Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 2 năm 2019 | 13:12

Cần Thơ: Cải tạo vườn tạp, trồng cây đặc sản lãi cao

Mạnh dạn cải tạo vườn tạp, trồng cây giá trị kinh tế cao như mãng cầu xiêm, bưởi Tân Triều… bà con Cần Thơ thu lãi cao.

Để thu được kết quả cao, Hội Nông dân (HND) xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai đã mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật làm vườn cho nông dân.

Từ đó, bà con mạnh dạn cải tạo vườn tạp, trồng cây đặc sản, giá trị kinh tế cao như mãng cầu xiêm, bưởi Tân Triều, lợi nhuận cao, ổn định.

 

m-cau-666.gif

 Nhờ  bao trái, mãng cầu của ông Xuyên ( trái) tiết kiệm chi phí, năng suất cao.

 

Năm 2016, ông Phan Thanh Xuyên, ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng, chuyển 3 công đất ruộng kém hiệu quả, trồng mãng cầu xiêm.

Trước Tết Nguyên đán năm 2019, ông thu hoạch 2,5 tấn trái, giá 9 - 20.000 đồng/kg, thu về hơn 20 triệu đồng. Ông cho biết: “Hiện, 3 công mãng cầu đang trong giai đoạn thu hoạch, ước còn 4 tấn. Nếu giá ổn định sẽ thu khoảng 50 triệu đồng...”.

Theo ông Xuyên, mãng cầu xiêm có thể cho trái 2 vụ/năm. Song, để mãng cầu tự thụ phấn sẽ cho trái ít, và ông đã tìm ra “bí quyết” thụ phấn, để mãng cầu ra trái nhiều và quanh năm.

Đó là: “Đặc tính của mãng cầu là thụ phấn chéo. Do đó, buổi sáng khoảng 7- 9 giờ, tôi tiến hành thụ phấn. Nếu làm đúng kỹ thuật, tỷ lệ đậu trái khá cao, trái to, đẹp, bán được giá cao”. Nhờ phương pháp này, vườn mãng cầu của ông Xuyên cho năng suất khá cao.

Mãng cầu sau khi đậu trái bằng cổ tay, sẽ được bao bằng túi chuyên dụng, để hạn chế sâu, dịch bệnh, đồng thời, tiết kiệm thuốc BVTV; sản phẩm  đạt chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. 

Tương tự như vậy, ông Phan Hoàng Phương, ấp Thới Hòa B, xã Xuân Thắng, đã mạnh dạn cải tạo vườn mận kém hiệu quả để trồng bưởi Tân Triều  (ruột hồng).

Ông Phương cho biết: “Với diện tích 4 công trồng bưởi Tân Triều, trung bình, thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ năm. Trước Tết Nguyên đán 2019, tôi bán trên 6 tấn, thu được 127 triệu đồng. Đây là giống bưởi năng suất cao, trái to, khi chín màu vàng tươi, mọng nước, nên được thị trường rất ưu chuộng”.

Đặc biệt, bưởi Tân Triều hạn chế được bệnh vàng lá, nhẹ phân, thuốc BVTV, tỷ lệ đậu trái khá cao. Theo ông Phương, cách nay 18 năm, nhân dịp qua Đồng Tháp chơi, đã phát hiện ra giống bưởi Tân Triều.

Sau đó ông mua 12 nhánh về trồng thử, thấy hiệu quả, ông đã đốn bỏ 4 công mận để trồng. Để bưởi trái to, bán được giá, ông chăm bón rất kỹ, từ lúc mới ra hoa và thường xuyên vun gốc bón phân, đồng thời, tỉa cành kém hiệu quả, giúp cây cho trái vừa đủ.

Nhờ cần mẫn chăm sóc, vườn bưởi của ông Phương lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê. Ông chia sẻ: “Để xử lý bưởi ra hoa sớm, tôi thường dự các lớp tập huấn trồng cây có múi, ứng dụng tiến bộ KHKT. Nhờ làm đúng quy trình nên bưởi cho trái quanh năm”. 

Ông Nguyễn Hoàng Nhan, Chủ tịch HND xã Xuân Thắng, cho biết: “Mô hình mãng cầu xiêm của ông Xuyên và bưởi Tân Triều của ông Phương  là những mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập ổn định ở địa phương.

Hiện, trên địa bàn xã có 85ha vườn trồng cây ăn trái, trong đó có khoảng 40ha trong giai đoạn thu hoạch. Những cây trồng chủ lực trên địa bàn gồm: bưởi da xanh, cam xoàn, nhãn idor…

Thời gian qua, HND xã đã mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ và tổ chức tham quan các mô hình làm vườn hiệu quả, để bà con học tập và ứng dụng vào sản xuất. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với ngân hàng, cho 798 hội viên vay trên 11 tỉ đồng để phát triển sản xuất”.

Quảng Bình: Vườn dược liệu nở hoa trên đất cằn

Thời gian gần đây, nhiều nông dân Quảng Trạch (Quảng Bình) đã mạnh dạn đưa các giống cây dược liệu vào trồng tại vùng gò đồi, đất lúa kém hiệu quả, góp phần đa dạng hoá cây trồng. Nhờ cây dược liệu bà con có thêm việc làm, thoát nghèo và ngày càng khấm khá

dl-9991.jpg

 Bà con Quảng Trạch thu hoạch cà gai leo

 

Chị Phan Thị Xuyến, hộ nghèo, thôn 7, xã Quảng Thạch, kinh tế chủ yếu dựa vào 800 m2 đất lúa. Khi nông nhàn, chị làm thêm đủ nghề: nhặt hạt dẻ, hái sim, lá vằng... để nuôi con ăn học.

Chị tâm sự: "Nhờ chính quyền giúp đỡ, cuối năm 2017, gia đình được tham gia tổ hợp tác trồng cà gai leo ở thôn 7. Từ đó, tôi không còn phải vất vả đi thu hái lâm sản phụ thuộc lúc nông nhàn, mà chuyên tâm hơn vào đồng áng và trồng cà gai leo.

Chỉ với 1.300 m2 đất vườn đồi cằn cỗi, gia đình tôi đã có thêm việc làm thường xuyên, thu về khoảng 15 triệu đồng lãi ròng/năm nhờ trồng cà gai leo...".

Chị Phan Thị Thủy, thôn 7, cũng cho hay: "Trước đây, khu đất này bỏ hoang, toàn cây bụi. Sau đó, gia đình tôi đã cải tạo để trồng keo lai, nhưng hiệu quả quá thấp, rủi ro thiên tai rất cao.

Nhờ hỗ trợ từ Ban Quản lý Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (Dự án SRDP), tổ hợp tác trồng cà gai leo thôn 7, 8,  xã Quảng Thạch đã được thành lập tháng 12-2017, với 30 thành viên, diện tích bước đầu 4 ha.

Đa số thành viên hai tổ hợp tác này đều là hộ nghèo, cận nghèo. Bản thân tôi được bầu làm tổ trưởng ở thôn 7".

"Lứa cà gai leo này, tôi đã cắt đến lần thứ 4 rồi. Cứ sau 3 tháng thu hoạch một lần, và sau 3 năm thì trồng mới lại. Quá trình chăm sóc được tuân thủ nghiêm ngặt, theo hướng sản xuất nông sản sạch, không sử dụng phân bón, hóa chất độc hại.

Dù mới thực hiện hơn 1 năm, nhưng bình quân mỗi lứa đều cho năng suất trên 50 kg thân, lá khô/sào.

Toàn bộ mô hình trồng cà gai leo xã Quảng Thạch đều do Công ty Sơn Trung Du (đóng tại huyện Bố Trạch) cung ứng giống và thu mua sản phẩm. Hiện, cà gai leo phơi khô được Công ty mua với giá 30 nghìn đồng/kg". -  Chị Thủy cho biết thêm.

Ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch cho biết: "Từ năm 2017 đến nay, xã đã mạnh dạn chỉ đạo nhân dân chuyển đổi đất gò đồi kém hiệu quả, sang trồng cây ăn quả, cây sắn.

Đặc biệt, chuyển mạnh sang trồng các loại cây dược liệu như: gừng, nghệ, nén, cà gai leo. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cao hơn 2 - 8 lần so  trồng keo, tràm..".

Để tìm hiểu thêm về mô hình trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả  cao, chúng tôi đã đến thôn Phúc Kiều, xã Quảng Tùng, trước đây, nơi này là đất sản xuất lúa bấp bênh, kém hiệu quả.

Từ chủ trương nâng giá trị trên đơn vị diện tích, năm 2017, xã cho Công ty TNHH tổng hợp Vinh Huê thuê khu đất hơn 1 ha trồng cây húng quế và sả, lấy nguyên liệu sản xuất tinh dầu ngay tại địa phương.

Sau khi thí điểm thành công, Quảng Tùng tăng diện tích cây dược liệu lên 7 ha, và đang mở rộng thêm. Hiện, cứ một sào (500 m2) đất lúa, Công ty sẽ trả hơn 1 triệu đồng/năm. Nếu được Công ty thuê vào làm, mỗi lao động được nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Hiện, Công ty đang tạo việc làm khá ổn định cho 10 lao động. Sản phẩm tinh dầu sả và húng quế được nhiều đơn vị trong, ngoài nước đặt hàng.

Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Trạch, Trần Văn Định cho biết, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích kịp thời, đã động viên người dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả cao.

Hậu Giang: Bỏ mía, trồng xoài Đài Loan lãi gấp 4 lần

Theo thống kê của Phụng Hiệp, toàn huyện trồng khoảng 465ha xoài Đài Loan, tập trung chủ yếu ở thị trấn Búng Tàu, và các xã Phương Phú, Tân Phước Hưng, Hòa Mỹ.

 

xoai-9669.jpg

 Do thu nhập ổn định, nông dân đã bỏ mía trồng xoài Đài Loan.       

  

 Riêng 2 tháng đầu năm 2019, huyện đã trồng mới 20ha. Nhiều hộ cho biết,  xoài Đài Loan được lai tạo nên mau cho thu hoạch. Từ khi trồng đến hái, chỉ mất khoảng 18 tháng, đạt 2 tấn trái/công.

Giá bán 15.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi công thu nhập trên 20 triệu đồng, gấp 4 lần so cây mía.

Nghệ An: Quýt chín rụng đầy vườn, nông dân mỏi mắt chờ thương lái

Xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, có hơn 50 ha cây có múi (CCM), chủ yếu là cam, quýt PQ. Năm nay, giá quýt giảm, khó bán; qua Rằm tháng Giêng, mới hơn 50% lượng quả được bán.

 

q-333.jpg

 Nông dân mòn mỏi chờ thương lái, vì quýt rụng vàng đất. Ảnh Hoàng Hằng

 

Ông Cao Văn Thường, xóm 4 A, xã Nghĩa Mai, trồng hơn 700 gốc quýt. Trước Tết, ông bán được 2 tấn, giá 5.000 đồng/kg; sau Tết đến nay, chưa được tấn nào.

Ông cho biết: "Hiện, cây đã ra hoa, có quả nhỏ, nếu không thu hoạch thì ảnh hưởng lứa sau. Quýt rụng nhiều, trước Tết đã dọn một lần, hôm qua dọn rồi, sáng nay lại rụng đầy vườn, sốt ruột lắm". 

Vườn quýt của ông Cao Văn Thường 6 năm tuổi, đây là năm đầu tiên gặp cảnh quýt rẻ không ai mua. Với 1,5 ha, ông đầu tư 30 triệu đồng, dự kiến cho 30 tấn quả.

 "Hiện, quả chín rụng gần 3 tấn. Hàng ngày, phải dọn vườn, nếu không sẽ ô nhiễm, sâu bệnh hại quả. Khoảng 10 ngày nữa, không có người mua, quả rụng càng nhiều" - ông Thường cho biết thêm.

 Không riêng ông Thường, một số hộ xã Nghĩa Mai cũng đứng ngồi không yên do không ai mua. Hiện, mới bán hơn 50% diện tích, còn lại chưa thu hoạch.

Hiện, quýt đẹp tại vườn giá 5.000 đồng/kg, nhưng số lượng ít; người dân phải vớt vát bằng cách đưa ra chợ bán lẻ, nhưng cũng khó, chỉ được 5 - 10 kg/ngày.

Theo chị Trương Thị Kiều, xóm 4 A, xã Nghĩa Mai, ra Tết nắng nóng nên quýt chín nhanh, chỉ mong thương lái đến mua, vớt vát được đồng nào hay đồng đó.

Ông Hoàng Văn Nhường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mai cho biết, xã có hơn 50 ha cây có múi, năm nay quýt rẻ, khó khăn đầu ra. Do tiêu thụ nhỏ lẻ, ra Tết vẫn nhiều hộ chưa bán được. Vì vậy, xã khuyến cáo bà con chăm sóc diện tích cũ, không mở rộng diện tích.

 Cải tạo vườn tạp, trồng cây đặc sản thu lãi cao; dược liệu nở hoa trên đất cằn;bỏ mía, trồng xoài Đài Loan cao gấp 4 lần; quýt rụng đầy vườn, nông dân mỏi mắt chờ thương lái, là tin tuần tại nhiều địa phương.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top