Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 9 năm 2017 | 9:15

Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô

Bộ Tài chính vừa hoàn tất dự thảo đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về một số sửa đổi, bổ sung đối với chính sách thuế nhập khẩu linh kiện ô tô giai đoạn 2018-2020.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệp của các nước trong việc xây dựng chính sách để phát triển ngành công nghiệp ô tô của các nước, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu trên cở sở bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2018 - 2022 với cơ chế khuyến khích sản xuất để tăng dung lượng thị trường và tăng tỷ lệ nội địa hoá trong công nghiệp ô tô.

Mục tiêu của Chương trình ưu đãi nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với nhà nước, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và góp phần hạn chế nhập siêu ô tô.

Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô

Đối với doanh nghiệp phụ trợ, sẽ tăng nhu cầu đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước, đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp góp phần hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu.

Đối với người tiêu dùng góp phần tạo ra thị trường ô tô giá rẻ, chất lượng cao. Duy trì ổn định tỷ lệ tăng trưởng SX,LR (sản xuất lắp ráp) đối với 02 nhóm xe của Chương trình trong giai đoạn 2018-2022 là 16% /năm (xe dưới 9 chỗ) và 18%/năm (đối với xe tải); Tăng tỷ lệ số xe SX,LR so với nhu cầu nội địa đối với 02 nhóm xe của Chương trình trong giai đoạn 2018-2022 đạt từ 80% trở lên.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đạt tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 40% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từ năm 2022 trở đi cho cả 02 nhóm xe của Chương trình (đối với mẫu xe cam kết thuộc nhóm xe dưới 9 chỗ đến năm 2018 là 20%; năm 2019 là 25%; năm 2020: 30%; năm 2021: 35%; năm 2022 là 40%; Đối với mẫu xe cam kết thuộc nhóm xe tải là năm 2018 là 10%; năm 2019 là 15%; năm 2020: 20%; năm 2021: 25%; năm 2022 là 40%).

Chương trình ưu đãi thuế 05 năm từ 2018-2022, giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 05 năm từ năm 2018-2022, có kèm theo điều kiện về sản lượng xe SXLR (sản lượng chung cho các mẫu xe và sản lượng riêng cho một mẫu xe mà 1 doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết phải đạt được hàng năm) và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp cho 02 nhóm xe là Nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi; và Nhóm xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018-2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi.

Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án giảm thuế.  Phương án 1: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 163 dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu để lắp ráp cho 02 nhóm xe về 0%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.

Phương án 2: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 02 nhóm xe từ các mức 3%, 5%, 10%, 15% 18%, 20%, 25%, 30%, 32%, 45%, 50% xuống 0% (do đây là một số linh kiện, phụ tùng trong giai đoạn tới Việt Nam chưa thể sản xuất) và giảm thuế suất của 42 dòng thuế thuộc nhóm 8708 (bộ phận và phụ kiện của xe ô tô) để lắp ráp cho 02 nhóm xe nêu trên từ các mức 15%, 20% và 25% xuống 10%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9 - 11% đối với xe dưới 9 chỗ và 7,9% đối với xe tải dưới 5 tấn.

Về ưu điểm. Cả 02 phương án đều khuyến khích doanh nghiệp SXLR ô tô được hưởng lợi thế từ Chương trình ưu đãi thuế giảm chi phí, giảm giá bán để nâng cao sự cạnh tranh so với xe ô tô nhập khẩu để tăng sản lượng tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Việc yêu cầu các doanh nghiệp cam kết về sản lượng chung tối thiểu cho các mẫu xe thuộc Chương trình sẽ phải sản xuất, lắp ráp hàng năm theo lộ trình sẽ vừa là điều kiện ràng buộc để bảo đảm ngành SXLR ô tô trong nước tăng được dung lượng thị trường với tỷ lệ tăng trưởng nhất định hàng năm, tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và phát triển sản xuất tại Việt Nam.

2 phương án Bộ Tài chính đề xuất đều có khả năng vi phạm các cam kết WTO 

Khuyến khích phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ thông qua việc tăng nhu cầu đối với linh kiện sản xuất trong nước. Với yêu cầu cam kết về sản lượng riêng cho một mẫu xe nhất định gắn với tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước phải đạt được tăng dần hàng năm đòi hỏi doanh nghiệp phải tự đầu tư công nghệ, mở rộng đầu tư sản xuất linh kiện hoặc có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp khác trở thành doanh nghiệp phụ trợ phục vụ cho hoạt động SXLR của doanh nghiệp mình.

Khi đã đạt và duy trì được một sản lượng xe nhất định cho một mẫu xe thì khi đó sẽ thu hút được các doanh nghiệp phụ trợ cho mẫu xe đó và cho các mẫu xe khác có sử dụng chung linh kiện, phụ tùng, đồng thời khuyến khích mở rộng việc cung cấp linh kiện, phụ tùng phụ trợ có khả năng dùng chung cho ngành công nghiệp khác. Đây là tác động kép của chính sách ưu đãi, Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp SXLR ô tô và doanh nghiệp SXLR ô tô sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp phụ trợ.

 Khuyến khích xuất khẩu ô tô, sự tăng trưởng nhanh chóng của sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu có thể sẽ làm thị trường Việt Nam không thể hấp thụ được hết do vậy cần khuyến khích xuất khẩu sang thị trường ASEAN và ngoài ASEAN. Việc đưa ra mục tiêu đạt được tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 40% vào năm 2022 là nhằm tạo tiền đề để xe SXLR tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường ASEAN.

So sánh 02 phương án, phương án 1 sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào nhiều hơn phương án 2, với mức độ ưu đãi thuế nhập khẩu cao hơn nên tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc đạt được sản lượng đề ra của Chương trình.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ ra nhược điểm của cả 02 phương án. Thực hiện phương án này có nhược điểm là một số doanh nghiệp không có chủ trương mở rộng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ khó khăn do không được hưởng mức thuế suất 0% khi nhập khẩu bộ linh kiện để lắp ráp, các Công ty này sẽ thu hẹp sản lượng SXLR và dần chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc để kinh doanh thương mại.

Theo đó, sẽ thu hẹp số lượng doanh nghiệp SXLR. Chưa thật sự phù hợp với Quyết định số 229/QĐ-TTg (tại Quyết định số 229/QĐ-TTg quy định duy trì mức thuế nhập khẩu ở mức trần cam kết thuế quan đối với các loại phụ tùng, linh kiện động cơ, hộp số, cụm truyền động, các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng). 

Tuy nhiên, cả 02 phương án này chỉ áp dụng trong thời hạn 05 năm và chỉ một số doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của Chương trình mới được áp dụng, các doanh nghiệp khác khi nhập khẩu vẫn phải áp dụng thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng như mức hiện hành quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Việc thực hiện 02 phương án đều có khả năng vi phạm các cam kết WTO căn cứ theo đoạn 177 Báo cáo gia nhập WTO và Điều 3.1 Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO nên có ý kiến lo ngại sẽ có khả năng bị các nước thành viên WTO khiếu kiện hoặc gặp phản ứng từ các doanh nghiệp hoặc đại sứ quán của các nước không được hưởng lợi từ các chính sách này.

Tuy nhiên, trong WTO cũng có ngoại lệ nếu việc ưu đãi thuế nêu trên là vì mục đích môi trường vì vậy, với quy định về điều kiện về tiêu chuẩn tiêu hao năng lượng và tiêu chuẩn phát thải khí thải của mẫu xe cam kết và mục tiêu của chương trình ưu đãi thuế chỉ cho xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường thì sẽ giảm khả năng vi phạm cam kết WTO tương tự như chương trình ưu đãi thuế 05 năm của Indonesia vừa thực hiện năm 2013.

Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương (vì ngành nghề sản xuất, lắp ráp ô tô là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện).

Điều kiện áp dụng. Linh kiện ô tô do doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương trực tiếp hoặc uỷ quyền, uỷ thác nhập khẩu để sản xuất và có tên trong nhóm 98.48 thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Các linh kiện (các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận) là những sản phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa được lắp ráp hoặc chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng có bản của sản phẩm hoàn thiện với mức độ rời rạc tối thiểu bằng mức độ rời rạc của linh kiện ôtô theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô.

Người khai hải quan phải đạt đủ 03 tiêu chí gồm sản lượng xe SXLR cho các mẫu xe (gọi tắt là sản lượng chung) và sản lượng cho một mẫu xe cam kết (gọi tắt là sản lượng riêng) và tỷ lệ giá trị sản xuất cho mẫu xe cam kết nêu tại lộ trình hàng năm của Chương trình thì mới được áp dụng mức thuế suất ưu đãi MFN theo quy định....

Hoàng Văn

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top