Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 2 năm 2021 | 16:37

Các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung gieo cấy vụ đông xuân

Hiện, thời tiết đã ấm dần, nên nông dân các địa phương đang tập trung sản xuất vụ đông xuân. Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sợ nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân nên năng suất lúa đều đạt sản lượng cao.

Điện Biên đã gieo cấy được hơn 7.363ha

Năm 2021, tỉnh Điện Biên dự kiến gieo cấy 9.593ha. Ðến nay, đã hoàn thành gieo cấy 7.363ha, đạt 76,75% kế hoạch giao; bị chậm tiến độ khoảng 814,5ha so với kế hoạch do ảnh hưởng của 2 đợt rét đậm, rét hại liên tiếp. Bên cạnh đó đợt rét đậm, rét hại đã khiến 87,5ha lúa đông xuân mới gieo bị thiệt hại trên 70%, tập trung tại các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Mường Ảng và TP. Ðiện Biên Phủ.

 

dien-bien-giao-cay.jpg

Người dân thôn Sín Sủ 1, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) gieo cấy lúa đông xuân năm 2021. Ảnh: Nhật Phương

 

Ông Trần Sỹ Quân, Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Hiện, Sở tập trung tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các địa phương sớm hoàn thành gieo cấy các trà lúa đông xuân theo đúng lịch thời vụ. Sở đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương làm tốt công tác dự báo, chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án dự phòng nên khi có hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra, gây thiệt hại cho các trà lúa, người dân đã chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời, đảm bảo kế hoạch sản xuất. Đến nay, 100% diện tích lúa bị thiệt hại đã được người dân khắc phục, các trà lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh sản xuất lúa đông xuân, các địa phương tập trung chăm sóc và thu hoạch các loại cây trồng vụ đông: 188,7ha ngô đồng đã thu hoạch được 74,5ha, năng suất bình quân 53,8 tạ/ha, sản lượng đạt 401,0 tấn; cây sắn đã thu hoạch 7.633,4/8.251ha, năng suất ước đạt 88,9 tạ/ha; cây lạc đông và các cây vụ đông khác đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt.

Ðến ngày 30/1, TP. Ðiện Biên Phủ đã hoàn thành gieo cấy 570ha lúa đông xuân. Tuy nhiên, đợt rét đậm rét hại vừa qua đã gây thiệt hại cho 23,5ha lúa. Do đó, hiện nay nông dân TP. Ðiện Biên Phủ đang làm đất và gieo cấy lại những diện tích lúa bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Tân, đội 3, phường Thanh Trường cho biết: Sau 2 đợt rét đậm, rét hại vừa qua, gia đình có khoảng 40% diện tích lúa bị chết rét, phải gieo cấy lại. Thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan đã được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương dự báo và hướng dẫn bà con nông dân từ đầu vụ nên quá trình chuẩn bị sản xuất, tôi đã chuẩn bị dự phòng giống, vật tư nông nghiệp. Nay, tôi đang chuẩn bị xuống giống lần 2 đối với những chân ruộng lúa bị chết rét.

Theo bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tủa Chùa: Ðể hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất vụ đông xuân, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã vận động người dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, vệ sinh đồng ruộng để xuống giống đúng lịch thời vụ; khuyến cáo người dân sử dụng giống có chất lượng cao, chuyển đổi những diện tích nương kém hiệu quả sang trồng cây khác; nhân rộng mô hình cấy lúa bằng máy cấy tại các xã Mường Báng, Sính Phình.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, vụ đông xuân thời tiết diễn biến phức tạp, vì vậy cây trồng rất dễ mắc một số loại sâu bệnh. Ðơn cử như thời tiết rét đậm rét hại, cây lúa sinh trưởng phát triển chậm, nhiều diện tích chuyển vàng, lá trắng. Các đối tượng sinh vật gây hại chủ yếu là ốc bươu vàng; ngoài ra còn các bệnh tuyến trùng, nghẹt rễ, rệp xanh…

Trên ngô đông xuất hiện sâu keo mùa thu, chuột, đốm lá lớn, đốm lá nhỏ, khô vằn; trên cây rau xuất hiện sâu khoang, sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy gây hại, bệnh mốc sương, héo xanh.

Vì vậy, cùng với việc tập trung sản xuất, người dân cần chú trọng kiểm tra, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất.

Văn Yên sẵn sàng vụ mới

Năm 2021, huyện Văn Yên (Yên Bái) phấn đấu gieo cấy 2.950 ha lúa xuân, phấn đấu năng suất đạt 54,2 tạ/ha, sản lượng đạt gần 16.000 tấn. Cơ cấu giống gồm các giống như: Nhị ưu 838, Nghi hương 305, Hương Chiêm, HT1, TRB225, Thiên ưu 8, JO2...

 

nong-dan-van-yen.jpg

Nông dân huyện Văn Yên gieo mạ vụ xuân. Ảnh: Báo Yên Bái

 

Trên cánh đồng thôn Nghĩa Giang, xã Lang Thíp, gia đình ông Nguyễn Doãn Hòa đang tập trung làm đất để gieo mạ. Ông Hòa cho biết: "Gia đình tôi có 1,5 mẫu ruộng. Vụ xuân này, gia đình tôi tập trung gieo cấy toàn bộ diện tích bằng giống lúa Hương Chiêm. Gia đình tôi chuẩn bị chu đáo từ khâu ngâm ủ giống đến gieo mạ và tuân thủ nghiêm kế hoạch gieo cấy theo chỉ đạo của xã”. 

Vụ xuân 2021, xã Lang Thíp phấn đấu gieo cấy 160 ha lúa; trong đó, lúa lai chiếm 60% diện tích, còn lại là giống lúa thuần chất lượng cao. 

Ông Lê Minh Lập – Chủ tịch UBND xã Lang Thíp cho biết: "Theo kế hoạch, toàn bộ diện tích lúa xuân sẽ gieo cấy sau tết Nguyên đán, do đó, ngoài việc chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ đông, giải phóng đất, xã còn hướng dẫn nhân dân kỹ thuật thâm canh cải tiến như: cấy thưa, bón phân đúng quy trình; đồng thời, kiên quyết chỉ đạo nhân dân không gieo cấy sớm, trước thời vụ để tránh tình trạng lúa bị sâu, bệnh, ảnh hưởng đến năng suất”. 

Năm 2021, huyện Văn Yên phấn đấu gieo cấy 2.950 ha lúa xuân, phấn đấu năng suất đạt 54,2 tạ/ha, sản lượng đạt gần 16.000 tấn. Cơ cấu giống gồm các giống như: Nhị ưu 838, Nghi hương 305, Hương Chiêm, HT1, TRB225, Thiên ưu 8, JO2... 

 

Để đạt mục tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương vận động nhân dân tập trung thu hoạch vụ đông để khẩn trương làm đất gieo cấy lúa xuân; hướng dẫn nông dân chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ che chắn phòng chống rét cho mạ; tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày, đêm xuống dưới 15 độ C; điều tiết nước, bón phân cân đối, hợp lý; tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh, phân vi lượng, vôi bột để tăng khả năng chống chịu, phòng chống sâu, bệnh hại, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho cây lúa. 

Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Huyện xác định vụ xuân năm nay sẽ khó khăn do hạn hán, rét đậm, rét hại, tình trạng thiếu nước sản xuất có thể xảy ra. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tập trung nạo vét kênh mương, gia cố các công trình đầu mối. 

Các xã cần xây dựng và chỉ đạo nghiêm túc lịch gieo cấy để điều tiết nước hợp lý; đồng thời, thực hiện việc tưới luân phiên và áp dụng tiến bộ kỹ thuật làm mạ khay, mạ sân để tiết kiệm nước. 

"Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi cần phối hợp với UBND các xã lập quy trình điều tiết nước các hồ chứa, xây dựng phương án cấp nước, phương án chống hạn để chủ động phòng chống hạn; có kế hoạch chăm sóc, phòng chống sâu, bệnh cho toàn bộ diện tích lúa sau cấy ”, ông Thủy nói. 

Bản Bo vượt khó sản xuất vụ đông xuân

Đợt rét đậm, rét hại đầu tháng 1 vừa qua, trên địa bàn xã Bản Bo (Tam Đường, Lai Châu) có 2ha lúa vụ đông xuân chết rét. Người dân đang khắc phục thiệt hại, đảm bảo tiến độ sản xuất đúng lịch thời vụ.

 

ban-bo.jpg

Nông dân xã Bản Bo cấy lúa đông xuân. Ảnh: Báo Lai Châu

 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Đèo Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: “Thời điểm này năm trước, xã cơ bản hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân. Năm nay, bà con bị thiệt hại một số diện tích lúa mới cấy do rét đậm. Hiện, UBND xã chỉ đạo các bản hướng dẫn nông dân gieo mạ che phủ nilon, vệ sinh ruộng, diệt ốc bươu vàng. Khi cây mạ đủ điều kiện, tiến hành cấy lúa đảm bảo tiến độ, khung thời vụ sản xuất”.

Trên các cánh đồng của xã, bà con tranh thủ thời tiết nắng ấm, ra đồng chăm sóc mạ, cấy lúa. Kế hoạch vụ đông xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 151ha lúa chủ yếu các giống: lúa nếp, LC270, 838, đại dương 1 và tám thơm. Từ đầu vụ (tháng 12/2020), xã tuyên truyền, vận động bà con đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo mạ có che phủ nilon và cấy lúa sớm hơn so với các xã trên địa bàn huyện. Khi bà con vùng lân cận đang làm đất (thời điểm rét đậm đầu tháng 1), người dân nơi đây gieo cấy đạt trên 80% diện tích. Do rét đậm, 2ha lúa đông xuân bị chết, cán bộ chuyên môn huyện, xã hướng dẫn bà con khẩn trương gieo mạ, khắc phục diện tích lúa chết rét. Dự kiến cuối tháng 2, xã sẽ kết thúc cấy lúa đông xuân.

Anh Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường đánh giá: “Bản Bo là xã đi đầu trong vận động Nhân dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất lúa đông xuân. Vì vậy, khi thiệt hại lúa do rét đậm, rét hại cũng không ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất. Đến nay, nông dân cơ bản khắc phục, gieo cấy đúng khung lịch thời vụ”.

Sơn La: Tập trung sản xuất lúa xuân muộn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang bước vào sản xuất vụ lúa xuân. Do diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất lúa xuân muộn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao với các giống kháng bệnh tốt.

 

son-la.jpg

Nông dân xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) cấy lúa Xuân.

 

Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 15.500 ha; trong đó, diện tích lúa xuân đạt 12.500 ha; ngô trên 1.000 ha (bao gồm cả ngô ủ ướp và ngô thương phẩm); 2.000 ha rau màu. Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều công văn, kế hoạch hướng dẫn cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng vụ xuân 2021.

Đến nay, tình hình sản xuất cây trồng vụ xuân trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, kế hoạch sản xuất cây màu, gieo trồng một số diện tích lúa xuân chính vụ ở vùng ấm; tập trung chuẩn bị các điều kiện về giống, phân bón, vật tư  cho trà xuân muộn gieo trồng đảm bảo thời vụ, đạt hiệu quả cao. Các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, thực hiện đồng bộ các các biện pháp cụ thể, đảm bảo về thời vụ, cơ cấu giống gieo trồng. Hệ thống kênh mương nội đồng được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc hình thành các HTX sản xuất nông nghiệp theo chuỗi sản xuất đã góp phần quan trọng vào việc sản xuất với quy mô lớn, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất vụ xuân luôn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thời tiết, sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng. Việc thực hiện liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chưa nhiều; giá thành sản xuất đầu vào còn cao nên thu nhập chưa ổn định. Thị trường tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn bấp bênh, không ổn định nên ảnh hưởng tới quá trình tiêu thụ sản phẩm của người dân.

Do đó, vụ xuân năm nay, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất tập trung vào lúa trà xuân muộn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, các giống kháng bệnh tốt. Theo đó, về cơ cấu giống, ưu tiên sử dụng những giống ngắn ngày hoặc cực ngắn và những giống có khả năng chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi như hạn hán. Bố trí thời vụ gieo cấy lúa trà xuân muộn, áp dụng các biện pháp phòng, chống rét cho mạ, lúa mới cấy; bố trí lịch gieo cấy phù hợp với từng địa phương để tránh những tác động của hạn hán đến những thời kỳ sung yếu của cây lúa làm giảm năng suất lúa.

Nông dân Tuyên Quang “chạy đua” với thời vụ

 

tuyen-quang.jpg

Người dân thôn Đồng Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn, Tuyên Quang) đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa xuân trước khi Tết đến Xuân về. Ảnh: Báo Tuyên Quang

 

Dù cận Tết, bà con nông dân trong tỉnh đồng loạt ra đồng, dồn sức làm đất, gieo cấy “chạy đua” kịp khung thời vụ để yên tâm đón Tết.

Cánh đồng thôn Đồng Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) ngày 26 Tết rộn rã tiếng máy làm đất vang rộn, cánh đàn ông gánh mạ rải khắp ruộng.  Sẵn mạ, các bà, các chị thoăn thoắt tay cấy. Ông La Văn Thư phấn khởi cho biết, không còn nhiều thời gian cho khung lịch cấy, bà con trong thôn hỗ trợ, đổi công cho nhau từ làm đất đến gieo cấy, tiến độ được đẩy nhanh hơn rất nhiều. Hơn 4 sào ruộng của gia đình ông Thư từ làm đất đến gieo cấy chỉ mất có 1 ngày. Cách đó không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Mến cũng “chạy đua” với thời gian để gieo cấy lúa xuân. Chị Mến chia sẻ, gia đình có 5 sào ruộng, gia đình đã cấy được gần 4 sào, phấn đấu cấy hết diện tích xong trước ngày 28 Tết.

Bà con nông dân xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) tất bật “bám trụ” đồng quyết tâm xuống giống hết diện tích trước khi Tết đến xuân về. Chị Trần Thị Hương, thôn Kim Ninh, xã Vĩnh Lợi cho biết, thời tiết ấm lên tranh thủ làm, xuống giống sớm ngày nào hay ngày đó, ra Giêng mạ già khó cấy có khả năng “mất ăn” vì không đúng thời vụ.

Phản ánh của bà con nông dân đầu vụ thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài không thể xuống giống trà chính vụ, chỉ còn trà xuân muộn, trong khi  khung lịch trà muộn đến ngày 25-2 (tức ngày 14 tháng Giêng) kết thúc. Như vậy, thời gian không còn nhiều, điều này càng làm cho không khí sản xuất thêm bận rộn, gấp gáp và vội vã hơn. Để bảo đảm tiến độ cũng như khung lịch thời vụ bà con nông dân sẽ phải cấy “xuyên” Tết.  

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, sản xuất gấp gáp, song nhờ chủ động và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên tiến độ đang được đẩy nhanh, hầu hết bà con đất làm đến đâu lúa được gieo cấy xuống đến đó, không có hiện tượng mạ chờ ruộng hay ruộng chờ mạ. Tính đến ngày 7-2, toàn tỉnh đã có 4.000 ha lúa xuân được gieo cấy, đạt 21% kế hoạch, chủ yếu tập trung tại Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn và Hàm Yên.

Ông Thanh nhấn mạnh, tiến độ gieo cấy đang được đẩy nhanh, tuy nhiên vẫn còn diện tích lớn chưa được xuống giống, trong khi khung lịch thời vụ không còn nhiều. Do đó, chính quyền các địa phương, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố phải vào cuộc tích cực, theo dõi, đôn đốc bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ, vui xuân đón Tết song phải đảm bảo sản xuất. Những diện tích không thể gieo cấy trong Tết, bà con tranh thủ làm đất sớm, ngay sau Tết là bắt tay vào gieo cấy để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất.

Theo kế hoạch vụ xuân năm 2021 toàn tỉnh gieo cấy gần 18.600 ha lúa, tương đương với năm 2020,  phấn đấu đạt năng suất 68 tạ/ha trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, ngoài các giống truyền thống như Bắc thơm 7, Hương thơm, Nàng xuân, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đưa một số giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: LT2-KBL, J02… vào gieo cấy, bảo đảm vụ xuân thắng lợi.           

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top