TP. Cần Thơ hiện có 17.910ha cây ăn trái các loại, sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Đây là các loại cây trồng lâu năm, mang lại giá trị kinh tế cao, cần được quan tâm bảo vệ, đặc biệt trong mùa mưa lũ,...
Thu nhập trăm triệu từ cây ăn trái
TP Cần Thơ hiện có 17.910ha cây ăn trái, tăng 1.258ha so với cùng kỳ năm 2017. Các loại cây ăn trái được trồng khá đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều loại cây ăn trái ngon, đặc sản, mang lại giá trị kinh tế như: dâu Hạ Châu, cam, bưởi, mít, nhãn, xoài, vú sữa, sầu riêng..., giúp nông dân có thu nhập 200-700 triệu đồng/ha/năm. Nhà vườn cũng xây dựng được nhiều mô hình trồng cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận gấp 1,5-2 lần so với chuyên canh cây ăn trái.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Cần Thơ tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, cấp mã số vùng trồng và sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo theo yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Thành phố đã có các vùng cây ăn trái tập trung như: xoài 2.112ha tại Thới Hưng - Cờ Đỏ, Tân Phú, Phú Thứ - Cái Răng...; vú sữa 645ha tại Giai Xuân- Phong Điền và Thới An Đông- Bình Thủy...; nhãn 515ha tại Thường Thạnh, Phú Thứ - Cái Răng, Tân Lộc - Thốt Nốt...; dâu Hạ Châu 444ha tại Nhơn Ái- Phong Điền...
Đến nay, các địa phương đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại cây ăn trái như: cam xoàn, nhãn Ido ở Thới An, quận Ô Môn; dâu Hạ Châu ở Nhơn Ái, huyện Phong Điền; sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Điền...
Chủ động bảo vệ cây trồng
Những năm gần đây, bên cạnh đầu tư phát triển các công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa, TP. Cần Thơ cũng đầu tư hệ thống đê bao và cống ngăn lũ bảo vệ vườn cây ăn trái. Nhờ vậy, hầu hết vườn cây tại các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung có đê bao bảo vệ khá an toàn trước mùa nước lũ. Song, diện tích vườn cây ăn trái nằm trong các khu vực đê bao vẫn thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị ngập úng khi trời có mưa lớn liên tục, kết hợp triều cường và nước lũ dâng cao ngoài đê, khiến việc tiêu thoát nước gặp khó, đòi hỏi nông dân phải chuẩn bị phương tiện, máy móc bơm thoát nước cho vườn cây.
Ngoài ra, có một số diện tích vườn cây ăn trái người dân trồng xen trong khu vực trồng lúa, dễ bị ngập lũ, do không chủ động tưới tiêu, nhất là khi vùng trồng lúa cần mở đê bao đón nước lũ mang theo phù sa bồi bổ cho đồng ruộng.
Ông Nguyễn Đức Tháo, ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Khu trồng cây ăn trái của gia đình đã có hệ thống đê bao ngăn lũ, nhưng để đảm bảo vườn cây ăn trái không bị thiệt hại, chúng tôi đã làm thêm bờ bao cho vườn cây. Đồng thời, thường xuyên đi thăm vườn, kiểm tra, gia cố bờ bao, chủ động phương tiện sẵn sàng bơm thoát nước cho vườn cây khi bị ngập. Gia đình có 5 công vườn trồng nhãn 6 năm tuổi, hiện cho hiệu quả kinh tế khá cao”.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Phong Điền là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất TP Cần Thơ, với hơn 7.500ha. Các hệ thống đê bao tại huyện khá vững chắc và phát huy hiệu quả ngăn lũ giúp nông dân an tâm sản xuất. Song, để bảo vệ tốt các vườn cây trong mùa mưa lũ, lãnh đạo huyện đã kiểm tra thực tế và chỉ đạo các địa phương phải quan tâm rà soát, kiểm tra các tuyến lộ giao thông, hệ thống đê bao và những nơi trồng cây ăn trái lớn. Vận động người dân chủ động phương tiện bơm thoát nước cho vườn cây...; kịp thời phát hiện, xử lý các điểm tràn nước và các sự cố sạt lở, tránh nguy cơ bị ngập úng.
“Cây ăn trái thường phải mất 2 - 3 năm trồng và chăm sóc trở lên mới bắt đầu cho trái. Do vậy, nếu để cây bị hư hại, nông dân phải mất nhiều công sức, tiền của và thời gian để trồng lại, đặc biệt đối với những vườn cây đã cho trái thì thiệt hại càng lớn nên cần chủ động phòng tránh là chính”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, đối với diện tích trong vùng có khả năng bị ảnh hưởng ngập úng, cần gia cố đê bao, cống bọng vững chắc. Với diện tích mới trồng, cần che mưa, chắn gió cho cây, nâng cao liếp trồng. Đặc biệt, nếu gặp mưa lũ kéo dài, vườn cây bị ngập úng, cần nhanh chóng bơm hết nước ra ngoài bờ bao để tránh không cho vườn bị ngập kéo dài. Bón vôi vào đầu hay cuối mùa mưa để giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, cung cấp canxi trực tiếp cho cây, làm cho chất lượng trái ngon hơn. Ngập úng làm đất yếm khí, rễ cây ăn trái thường yếu cũng là điều kiện dễ phát sinh dịch hại, đặc biệt là bệnh thối rễ, nông dân cần chú ý trong bón phân, nên bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.