Để nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, bà con nơi đây đang nỗ lực để khẳng định thương hiệu của mình.
Cà phê OCOP 4 sao Di Linh
Sau 2 năm thành lập, ZiliCoffee thuộc Công ty TNHH cà phê rang xay Phu Đoan (xã Liên Đầm, huyện Di Linh) đã khẳng định thương hiệu của mình.
Cà phê Phu Đoan đã thành sản phẩm OCOP 4 sao
Đồng thời, đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, với “tấm vé thông hành” này cà phê ZiliCoffee có thêm sức mạnh vươn ra thị trường thế giới.
Năm 2020, huyện Di Linh có 44.598ha cà phê với sản lượng 130.000 tấn. Diện tích cà phê được chuyển đổi giống: 27.620ha; trong đó, trồng lại 12.420ha và ghép cải tạo 13.200ha.
Ông Đặng Văn Khá - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Di Linh cho biết: Với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, Di Linh ngày càng khẳng định chất lượng cà phê, nhờ các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp liên kết với nông dân... hướng tới sản phẩm hữu cơ.
Trong năm2020, cà phê Di Linh có 5 sản phẩm được công nhận OCOP, gồm: 3 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao. Trong đó, cà phê thương hiệu ZiliCoffee thuộc Công ty TNHH cà phê rang xay Phu Đoan, đang chiếm ưu thế, và có khả năng phát triển hơn nữa, so với với sản phẩm OCOP của địa phương.
Thành lập vào cuối năm 2018, ZiliCoffee dựa trên sự yêu thích và đam mê nghiên cứu cà phê của địa phương. Từ những hạt cà phê xuất phát từ nguồn giống Robusta cũ thời Pháp, năm 2020, Công ty TNHH Phu Đoan được chọn làm sản phẩm O COP và đạt chuẩn 4 sao.
Chị Bùi Thị Lê Uyên - Quản lý tại Công ty TNHH cà phê rang xay Phu Đoan cho hay: Để cà phê Di Linh trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng riêng biệt, chúng tôi đã có ZiliCoffee, gồm bộ sản phẩm cà phê bột với các dòng như Rubusta, Arabica ở dạng nguyên chất.
Sản phẩm được phối chế với các công thức khác nhau, với một quy trình chế biến đồng bộ, khép kín, hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ nghiêm ngặt. Từ đó, tạo nên sản phẩm ZiliCoffee độc đáo, mang hương vị đặc trưng, đậm đà không nơi nào có được.
Song song đó, đơn vị tiến hành ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại, để nâng cao chất lượng cà phê của địa phương. Theo đó, cà phê được ZiliCoffee tuyển chọn, kết nối từ vùng nguyên liệu sản xuất, hiện, công ty đã liên kết với 50 hộ dân, với diện tích trên 30 ha tại xã Liên Đầm.
Bên cạnh ký hợp đồng, Công ty đặt tiêu chí thu mua theo tiêu chuẩn cà phê 4C, VietGAP theo quy trình hữu cơ (Ogarnic) hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV và phân bón vô cơ.
Theo chị Uyên: Đến nay, ZiliCoffee đã hoàn thiện khu sơ chế cà phê trong nhà kính và xưởng chế biến sản xuất đạt chuẩn ISO 22000:2018, đáp ứng được nhu cầu cà phê rang và nhân xanh xuất khẩu, tiêu thụ trong nước.
Được phân loại, đánh giá và sàng lọc theo quy trình khép kín từ đầu vào đến đầu ra, sản phẩm ZiliCoffee của Công ty đảm bảo 4 yếu tố: chất lượng cao, có phẩm chất riêng của cà phê bản địa, phù hợp nhiều hình thức pha chế và nguồn gốc sản xuất.
Sản phẩm được làm với các bước chặt chẽ: quả hái chín - xử lý tạp chất - ngâm rửa - phơi trên hệ thống dàn trong nhà kính - chế biến - sản phẩm (cà phê bột) - đóng gói - tiêu thụ.
Năm 2020, cà phê ZiliCoffee đạt 10 tấn/tháng, tương đương khoảng 120 tấn/năm và đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ và các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ...
Phòng Nông nghiệp và PTNT Di Linh cho biết thêm: Đồng hành cùng Công ty TNHH Phu Đoan, huyện Di Linh sẽ tạo mọi điều kiện để Công ty nâng tầm nhìn chiến lược. Mong rằng, đến năm 2030, ZiliCoffee sẽ là một trong những nhà cung ứng cà phê rang xay hàng đầu của Việt Nam và xuất khẩu ổn định sang EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...
Thời gian tiếp theo, đơn vị sẽ tiếp tục liên kết với nông dân, tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập. Đơn vị thực hiện nghiêm các quy trình chuẩn để tạo ra hạt cà phê, hướng tới sản xuất sạch, đồng thời, ZiliCoffee đang cố gắng để xây dựng thương hiệu của mình.
Cà phê sạch giá bình dân ở Kon Tum
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh ở TP. Hồ Chí Minh, anh Trịnh Tuấn Kiệt, không ở lại thành phố lập nghiệp như nhiều thanh niên khác, mà quyết định về TP. Kon Tum xây dựng thương hiệu cà phê sạch, nguyên chất, mang hương vị Tây Nguyên với “giá bình dân” để bán cho khách hàng.
Anh Kiệt và các sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất giá rẻ. Ảnh: Đ.T
Và, chỉ sau gần 1 năm thành lập, thương hiệu cà phê của Kiệt đã có mặt ở nhiều địa phương trên cả nước.
Theo đó, khi về quê Kiệt ở nhà phụ bố mẹ trồng cà phê và buôn bán. Tháng 1/2020, gia đình mở quán cà phê nhỏ mang tên Green Highland (Cao nguyên xanh) tại số 72, đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Thống Nhất, Tp Kon Tum).
Được bố mẹ giao quản lý quán cà phê, Kiệt có cơ hội tiếp xúc và biết được thói quen uống cà phê của khách hàng. Để mở ra chiến lược kinh doanh lâu dài và hiệu quả, Kiệt đã khảo sát tại nhiều quán cà phê khác nhau ở Tp Kon Tum và các huyện trên địa bàn.
Nhận thấy nhu cầu uống cà phê sạch, nguyên chất trong tỉnh rất lớn, nhưng một ly cà phê loại này thường có giá bán cao, và các quán cũng hay bán cà phê trộn từ các thương hiệu, với các nguồn hàng khác nhau.
Song, các loại cà phê này đều có hương liệu và các chất phụ gia khác, kèm theo hóa chất, không tốt cho sức khỏe, Kiệt nảy sinh ý tưởng xây dựng một thương hiệu cà phê sạch, nguyên chất, nhưng có giá bán bình dân, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê của khách.
Thế là Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tây Nguyên Xanh với các dòng sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất, được Kiệt thành lập để hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Để có vùng nguyên liệu sản xuất, ngoài 10ha cà phê vối (cà phê robusta) của gia đình, Kiệt còn kết nối với người dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP của một Hợp tác xã ở huyện Đăk Hà, với lượng thu mua trung bình 20 tấn cà phê nhân/năm.
Có vùng nguyên liệu, Kiệt “khăn gói” lên đường học hỏi kinh nghiệm sản xuất cà phê sạch, nguyên chất, ở các tỉnh và tìm kiếm người rang cà phê lâu năm, có trình độ về làm cho công ty.
Để sản phẩm có bao bì đẹp và logo nhận diện là hình tròn, kèm biểu tượng nhà rông Tây Nguyên, Kiệt đã bắt tay với một đơn vị thiết kế bao bì chuyên nghiệp ở Tp Hồ Chí Minh.
Để có hương vị cà phê riêng biệt, đặc trưng và nguyên chất, Kiệt tự nghiên cứu và pha trộn nhiều tỷ lệ khác nhau, giữa 3 loại cà phê robusta (loại có hương vị đắng đậm), arabica (hương vị chua nhẹ và thơm nhiều) và culi (cà phê có hương vị đắng hơn robusta).
Với sự giúp đỡ tài chính của gia đình, Kiệt đã đầu tư hơn 600 triệu đồng mua các loại máy rang, xay, trộn, đảo, đóng gói bao bì, và xây dựng nhà xưởng, có diện tích hơn 100m2 (tại số 408, đường Duy Tân, phường Duy Tân, Tp Kon Tum) với công suất tối đa 1 ngày/ 480kg cà phê bột (tương đương 1.920 gói loại 250g hoặc 960 gói loại 500g) và 480kg cà phê hạt (tương đương 480 gói loại 1kg, hoặc 960 gói loại 500g).
Song song với việc phát triển sản phẩm, Kiệt chú trọng vào quảng bá bằng cách đi mời chào tại các quán cà phê trên địa bàn, tìm kiếm và kết nối với những nhà phân phối ở các tỉnh.
Đến nay, ngoài gian hàng trưng bày tại quán cà phê của gia đình, các sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất mang thương hiệu do Kiệt thành lập đã xuất hiện tại các cửa hàng ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh…).
Các sản phẩm có mức giá phù hợp, nên trung bình hàng tháng, mỗi cửa hàng tại các tỉnh, thành phố tiêu thụ khoảng 700 gói cà phê hạt và bột các loại.
Với nỗ lực không ngừng, Kiệt còn đưa 2 dòng sản phẩm chủ lực gồm cà phê hạt và bột mang thương hiệu “Green Highland Coffee” đi dự thi đánh giá, phân hạng và được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao vào cuối năm 2020.
Trịnh Tuấn Kiệt tâm sự rằng, với mục tiêu giúp nhiều người được thưởng thức ly cà phê ngon và an toàn cho sức khỏe, trong thời gian tới, Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tây Nguyên Xanh sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu với lượng thu mua lên 50 tấn cà phê nhân/năm.
Nghiên cứu, phát triển và đưa vào sản xuất 2 dòng sản phẩm mới là cà phê hòa tan và cà phê dược liệu; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, kết nối với các nhà phân phối để mở rộng thị trường.
Phát triển hồ tiêu chất lượng cao ở Đắk Nông
TP. Gia Nghĩa quy hoạch ổn định diện tích hồ tiêu đến năm 2025 ở mức 1.500 ha, và định hướng phát triển theo hướng hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Cây trụ sống tạo không khí ổn định cho vườn hồ tiêu của bà Lân
Vụ hồ tiêu 2021, trong khi hầu hết nhà nông mất mùa thì vườn hồ tiêu 1 ha của gia đình bà Kiều Thị Lân ở phường Nghĩa Trung (TP Gia Nghĩa) vẫn được mùa, chất lượng cao.
Những ngày thu hoạch rộ, ngoài 2 vợ chồng, bà phải thuê thêm 8 người hái tiêu trong 1 tuần mới xong. Bà Lân cho biết, tiêu được mùa, thu khoảng 5 tấn, nên dù giá bán không cao, nhưng cũng bù được chi phí, có tiền tái đầu tư.
Theo bà Lân, lý do để nhiều năm nay, vườn hồ tiêu của gia đình luôn ổn định, năng suất ở mức khá cao, là do bà trồng hồ tiêu hữu cơ. Trong đó, phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, phân bò ủ hoai mục. Toàn bộ vườn tiêu đều có trụ sống, để dây tiêu leo bám và theo mùa đều thực hiện việc cắt, tỉa cây che bóng.
Cây trụ sống có tác dụng rất tốt trong việc điều hòa không khí, môi trường, nhất là vào mùa khô, giúp che bớt nắng, đỡ khô hạn.
Song, khi mùa mưa đến, bà chú ý cắt tỉa bớt cành cây che bóng, để tạo thông thoáng, hạn chế phát sinh sâu bệnh, nấm do độ ẩm cao.
Sâu bệnh chủ yếu phát sinh vào mùa mưa, nên gia đình thường xuyên thăm vườn, cắt bỏ cành sâu, dây lươn. Khi phát hiện những dấu hiệu bệnh của tiêu, gia đình đã xử lý dứt điểm, bằng các phương pháp như cắt bỏ, đưa ra khỏi vườn, hay thậm chí đào bỏ cây bệnh.
Bà Lân nhấn mạnh: "Việc sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, được hạn chế đến mức thấp nhất. Có năm gia đình không cần sử dụng phân hóa học, mà chú ý các sản phẩm nguồn gốc hữu cơ, sinh học nên vườn tiêu có sức đề kháng cao.
Ngoài ra, không cuốc cỏ, hay làm cỏ trắng ở gốc tiêu, chủ yếu cắt cỏ, thậm chí giữ cỏ để tăng độ ẩm, tạo sự tơi xốp cho đất”.
Tương tự, anh Bùi Văn Tín, thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’Moan có 1,2 ha hồ tiêu hữu cơ. Trong khi nhiều hộ quanh vùng mất mùa, năm nay vườn tiêu của anh vẫn đạt năng suất khá, khoảng 4 tấn/ha. Hiện, anh đang tập trung thu hoạch để kịp thời vụ.
Anh Tín cho biết, làm hồ tiêu hữu cơ không chỉ ở chăm sóc, giai đoạn thu hái cũng rất quan trọng, hái phải quả chín tỷ lệ cao. Dụng cụ đựng, phơi sấy tiêu phải vệ sinh sạch sẽ, phơi sấy đúng cách mới đạt độ ẩm như ý.
Khi đó sản phẩm mới có chất lượng, nâng tính cạnh tranh. "Hai năm nay, tôi đều bán tiêu với giá cao hơn thị trường khoảng 16.000 đồng/kg", anh Tín tiết lộ.
Theo Phòng Kinh tế-Hạ tầng Gia Nghĩa, gần đây, diện tích hồ tiêu dần ổn định. Gia Nghĩa phát triển nông nghiệp nói chung và hồ tiêu nói riêng theo hướng khai thác hợp lý, bền vững tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường, tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Việc ứng dụng công nghệ cao như chăm sóc, tưới nước, tổ chức san xuất, liên kết chuỗi sản xuất được thành phố coi trọng. Đến 2025, Gia Nghĩa sẽ ổn định diện tích hồ tiêu 1.500 ha, năng suất đạt 4 - 4,5 tấn/ha. Các vùng quy hoạch tiêu gồm: Đắk R’Moan, Đắk Nia, Quảng Thành và 1 phần phường Nghĩa Phú.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.