Xoài là 1 trong 5 ngành hàng được chọn để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.
Trong thời gian qua, xoài được bán tươi, chưa qua chế biến và tiêu thụ trong nước. Hiện, xoài Đồng Tháp đã được giới thiệu và xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Mỹ… Xoài chế biến (xoài sấy, bột, nghiền, nước ép hoặc sữa xoài...) là xu hướng mới, có nhiều tiềm năng cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp.
Nhiều tiềm năng
Theo ước tính bước đầu của Cục Trồng trọt năm 2020, Việt Nam diện tích xoài đạt 111.581 ha, tăng 11.236 ha, sản lượng 892.688 tấn. Trong đó đồng bằng sông Cửu Long diện tích 47.792 ha, tăng 4.458 ha, sản lượng 556.221 tấn. Đồng Tháp có diện tích xoài đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long đạt 12.171 ha (26%), An Giang 11.896 ha (25%), Vĩnh Long 4.930 ha (10%), Tiền Giang 3.660 ha (8%), Hậu Giang 3.55 ha (7%), TP. Cần Thơ 2.896 ha (6%), Sóc Trăng 2.166 ha (5%), Kiên Giang 2.076 ha (4%)…
Phân bố diện tích xoài ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2017 và 2018 (Nguồn: Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT)
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam hơn 180 triệu USD, chỉ chiếm 1,15% tổng xuất khẩu xoài thế giới. Thị trường xuất khẩu xoài Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc (83,9%), đạt gần 152 triệu USD; kế đến là thị trường Nga, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, EU, Australia, Nhật Bản…
Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài, sản lượng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD; có trên 70% cơ sở chế biến bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến…
Xuất khẩu xoài của Việt Nam từ năm 2015 đến 2020 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Xoài là 1 trong 5 ngành hàng được chọn để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Tổng diện tích trồng xoài tính đến cuối năm 2020 là 12.171 ha, gồm 3 giống chủ lực: xoài cát Chu (5.112 ha, chiếm 42% tổng diện tích), xoài Tượng da xanh (3.408 ha, chiếm 28% tổng diện tích) xoài cát Hòa Lộc (2.434 ha, chiếm 20% tổng diện tích). Ngoài ra còn có các giống xoài khác như: xoài Keo, xoài Úc,… Xoài được trồng ở 12/12 huyện/thành của tỉnh Đồng Tháp, tập trung ở huyện Cao Lãnh (4.100 ha), thành phố Cao Lãnh (3.496 ha), huyện Thanh Bình (1.727 ha), huyện Lấp Vò (1.300 ha).
Trong thời gian qua, địa phương đã chú trọng cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia bên trong ngành hàng xoài để nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho người trồng xoài.
Diện tích, năng suất, sản lượng và cơ cấu giống xoài Đồng Tháp (Sở Nông nghiệp & PTNT Đồng Tháp 2020).
Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Đồng Tháp đã triển khai các biện pháp sau để cải thiện chuỗi giá trị ngành hàng xoài.
Phát triển diện tích xoài rải vụ
Trong 10 năm theo dõi sản lượng và biến động giá cho thấy mùa xoài tập trung từ tháng 8 - 12 dương lịch, với đỉnh cao là tháng 9. Biến đông giá xoài không đi theo sản lượng, giá xoài bắt đầu tăng từ tháng 10 và đạt đỉnh cao vào tháng 1 lúc cận tết, sau đó hạ dần đến tháng 6 có giá thấp nhất, cũng trùng với thời điểm sản lượng xoài ở mức thấp do hết mùa. Biến động giá xoài không đi ngược với biến động sản lượng qua các tháng mà dưa vào sức mua của thương lái, đặc biệt của thị trường Trung Quốc.
Biến động sản lượng và giá xoài qua các tháng tại Đồng Tháp (nguồn: Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp)
Việc trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp nhà vườn thu nhập cao hơn. Đồng Tháp đã triển khai xây dựng các điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn gắn với liên kết tiêu thụ cho nhà vườn nắm được kỹ thuật sản xuất rải vụ nhằm tạo cho sản lượng xoài được phân bổ quanh năm, đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm tình trạng cung vượt cầu.
Đồng Tháp bắt đầu triển khai chương trình rải vụ xoài từ năm 2015, bắt đầu bằng mô hình trình diễn, hoàn thiện quy trình điều khiển ra hoa trái vụ. Năm 2015 với diện tích xoài rải vụ ban đầu là 2.800 ha đến năm 2020 đã phát triển lên 8.000 ha.
Về mặt kinh tế, năng suất bình quân của xoài cát Chu đạt 5,4 tấn/ha, xoài cát Hòa Lộc 2,7 tấn/ha; giá thành sản xuất xoài cát Chu 12.469 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 22.720 đồng/kg; Giá bán xoài cát Chu trung bình 24.000 đồng/kg, cao hơn mùa thuận 6.000-8.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc trung bình 70.000 đồng/kg cao hơn mùa thuận từ 10.000-20.000 đồng/kg. Lợi nhuận bình quân: Xoài cát Chu 60,5 triệu đồng/ha và cát Hòa Lộc 127,7 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 50% so với vụ thuận.
Tăng trưởng diện tích xoài rải vụ và phân tích hiệu quả kinh tế của xoài vụ nghịch và vụ thuận (Sở Nông nghiệp & PTNT Đồng Tháp 2020)
Hỗ trợ chứng nhận GAP, an toàn thực phẩm và xây dựng mã vùng trồng
Đến cuối tháng 3/2021, diện tích thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) GlobalGAP trên xoài 42,7 ha), VietGAP 320,4 ha, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 16,6 ha
Cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu:
Đối với thị trường các nước phát triển: 44 mã số vùng trồng cây ăn trái với tổng diện tích 1.033,4 ha. Trong đó: có 38 mã vùng trồng xoài với diện tích 977,6 ha và 6 mã vùng trồng nhãn với diện tích 55,8 ha.
Đối với thị trường Trung Quốc: 95 mã số vùng trồng cây ăn trái với tổng diện tích 4.835 ha, trong đó: có 69 mã vùng trồng xoài với diện tích 4.228,6 ha; 10 mã vùng trồng nhãn với diện tích 304,9 ha; 14 mã vùng trồng mít với diện tích 283,3 ha; 02 mã vùng trồng thanh long với diện tích 20 ha và 12 mã số cơ sở đóng gói quả tươi.
Hiện, có 383 cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật đạt chứng nhận đủ điều kiện ATTP, trong đó có 47 cơ sở sản xuất, chế biến rau củ quả. Tuy nhiên, đa phần là cơ sở nhỏ lẽ, quy mô trung bình trở lại, chỉ có một số cơ sở đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu như: Cty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức, Công ty CPXNK Nguyên Hậu, Công ty TNHH Rau quả Hùng Hậu, Công ty TNHH Quang Vinh Food, Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Phụng…do đó nhu cầu kêu gọi đầu tư về công nghệ chế biến sau thu hoạch ngành hàng rau củ quả hiện nay rất cao.
Diện tích xoài đạt chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, an toàn thực phẩm và cấp mã vùng xuất khẩu qua Trung Quốc và các nước phát triển (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Đồng Tháp)
Tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ
Để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị, tỉnh đã thành lập được 4 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết cung cấp cho: Công ty Long Uyên, Công ty Injae Corporation – Hàn Quốc, Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong, Công ty TNHH Cuộc sống tốt lành – good life, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức. Ngoài chợ đầu mối trái cây ở Mỹ Hiệp còn có 75 điểm thu mua nông sản vừa tiêu thụ trong nước và xuất qua Trung Quốc.
Ngoài xoài trái tươi loại 1 xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, New Zealand…. một số công ty còn thu mua xoài loại 2 chế biến dạng gọt đông lạnh (Long Uyên) và loại 3 để sấy dẽo (Việt Đức). Như vậy, nếu sắp xếp liên kết tốt, nhà vườn đều bán được tất cả các loại xoài trong vườn cho các công ty thu mua.
Trong số 120 Hội quán được thành lập ở Đồng Tháp, có 21 Hội quán xoài: 8 ở TP. Cao Lãnh (Thuận Tân, Đông Tân, Duy Tân, Đồng Tâm, Tâm Quê, Nhất Tâm, Tân An, Thịnh Hưng và Tân Tâm), 1 ở Thành phố Sa Đéc (Đông Giang), 6 ở huyện Cao Lãnh (Minh Tâm, Minh Tân, Thuận Mỹ, Thuận An, Minh Phát và Minh Long), 4 ở Thanh Bình (Nông Tân, Tân Thị. Tình Quê và Tân Dinh), 1 ở Lấp Vò (Bình An). Các Hội quán này vận động nhà vườn sản xuất xoài an toàn theo mô hình “cây xoài nhà tôi” bán trực tiếp cho người tiêu dùng ở TP Hồ Chí Minh thông qua môi giới của các công ty du lịch.
Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm, việc ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp nhìn chung chưa đạt kết quả cao; hầu hết sản phẩm của nhà vườn chủ yếu tiêu thụ bán qua kênh thương lái hoặc vựa (chiếm khoảng 80% tổng lượng sản phẩm tiêu thụ).
Để khắc phục, Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá ngành hàng xoài như: Kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đã tiếp nhiều đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan… đến tìm hiểu trao đổi với các ngành tỉnh, huyện, các hợp tác xã để hướng đến liên kết tiêu thụ. Bên cạnh có các công ty Good Life, Yasaka, Rồng Đỏ, Long Uyên, VinEco, Chánh Thu, Cty TNHH Kim Nhung, Cty THNN Nông sản Cao Lãnh,… đã liên kết thu xoài để xuất khẩu tươi và chế biến.
Các hoạt động giới thiệu sản phẩm được đẩy mạnh (tham gia hội chợ, sản xuất tài liệu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở các cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ đặc sản của Đồng Tháp tại các đô thị lớn…), cải thiện phương thức, kỹ thuật sơ chế, bao gói và vận chuyển, tạo đột phá trong việc giảm tỷ lệ hao hụt quá cao hiện nay được chú trọng. Xây dựng chương trình phát triển thị trường, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp hình thành kênh phân phối đến hai thị trường tiêu thụ xoài tươi quan trọng nhất là TP. HCM, Hà Nội.
Ths. Nguyễn Phước Tuyên
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.