Việt Nam cần thay đổi cách thức canh tác, tư duy quản lý nông nghiệp để tránh phát triển thành một nền nông nghiệp “gia công”.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến những thách thức cho nền nông nghiệp khi mức độ quản lý vượt ra khỏi quy mô sản xuất, đầu tư so với trước đây.
Đơn cử, doanh nghiệp có thể làm nông nghiệp với hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng quản lý vượt trội với độ chính xác cao, như: Dùng hệ thống công nghệ giám sát để xem chỗ nào thiếu nước, thiếu phân rồi đưa máy bay đến tưới đúng chỗ. Hiện một hộ sản xuất nông nghiệp có thể quản lý tốt 100 ha diện tích đất sản xuất, dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy móc. Yêu cầu với lao động được thuê sản xuất nông nghiệp cũng thay đổi, họ không cần tìm cách tăng năng suất mà cần làm đúng việc được giao. Tức là khoa học công nghệ đã làm thay đổi cách quản lý sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, nếu như trước đây người nông dân bán nông sản cho thương lái, nhưng nay đã có những đại lý và công ty xuyên quốc gia kết nối thẳng với đại lý để thu mua nông sản. Chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản đã thay đổi (không còn là tuyến và điểm) thành hệ thống mạng.
Cho nên theo TS Đặng Kim Sơn, vấn đề đặt ra với ngành nông nghiệp Việt Nam là phải thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển, đưa nông dân “chuyên nghiệp” vào và áp dụng công nghệ tiên tiến.
Cũng đồng quan điểm cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp, TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Toàn ngành nông nghiệp hiện có hơn 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, tuy nhiên chỉ 50% số chuỗi hoạt động có hiệu quả.
Một trong nhiều nguyên nhân của hạn chế trên, theo TS. Đào Thế Anh, do chi phí sản xuất còn cao với giá cả biến động và lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sai quy trình kỹ thuật; sử dụng quá nhiều lao động và chất lượng không đồng nhất. Trong bối cảnh đó, tổn thất nông sản sau thu hoạch ở Việt Nam còn cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (rau quả là 32%, thịt là 14% và thủy sản là 12%). Bên cạnh đó, hạn chế còn là thiếu kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn, vận chuyển và đóng gói kém và giao dịch quá nhiều khâu trung gian.
“Ở khâu chế biến, hạn chế là công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, quy mô nhỏ, manh mún. Do đó, sản phẩm nông sản xuất khẩu có chất lượng thấp và giá thấp, thiếu thương hiệu...” - TS ĐàoThế Anh nói.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam (Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ) đặt vấn đề về chuỗi tiêu thụ nông sản với vai trò của các hộ sản xuất nhỏ trong vấn đề an toàn thực phẩm. Bà Nhung cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, những doanh nghiệp lớn cần phải có vì họ hướng tới thị trường lớn là xuất khẩu. Tuy nhiên, nông dân sản xuất nhỏ cũng phải duy trì vì đó là nguồn cung ứng nông sản cho thị trường nội địa. Cho nên, theo bà Nhung, các hộ nông dân nhỏ cần được đào tạo và kết nối họ thành tổ nhóm, mạng lưới để tiếp cận với thị trường./.
Theo Hoài Lam
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.