Nhiều loại cây ăn trái ngon, đặc sản được nông dân Cần Thơ sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần khẳng định chất lượng trái cây Việt Nam, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho nông dân…
Tín hiệu tích cực
Cần Thơ hiện có 18.436ha cây ăn trái, sản lượng thu hoạch đạt trên 111.000 tấn/năm.
Hầu hết các chủng loại cây ăn trái ngon của miền Nam đều được trồng tại Cần Thơ như: vú sữa Lò Rèn, sầu riêng hạt lép, nhãn Ido, nhãn tiêu da bò, măng cụt, xoài cát Hòa Lộc, cam xoàn, mận (miền Bắc gọi là quả roi) An Phước, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, thanh long, mít, chuối…
Ngành Nông nghiệp, Hội Làm vườn Cần Thơ đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất theo các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nhất là theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.
Đến nay, toàn thành phố có hơn 101,6ha cây ăn trái của 110 hộ dân tại các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác đã được chứng nhận VietGAP, với các loại cây ăn trái: xoài cát Hòa Lộc, nhãn, vú sữa, mít, cam, sầu riêng. Trong đó, huyện Phong Điền có HTX Trường Thuận 1, với 17 xã viên đã được chứng nhận VietGAP trên sản phẩm mít, cam, vú sữa, sầu riêng và nhãn, với diện tích 9,85ha, sản lượng 485 tấn/năm; HTX Vú sữa Trường Khương A đạt chứng nhận VietGAP trên sản phẩm vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ, với diện tích 45,5ha, sản lượng 581 tấn/năm, của 42 hộ thành viên. Huyện Cờ Đỏ có HTX Xoài Lộc Hưng đã đạt chứng nhận VietGAP trên sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, với diện tích 30,5ha, sản lượng 305 tấn/năm, 16 hộ thành viên tham gia. Quận Thốt Nốt có HTX trái cây Tân Lộc đạt chứng nhận VietGAP trên sản phẩm nhãn, với diện tích 15,8ha, sản lượng 150 tấn/năm, với 35 thành viên tham gia.
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vú sữa Trường Khương A, cho biết: “Áp dụng sản xuất theo VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và môi trường do giảm sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Sản phẩm đạt chuẩn VietGAPtiêu thụ tốt hơn ở thị trường trong nước và xuất khẩu thành công vào thị trường khó tính là Mỹ”.
Cần Thơ hình thành được nhiều vùng trồng cây ăn trái tập trung như: vùng trồng xoài tại xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ), phường Tân Phú và Phú Thứ (quận Cái Răng); vùng vú sữa hơn 645ha tại xã Giai Xuân (huyện Phong Điền) và phường Thới An Đông (quận Bình Thủy); vùng trồng nhãn hơn 515ha tại các phường Thường Thạnh, Phú Thứ (quận Cái Răng), Tân Lộc (quận Thốt Nốt); 444ha dâu Hạ Châu tại xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền)... Các địa phương đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại cây ăn trái, như: nhãn hiệu tập thể cam xoàn, nhãn Ido, phường Thới An, quận Ô Môn; dâu Hạ Châu, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền; sầu riêng Tân Thới huyện Phong Điền... Nhiều diện tích trồng cây ăn trái ngon, đặc sản giúp nhà vườn có thu nhập 200-700 triệu đồng/ha/năm. Nông dân cũng xây dựng nhiều mô hình trồng cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với chuyên canh cây ăn trái.
Tăng cường liên kết
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, chi cục đã mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất theo GAP và tăng cường hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giữa nông dân với các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ để tạo thuận lợi về đầu ra.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, cho biết, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ thành phố, Trung ương và các dự án quốc tế (như VnSAT, WB6...), đơn vị đang tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, nhất là sản xuất theo VietGAP trên nhiều đối tượng cây trồng: lúa, rau màu, cây ăn trái.
Nhiều doanh nghiệp, siêu thị đã và đang tích cực liên kết với nông dân tại các HTX, tổ hợp tác để đưa sản phẩm trái cây xuất khẩu và tiêu thụ tại các kênh bán hàng cao cấp: trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng rau quả sạch. Đây là động lực quan trọng để nông dân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trái cây theo hướng chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu ở tỉnh Bến Tre, công ty đã kết nối với nông dân Cần Thơ thu mua và xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính đối với trái vú sữa và trái thanh nhãn. Tới đây, công ty có kế hoạch tăng cường liên kết, hợp tác với các HTX sản xuất cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP để đẩy mạnh tiêu thụ nhiều loại trái cây có thế mạnh, nhất là các loại nhãn và xoài.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Vùng cao Văn Bàn (Lào Cai), nơi những mái nhà tạm bợ từng là vết tích của cuộc sống nghèo khó, giờ đây đang bừng lên sức sống mới. Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị, toàn quân dân đang chung sức, nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình xóa bỏ những ngôi nhà tạm, dột nát, thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi, kiên cố.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng, tạo nên động lực mới trong trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo để sản phẩm OCOP Quảng Ngãi vươn xa…