Nông sản từ bàn tay người nông dân đến bàn ăn của người tiêu dùng trải qua nhiều công đoạn: gieo giống, nuôi trồng, đánh bắt, thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến, bao bì, vận chuyển đến chợ, cửa hàng, siêu thị, và trở thành bữa ăn của người tiêu dùng,… Mỗi công đoạn cộng thêm một chi phí.
Nếu người nông dân có thể tham gia vào nhiều công đoạn hơn, thì thu nhập có thể được tăng thêm. Nhưng hầu như người sản xuất, từ trước đến nay, đa phần chỉ chú ý khâu sản xuất, các khâu khác đã có thương lái, doanh nghiệp đảm trách. Đảm nhận thêm một vài công đoạn hoặc toàn bộ công đoạn không phải chuyện dễ dàng, nhất là với những người sản xuất nhỏ lẻ.
Vậy là cứ bằng lòng bán lúa trên đồng, thậm chí là bán lúa non. Vậy là cứ bằng lòng bán trái cây cả vườn, thậm chí “bán lá” cho thương lái chăm sóc, rồi thu hoạch, chở đi tiêu thụ. Vậy là cứ bằng lòng bán tôm cá cả ao. Vậy là cứ bằng lòng bán hải sản đánh bắt được theo “cả tàu” cho người thu mua, sau mỗi chuyến ra khơi.
Đến mỗi vụ mùa, nông dân trông chờ thương lái, thương nhân, doanh nghiệp đến thu mua. Người ta gọi như vậy là “bán xô” – bán tất, bán hết, không quá chú trọng việc phân loại kích cỡ, hình thức, chất lượng,… của nông sản. Bán xô gắn liền với “giá xô” – giá bình quân trừ thêm hao hụt trên đường vận chuyển và chi phí phân loại.
Như vậy, cùng một sản lượng, nếu người nông dân tự phân loại, thì thu nhập có thể được tăng thêm một phần. Tùy vào loại nông sản, thu nhập sẽ tăng thêm, nếu biết cách bảo quản, sơ chế, tinh chế,… Nếu giới thiệu nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử, thì sẽ giảm bớt tầng nấc trung gian, bớt đi trung gian, thì lợi nhuận sẽ tăng thêm nhờ giảm chi phí. Cùng một sản lượng làm ra, người nông dân có thể thu về lợi nhuận cao hơn nếu tự mình đảm nhiệm, tham gia thêm vào một, hai khâu hay toàn bộ quy trình, từ sản xuất đến kinh doanh, thương mại.
Ở các đô thị lớn, thường xuất hiện quảng cáo các khóa hướng dẫn, tập huấn kỹ năng sống, thái độ sống cho học sinh, sinh viên, công nhân. Vậy người dân ở khu vực nông thôn thì sao? Có một quyển sách nói về “Người nghèo, nghèo cái túi. Người giàu, giàu cái đầu”. Hay một vị lãnh đạo đã từng chia sẻ: “Tiền trong túi là tiền hữu hạn, tiền trong đầu là tiền vô hạn”. Phải chăng một khi con người, trong đó có người nông dân, tích lũy nhiều kiến thức, cộng thêm kỹ năng thuần thục, thái độ sống tích cực, thì sẽ có đủ điều kiện để trở nên khá giả, giàu có? Nguồn vốn trong sản xuất là tiền bạc, nguồn vốn để làm giàu còn là kiến thức, kỹ năng và thái độ sống của người nông dân.
Lan tỏa tri thức, kỹ năng, thái độ tích cực có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức làm giàu bền vững. Trách nhiệm đó, thậm chí có thể gọi đó là trọng trách, trước hết là của chính quyền, ngành chuyên môn. Đó còn là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân tâm huyết với nông nghiệp, nông dân.
Những cuộc gặp gỡ đã có thể truyền đạt kiến thức làm giàu. Những buổi sinh hoạt cộng đồng cũng đã có thể gợi mở chuyên đề hướng dẫn cách làm giàu. Những chương trình khuyến nông trên báo đài không chỉ khuyến khích người nông dân sản xuất, mà còn khuyến khích người nông dân học cách làm giàu, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng sống.
“Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang. Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”. Tấc đất không phải là tấc vàng ở giá trị chuyển nhượng ruộng đất đơn thuần, mà hơn hết, tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị của đôi bàn tay chai sạn chuyên cần sản xuất, chí thú làm ăn. Tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị tối ưu được tích hợp trên một đơn vị diện tích.
Tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị của tinh thần liên kết, hợp tác, xóa nhòa ranh giới thửa ruộng, bờ ao. Tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị của ý chí tự lực, tự chủ, tự vươn lên. Tấc đất – tấc vàng gắn với giá trị đổi mới từ những người nông dân sẵn lòng thay đổi để thích nghi, để chung tay tạo nên “mùa vàng” cho ngành nông nghiệp nước nhà.