Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 5 năm 2020 | 8:5

Bình Định: Tiến hành thu hồi nợ xấu “tàu 67”

Mặc dù có dịch Covid-19, nhưng mọi hoạt động trên biển của ngư dân vẫn bình ổn.

Ðể sớm giải quyết dứt điểm tình trạng các chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, không trả nợ vay cho ngân hàng đúng cam kết, làm phát sinh nợ xấu, quá hạn, các ngân hàng cho vay đang triển khai kế hoạch, phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương, tiến hành thu hồi nợ.

 

tau-6661.jpg

Tàu cá vỏ thép của ngư dân Lê Văn Thái, xã Phù Cát, chuẩn bị ngư cụ để ra khơi.

   

Bình Định hiện có 61 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67. Đến nay, có 54/61 tàu hoạt động khai thác thủy sản (KTTS); còn lại 4 tàu bị chìm, 3 tàu làm dịch vụ hậu cần nằm bờ.

Theo kết quả khảo sát, kiểm tra, đánh giá của Sở Nông nghiêp, trong số 54 “tàu 67” đang hoạt động, có 38 tàu có lãi, 11 tàu hòa vốn, 5 tàu thua lỗ, hiệu quả thấp.

Cuối năm 2016, ngư dân Lê Văn Thãi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) cho hạ thủy tàu cá vỏ thép BĐ 99016-TS, trị giá hơn 16 tỷ đồng, ra khơi KTTS.

Nhưng do tàu bị sự cố, phải nằm bờ thời gian dài, nghề lưới vây ánh sáng hoạt động kém hiệu quả, anh Thãi lâm cảnh nợ nần.

Trao đổi về chuyện nợ vay - trả lãi, anh Thãi thổ lộ: “Sau khi được công ty đóng tàu đền bù thiệt hại, được ngành chức năng cấp phép, cho kiêm thêm nghề phụ mành chụp, tàu ra khơi trở lại. Hiện, tôi đã trả nợ vay cho ngân hàng được hơn 700 triệu đồng”.

Tương tự, anh Trần Minh Sú, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99539-TS, trị giá 18 tỷ đồng, chia sẻ: “Tôi vay vốn đóng mới tàu cá, làm nghề lưới vây ánh sáng. Nhưng từ cuối năm 2016 - 2017, do lỗi thiết kế, toàn bộ 18 chuyến biển của tôi đều bị lưới quấn vào chân vịt, rách liên tục, thua lỗ nặng.

Nợ nần chồng chất, tôi phải cho tàu nằm bờ cả năm 2018! Hiện, tôi đang vay mượn để đầu tư nghề mành chụp, và đang làm thủ tục xin ngành chức năng, được kiêm thêm nghề phụ mành chụp, để ra khơi KTTS trở lại. Có tiền nhất định tôi sẽ trả nợ”.

Một ví dụ khác, tàu cá vỏ thép BĐ 99999-TS, trị giá hơn 17 tỷ đồng, của ngư dân Lê Văn Thiểu, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) bắt đầu ra khơi năm 2017.

Qua 7 chuyến biển, tàu đều bị lỗ tổn, lại còn mất giàn lưới, trị giá hơn 4 tỷ đồng, anh Thiểu đành cho tàu nằm bờ. Cuối năm 2018, anh vay mượn, đầu tư dàn lưới rê, để hoạt động trở lại, nhưng mới ra khơi vào cuối tháng 3.2019 thì bị chìm, trong lúc KTTS tại vùng khơi.

Anh Thiểu bộc bạch: “Con tàu là tài sản duy nhất, để lo cho cuộc sống gia đình, nên từ ngày tàu bị chìm, tôi thành ra trắng tay. Số nợ vay tại ngân hàng vẫn chưa trả được, cộng với nợ của họ hàng; và ngân hàng thì đến hạn lại gửi giấy báo nợ.

Tôi thật sự kiệt sức! Giờ chỉ mong phía công ty bảo hiểm tàu cá, sớm đền bù bảo hiểm, để tôi có tiền trả nợ cho ngân hàng”.

Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định, đã giải ngân 163,4 tỷ đồng cho 12 chủ tàu vay theo Nghị định 67. Tổng dư nợ tính đến hết tháng 3.2019 là hơn 149,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho hay: “Cán bộ của chúng tôi đã nhiều lần gặp chủ tàu để làm việc, nhưng mãi đến nay, việc thu hồi nợ luôn gặp khó.

Bên cạnh các chủ tàu trả nợ đúng hạn, thì nhiều chủ tàu viện lý do đánh bắt không hiệu quả, trả nợ cầm chừng, thậm chí có tàu không trả nợ gốc và lãi.

Hiện, Agribank Bình Định đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, cho 6/12 chủ tàu, với số tiền gốc hơn 3,5 tỷ đồng, tiền lãi 320 triệu đồng, và tiếp tục vận động họ trả nợ vay. Nếu các chủ tàu cố tình chây ì, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm khắc hơn để thu hồi nợ”.

Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: “Chúng tôi luôn phối hợp với ngành Ngân hang, trong công tác thu hồi nợ vay “tàu 67”.

Khi ngân hàng cần yêu cầu xác minh thu nhập của các chủ tàu cá, trong mỗi chuyến biển, để có cơ sở thu hồi nợ, trong phạm vi quản lý của mình, chúng tôi đều hỗ trợ tích cực”.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện có 62 chủ tàu được vay 921 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Tính đến cuối tháng 3.2020, tổng dư nợ cho vay là 865 tỷ đồng; có 48 chủ “tàu 67” nợ quá hạn 266 tỷ đồng (126 tỷ đồng tiền gốc, 140 tỷ đồng tiền lãi).

Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Trà Dương, cho biết: “Đơn vị hiện đã lên kế hoạch thu hồi nợ “tàu 67”, và gửi các sở, ngành liên quan là thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh, tham gia góp ý kiến, để tổng hợp, báo cáo tỉnh xem xét, phê duyệt.

Sau khi UBND tỉnh phê duyệt, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương, triển khai thực hiện”.

Quảng Nam: Ngư dân phấn khởi được mùa ruốc

Những ngày gần đây, ngư dân trúng đậm mùa ruốc tại vùng biển ở xã Tam Tiến (Núi Thành).

Mờ sáng, chợ hải sản thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến) đã nhộn nhịp người mua kẻ bán. Ngoài cá, tôm thì bà con ngư dân còn rất vui mừng khi được mùa ruốc biển.

 

qn-29.jpg

Thương lái đón mua ruốc từ người dân. Ảnh: K.L

 

Ở xã Tam Hải (Núi Thành) nhưng vào mùa ruốc, tầm tháng 2 - 4 hằng năm, ông Trần Văn Đốc lại giong thuyền về biển Tam Tiến, để đánh bắt ruốc.

Ông Đốc cho biết, cứ độ 4 - 5 giờ sáng ông nổ máy ra khơi, khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ lại quay vào bờ. Tần suất này cứ lặp lại cho đến tối muộn.

Theo ông Đốc, năm nay ruốc được mùa, giá ổn định, nên từ đầu vụ đến nay ông thu hơn 100 triệu đồng. “Nghề này vất vả lắm, thu nhập thì cũng vô chừng, có lúc được lúc không. May mắn năm nay ruốc nhiều, mỗi ngày tôi đánh bắt  4 - 5 tạ, ngày nhiều nhất lên tới 2 tấn” - ông Đốc chia sẻ.

Vì trúng mùa nên ngoài những người bạn thuyền, ông Trần Văn Thạch (xã Tam Hải) còn huy động thêm vợ để phụ giúp việc đánh bắt và bán ruốc khi thuyền cập bến.

Trung bình mỗi ngày, vợ chồng ông Thạch kéo được hơn 1 tấn ruốc, từ tháng 2 đến nay thu hơn 50 triệu đồng.

Ông Thạch sử dụng thuyền nan tre, dùng 2 cây gỗ cột lưới mắt nhỏ tạo thành một chiếc vợt hình tam giác lớn để xúc ruốc. Thuyền sẽ chạy cách bờ chừng 1 hải lý, khi nào thấy luồng ruốc kéo dày đặc, thì ông hạ vợt xuống xúc và đổ lên thuyền.

Mặc dù giá ruốc tươi không cao (13 - 15 nghìn đồng/kg) nhưng sản lượng nhiều nên mang lại cho người dân nguồn thu nhập khá tốt. Điều khiến vợ chồng ông Thạch và các ngư dân khác vui hơn cả là chỉ cần thuyền cập bến, ruốc đánh bắt được bao nhiêu thương lái đều mua hết.

“Chủ yếu là những thương lái mua sỉ rồi phơi khô bán. Họ đứng đợi sẵn chờ mình, có khi chưa kịp mang ruốc vào bờ, họ đã lội ra tận thuyền để mua. Mua bán nhanh, trao ngay “tiền tươi” nên chúng tôi phấn khởi lắm!” - ông Thạch chia sẻ.

Ruốc trúng vụ, mang đến cho thương lái nguồn hàng dồi dào. Chị Nguyễn Thị Tâm - chủ cơ sở hải sản Tâm Ngãi (thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến) cho biết, mấy ngày gần đây, ngày nào chị cũng thu mua được hơn 1 tấn ruốc.

Trong đó, một phần nhỏ chị bán tươi cho các đầu mối ngay tại chỗ, phần lớn số còn lại chị thuê nhân công làm sạch, và phơi khô bán quanh năm.

“Tuy phải làm nhiều công đoạn hơn, nhưng ruốc khô bán có giá cao, tầm 30 - 40 nghìn đồng/kg, ruốc ngon lên tới 70 - 80 nghìn đồng/kg, và dễ bán, vận chuyển phân phối đi nhiều nơi, nên tôi sẵn sàng thu mua của ngư dân để tiêu thụ.

Ruốc thành phẩm được tôi bán quanh năm, trừ chi phí, tính ra có thể thu lãi gấp đôi, gấp ba so với các loại hải sản khác” - chị Tâm cho biết.

Bố Trạch: Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản tăng 4,7%

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, tuần qua, nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với giá xăng, dầu giảm mạnh đã tạo điều kiện cho hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn huyện phát triển.

 

qb-331.jpg

 Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản ở Bố Trạch tăng cao so cùng kỳ năm ngoái

 

Đặc biệt, đã tạo động lực thúc đẩy việc ngư dân ra khơi bám biển, đánh bắ thủy, hải sản xa bờ, sản lượng khai thác tăng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn huyện, hơn 6.100 tấn, tăng 4,7% so cùng kỳ.

Chỉ trong tháng 4, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng đạt trên 2.400 tấn, tăng 6,7% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng đánh bắt đạt 2.000 tấn, tăng 6,79%.

Bố Trạch tiếp tục động viên ngư dân trên địa bàn ra khơi bám biển sản xuất; đồng thời tạo điều kiện để các chuỗi liên kết sản xuất các mặt hàng thủy, hải sản tăng cường hoạt động, góp phần khôi phục phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19.   

Khôi phục kinh tế nghề biển sau dịch Covid – 19, ngư dân bám biển, đánh bắt hải sản thu sản lượng lớn, kế hoạch thu hồi nợ tàu 67 theo quy định, là những tin nổi bật trong tuần.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top