vả mà thu nhập không cao, nên đã chuyển sang trồng na. Đặc biệt, từ năm 2019, gia đình được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất, chất lượng quả na được cải thiện, gia đình không phải lo đầu ra cho quả na.

Huyện Bảo Thắng hiện có hơn 187 ha cây na tại các xã Xuân Quang, Phong Niên. Từ năm 2020, huyện đã xây dựng được thương hiệu Quả Bảo Thắng (dùng cho sản phẩm nhãn, na, chanh), trong đó có vùng trồng na, bưởi Múc đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo nên những sản phẩm đặc sản, đặc trưng cho vùng sản xuất hàng hóa riêng của huyện.

Ông Bùi Văn Song, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Theo định hướng phát triển đặc sản vùng, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bảo Thắng tập trung phát triển 3 cây (cây ăn quả, cây quế, cây rau các loại) và 3 con (lợn, gà, cá). Toàn huyện có 2.326 ha trồng rau, củ, quả các loại, tập trung lớn tại các xã Gia Phú, Sơn Hải, Thái Niên, thị trấn Phố Lu (sản lượng 35.327 tấn/năm); có 2.600 ha cây ăn quả, trong đó nhiều là các loại cây bưởi 337 ha, nhãn 476 ha, na 187 ha… Từ phát triển vùng cây, con đặc sản, đến đầu năm 2021, huyện Bảo Thắng đã có 21 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Phát triển một số cây nông nghiệp đặc sản chủ lực

Hợp tác xã Trọng Tín, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai là hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hoạt động chính là trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Hợp tác xã đang sản xuất dưa vân lưới và măng tây trong nhà lưới. Với mô hình trồng cây dưa vân lưới, sau gần 4 năm triển khai đã mang lại hiệu quả cao cho Hợp tác xã, chỉ 3.200 m2 nhà lưới cho thu khoảng 5 tấn quả/năm.

Ông Lã Quang Minh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Dưa lưới của hợp tác xã đã đăng ký thương hiệu và được người tiêu dùng trên địa bàn tin dùng. Sản phẩm tiêu thụ tốt và giá ổn định. Từ năm 2019, dưa vân lưới của hợp tác xã trở thành sản phẩm đặc sản được cơ sở sản xuất thường xuyên và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bát Xát tập trung phát triển một số cây nông nghiệp đặc sản chủ lực như rau ôn đới, chăn nuôi lợn đen bản địa, chăn nuôi ngựa, dê và phát triển một số sản phẩm sẵn có của địa phương như gạo séng cù, gạo lứt, miến đao…

Ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bát Xát cho biết: Huyện đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp đặc sản của địa phương, trong đó sẽ có các vùng sản xuất hàng hóa riêng biệt, hướng đến liên kết từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ, từ đó giúp nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm trên thị trường. Bát Xát sẽ tập trung phát triển các vùng đặc sản bền vững theo thế mạnh của địa phương như phát triển thủy sản nước lạnh, cây ăn quả ôn đới, rau ôn đới trái vụ…

Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của địa phương phát triển các giống nông nghiệp đặc sản có giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị để phát triển nông nghiệp bền vững. Cùng với đó, bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa, có giá trị kinh tế cao; tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao ý thức trong việc khai thác, phát triển các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa kết hợp với hoạt động du lịch nông nghiệp…

Hiện, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã huy động hơn 357 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển giống nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao, trong đó có nghiên cứu, nhân giống cây đặc hữu, đặc sản, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Xuất khẩu trên 100.000 tấn nông, lâm sản

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, song sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 7.660 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích canh tác ước đạt 64 triệu đồng/ha.

 

che.jpg
Sản xuất chè xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình (Mường Khương). Ảnh: Báo Lào Cai

 

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản, nhưng nhờ chủ động thực hiện các giải pháp đồng bộ trong việc tìm thị trường, phương án vận chuyển qua các cửa khẩu, giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh đến đối tác nước ngoài… nên 6 tháng đầu năm, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng nông sản chủ lực có xu hướng tăng.

Tổng sản lượng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của toàn tỉnh ước đạt trên 100.000 tấn; trong đó: Chuối 64.500 tấn, dứa 19.200 tấn, chè 11.600 tấn (2.320 tấn khô); sản phẩm từ cây quế 6.400 tấn (lá, cành, vỏ quế), riêng tinh dầu quế 64 tấn. Ngoài ra, cóg trên 70.000m3 gỗ tròn và ván bóc xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 800 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh chủ yếu gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Trung Đông, EU...

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông, lâm sản, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lào Cai sẽ đẩy mạnh duy trì và hướng dẫn các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản và các dòng sản phẩm nông sản an toàn; tổ chức gắn mã QR Code trên sản phẩm; triển khai xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đến các đối tác nước ngoài …

Nhiều lợi thế về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Theo Sở nông nghiệp và PTNT Lào Cai, tính đến tháng 6, tổng đàn trâu đạt 112.297 con, đàn bò 21.703 con, đàn lợn 325.189 con, đàn ngựa 7.791 con, đàn gia cầm 5.045 nghìn con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 63.095 tấn. Sản lượng trứng đạt 62.187 nghìn quả. Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm trên 50% cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh và một phần xuất bán ra ngoại tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 343 trang trại chăn nuôi (225 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, 113 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 5 trang trại chăn nuôi quy mô lớn), trong đó có 110 trang trại chăn nuôi có giá trị sản xuất đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên.

Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, dập tắt; bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã qua 21 ngày không phát sinh thêm. Từ đầu năm đế nay đã triển khai tiêm phòng được 1.562.149 liều vắc xin các loại cho đàn gia súc, gia cầm đạt 102% KH kỳ I, đạt 52% kế hoạch năm.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 250 cơ sở nuôi cá nước lạnh với thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 57.100 m3, sản lượng đạt 670 tấn; ước đến hết năm 2021 sản lượng đạt 690 tấn, chủ yếu nuôi tại thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Bắc Hà, giá trị sản xuất đạt khoảng 25-30 tỷ đồng/ha.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù hiện nay phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn khó khăn như: Liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản mới hình thành, quy mô nhỏ, tính liên kết chưa bền vững; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa nhiều; kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ còn nhiều hạn chế; chăn nuôi gia súc, gia cầm nông hộ quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao trên 80% số hộ chăn nuôi; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng còn nhiều hạn chế.

Ông Khánh mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm, hỗ trợ quy hoạch chăn nuôi và xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ tập trung, tiêu thụ sản phẩm; điều chỉnh thời gian kê khai hoạt động chăn nuôi 2 lần/năm vào tháng 6 và tháng 12 để phù hợp với điều kiện của địa phương vùng cao; có chính sách phát triển thủy sản nước lạnh. Quan tâm bố trí kinh phí cho tỉnh Lào Cai tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phòng, chống dịch bệnh quốc gia. Tạo cơ hội để các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào Lào Cai trong phát triển, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản...

 

thu-truong.jpg
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp vào PTNT đi thăm trại nghiên cứu cá nước lạnh tại thị xã Sa Pa. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Làm việc với tỉnh Lào Cai vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Lào Cai có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là thủy sản nước lạnh, tỉnh cần chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao hơn nữa. Thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045 theo Quyết định 1520/QĐ-TTg, ngày 06/10/2020 của Chính phủ, Lào Cai cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch cụ thể về tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong quy hoạch, cần xác định rõ tiềm năng lợi thế, chú trọng tái cơ cấu trên các lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi khép kín và có tầm nhìn chiến lược.

Phát triển chăn nuôi góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp nhưng cần giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá của địa phương. Đối với công tác thú y, đồng chí lưu ý Lào Cai không được chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi; cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch cho vật nuôi; chú trọng công tác xây dựng cơ sở chế biến, xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương; xây dựng các cơ sở  giết mổ động vật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top