Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 1 năm 2021 | 20:45

Cây ăn quả có múi mang lại giá trị kinh tế cao

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) hiện có gần 7.000 ha cây ăn quả có múi, mang lại giá trị kinh tế hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Giờ đây, cây có múi được xem là cây làm giàu cho người trồng, số hộ có thu nhập từ một tỷ đồng trở lên có tới hàng trăm hộ.

 Huyện Lục Ngạn hỗ trợ kinh phí cho nhà vườn đẹp để thu hút khách đến thăm quan, trải nghiệm tại vườn...

 

Thu nhập cao

Có mặt tại vườn bưởi ngọt (bưởi diễn) của gia đình ông Trần Đình Én, thôn Tân Trường, xã Thanh Hải (Lục Ngạn), phóng viên không khỏi bất ngờ bởi độ sai của bưởi. Được biết, gia đình ông Én có 100 cây bưởi da xanh, 500 cây bưởi diễn trồng được 14 năm nay.

Năm nay, bưởi da xanh cho sản lượng 7 tấn quả, giá bán 36.000 đồng/kg, gia đình ông đã bán hết thu về 250 triệu đồng. Ước sản lượng bưởi diễn đạt khoảng 50.000 quả, giá bán dự kiến 20.000 đồng/quả, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 800 triệu đồng. Năm 2019, gia đình ông Én lãi 800 triệu đồng từ bưởi ngọt.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Phương, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, cho biết, hiện diện tích cây có múi toàn huyện đạt 6.740 ha, sản lượng ước đạt 63.750 tấn. Trong đó, diện tích cam là 4.142 ha, sản lượng ước 46.060 tấn; diện tích bưởi đạt 2.252 ha, sản lượng 16.150 tấn; diện tích cây có múi khác là 346 ha, sản lượng 1.540 tấn.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm những năm qua huyện đã tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng theo quy trình an toàn, đến nay có 1.700/6.740 ha trồng theo VietGAP, GlobalGAP. Thời gian tới huyện đẩy mạnh sang sản xuất hữu cơ, cùng với đó, hỗ trợ hộ dân, HTX trong việc bao bì, đóng gói, tem dán.

Ông Phương cho biết, năm nay giá cam ngọt người dân bán từ 40.000-50.000 đồng/kg, cam lòng vàng 15.000-20.000 đồng/kg, bưởi ngọt 20.000-30.000 đồng/kg, bưởi da xanh khoảng 40.000 đồng/kg. Những năm gần đây cây có múi là nguồn thu nhập lớn ở nhiều xã. Trồng cây có múi mà nhiều hộ có thu nhập tiền tỷ, có gia đình thu tới 4-5 tỷ đồng/năm.

 

 Các công ty, HTX thu mua cho công nhân trực tiếp đến tận vườn thu hái và phân loại sản phẩm, từ đó người dân không phải mất công thu hoạch.

 

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, để nâng cao chất lượng cây ăn quả có múi huyện đã có đề án cây ăn quả, đối với cây cam, cây bưởi huyện có nhiều chính sách để phát triển như: hỗ trợ cho người dân 50% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới thông minh, hỗ trợ làm đường giao thông, hỗ trợ về kỹ thuật, tập huấn, đặc biệt là về tem, nhãn, thành lập nhiều HTX. Ước giá trị từ cây có múi đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm, hàng trăm hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng, nhiều hộ lên tới 4-5 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thi, huyện cho rà soát, quy hoạch lại các vùng cây ăn quả, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, hỗ trợ giống tốt, giống mới, giống chín sớm, chín muộn để giải vụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Năm nay, huyện hỗ trợ các nhà vườn có diện tích rộng, vườn đẹp để làm du lịch trải nhiệm tại vườn. Phối hợp với các công ty lữ hành, công ty du lịch chọn 25 nhà vườn thành lập các tua du lịch. Trong tuần diễn ra lễ hội trái cây, một ngày có tới 5.000 khách đến tham quan, trải nghiệm, có những nhà vườn đón từ 500-700 khách/ngày.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến xúc tiến thương mại, đặc biệt, năm nay, huyện đã đưa sản phẩm trái cây lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Có rất nhiều doanh nghiệp không cần đến địa phương mà vẫn nắm bắt thông tin, đặt hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ông Thi cho biết thêm.

Xuất khẩu bưởi đi Nga - tín hiệu vui

Được biết, mới đây Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn (Công ty Kim Hằng Lục Ngạn) vừa xuất khẩu quả bưởi đào đường sang Nga. Doanh nghiệp (DN) phía Nga đã tìm hiểu thông tin qua trang web giới thiệu sản phẩm của Công ty và ký kết hợp đồng thu mua. Trước đó, DN này đã cử người sang Việt Nam hơn 4 tháng tìm hiểu các vùng trồng cây có múi đạt các tiêu chuẩn chất lượng mà họ có nhu cầu, Cuối cùng DN này đã chọn vùng trồng cây có múi của Bắc Giang để thu mua. Sản phẩm phía Nga nhập khẩu là bưởi đào đường, trọng lượng loại 1 từ 1,4-1,6 kg/quả.

 

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng Đoàn công tác tỉnh Bắc Giang thăm vườn vườn cây có múi ở huyện Lục Ngạn.

 

Bưởi xuất đi được đóng hộp nguyên quả (6 quả/hộp các tông). Sau khi nhập vào Nga, phía đối tác sẽ sử dụng làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu, chế biến mứt và rượu vang. Để đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác, Công ty Kim Hằng Lục Ngạn đã lựa chọn vùng trồng ở huyện Lục Ngạn và Lục Nam để liên kết sản xuất, thu mua.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, đây là thị trường tiềm năng, là tín hiệu vui cho huyện, cho bà con, huyện sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư để các doanh nghiệp xuất khẩu được nhiều mặt hàng trái cây khác. Cùng với đó, tập trung quy hoạch vùng trồng, trồng theo hướng chuyên canh để phục vụ cho xuất khẩu.

Còn theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Giang, Công ty Kim Hằng Lục Ngạn đã phối hợp với cơ quan chuyên môn và huyện để chỉ đạo sản xuất vùng bưởi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nga. Công ty và Chi cục cũng phối hợp với Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng V tiến hành các thủ tục, bảo đảm sản phẩm bưởi của Bắc Giang đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào thị trường này.

Hiện, Bắc Giang có hơn 10 nghìn ha cây ăn quả có múi, sản lượng đạt gần 80 nghìn tấn, doanh thu mang lại lớn. Việc xuất khẩu bưởi vào thị trường Nga sẽ mở ra cơ hội mới đối với sản phẩm cây có múi của huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu đi Nga còn rất ít, cùng với đó công nghiệp chế biến chưa thực sự phát triển, chủ yếu là tiêu thụ trực tiếp dẫn tới giá trị mang lại chưa cao. Do vậy, vấn đề tiêu thụ và giá bán vẫn là một nút thắt. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bắc Giang cần có cơ chế, kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị kinh tế. 

 

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, toàn tỉnh có hơn 52 nghìn ha cây ăn quả các loại. Trước đây chủ yếu là vải thiều, tuy nhiên tỉnh xác định phải đa dạng hóa không phụ thuộc vào bất kỳ một loại cây nào nên đã chuyển đổi một phần vải sang cây có múi. Các loại cây trồng này đang phát triển tốt.

Để phát triển cây ăn quả bền vững Bắc Giang quan tâm 3 vấn đề. Thứ nhất là sản xuất theo hướng hữu cơ để bảo vệ đất đai cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ hai xây dựng thương hiệu cho nông sản, riêng cây có múi tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng chỉ dẫn địa lý trong năm 2021, mở cơ hội cho nông sản của Bắc Giang đi vào tiêu thụ ở siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu. Thứ 3 là áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, vừa tăng năng suất, vừa nâng giá trị sản phẩm. Về phía chính quyền, quan tâm quảng bá tiêu thụ sản phẩm; quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, tạo môi trường sản xuất thuận lợi. Nhờ vậy, bà con tin tưởng vào những giải pháp của chính quyền địa phương.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top