Tràn lan nông sản đội lốt Đà Lạt
Đà Lạt (Lâm Đồng) là vùng sản xuất rau lớn nhất Việt Nam với sản lượng khoảng 2 triệu tấn rau, củ, quả mỗi năm. Chất lượng đã cao lại tươi ngon nổi tiếng nên nông sản Đà Lạt được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng dẫu giá bán thường cao gấp 3- 4 lần so với nông sản cùng loại nhập từ Trung Quốc.
Đáng lưu ý, rau, củ Trung Quốc tuy giá rẻ nhưng hình thức bên ngoài đẹp không kém, thậm chí một số loại còn đẹp hơn của Đà Lạt. Các loại nông sản nhập từ Trung Quốc cũng rất phong phú, từ bắp cải, bông cải, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, cà chua; các loại củ như gừng, hành, tỏi; các loại trái cây như cam, quýt, mận, đào, lê, táo, dưa hấu… Ngay cả các loại quả đặc sản của Đà Lạt như hồng, dâu tây vẫn bị đụng hàng Trung Quốc.
Để thu nhiều lợi nhuận, các chủ vựa, tiểu thương đã nhập nhằng thương hiệu để bán nông sản Trung Quốc với giá ngang bằng hoặc chỉ thấp hơn một ít so với nông sản cùng loại của Đà Lạt. Bởi hình thức bên ngoài của nông sản Đà Lạt và Trung Quốc không có sự khác biệt rõ rệt nên bằng kinh nghiệm và mắt thường, chưa chắc người tiêu dùng phân biệt được đâu là hàng Đà Lạt chính hiệu, đâu là hàng Trung Quốc đội lốt. Hậu quả là, người tiêu dùng có thể mua phải những loại nông sản đội lốt nông sản Đà Lạt ở hầu khắp các khu chợ của nước ta.
Cty Dream Incubator (đơn vị được JICA Nhật Bản thuê khảo sát về nông nghiệp Đà Lạt suốt 2 năm ròng làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Nhật và địa phương này) cũng nhận định nông sản Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam, đặt nông sản nội địa vào thế phải cạnh tranh gay gắt.
Đà Lạt (Lâm Đồng) được coi là vựa rau của Việt Nam nhưng do không có đặc điểm phân biệt rõ rệt nên mất dần thị phần. Cụ thể, nông sản Trung Quốc đang chiếm lĩnh hơn 70% thị phần đối với một vài nông sản ôn đới là thế mạnh của Đà Lạt trước đây. Tại một số chợ truyền thống ở TPHCM, 80% khoai tây, 70% hành củ, cà rốt và bông cải xanh là hàng Trung Quốc.
Kết quả phỏng vấn 40 bà nội trợ, nhân viên văn phòng và công nhân nhà máy ở TPHCM của Cty Dream Incubator cho thấy khoảng 97,5% số người cho rằng xuất xứ nông sản là tiêu chí quan trọng nhất khi mua rau, củ, quả. Họ thừa nhận không thể phân biệt được xuất xứ, nguồn gốc của các loại nông sản và bày tỏ sự lo lắng về an toàn vệ sinh sức khỏe đối với nông sản Trung Quốc.
Đóng gói, dán nhãn để chống giả mạo
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, mấu chốt của sự nhập nhằng nói trên là do nông sản Đà Lạt khi đưa ra thị trường chưa có nhãn mác xuất xứ. Hơn 80% sản lượng rau Đà Lạt được tiêu thụ ở các chợ truyền thống.
Nông dân và chủ vựa cung ứng các mặt hàng nông sản Đà Lạt đã quen với chuyện nông sản làm ra, gom lại rồi đưa ra thị trường chứ không nghĩ đến chuyện phải gắn nhãn mác. Khi được bày bán chung với nông sản của các tỉnh thành khác và nông sản nhập từ Trung Quốc, người tiêu dùng rất khó phân biệt dẫn đến mua nhầm và vì thế mà rau Đà lạt đang mất dần thị trường.
“Nếu vẫn giữ cung cách nói trên thì không thể ngăn chặn tình trạng mạo danh nông sản”, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nói.
Khoai tây là một trong những nông sản chủ lực của Lâm Đồng bị hàng Trung Quốc đội lốt trắng trợn nhất. Mỗi vụ có tới hàng ngàn tấn khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt, rửa sạch và phủ đất đỏ lên giả mạo khoai tây bản địa rồi đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành, chủ yếu là TPHCM. Việc “khoác áo” Đà Lạt cho khoai tây Trung Quốc diễn ra công khai ngay tại Chợ nông sản Đà Lạt và nhiều khu vực khác nhưng ngành chức năng không xử lý được bởi không có quy định nào cấm bôi đất đỏ vào khoai tây.
Lâm Đồng đã hoàn thành việc xây dựng các thương hiệu rau, hoa, cà phê… của Đà Lạt. Tỉnh cũng đã quyết định trích ngân sách hỗ trợ một phần chi phí cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác được chọn thí điểm xây dựng mô hình hoạt động theo chuỗi giá trị từ khâu gieo trồng, đến thu hoạch khoai tây, đóng gói bao bì và đưa đi tiêu thụ. Sau một năm sẽ tiến hành tổng kết, nhân rộng trên địa bàn Đà Lạt và các vùng phụ cận.
Hiện ban ngành chức năng đang vận động các hộ nông dân tham gia thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để có thể phối hợp hiệu quả trong chuỗi giá trị, nhận được sự hỗ trợ của nhà nước và thuận tiện áp dụng cơ giới hóa nhằm tăng năng suất cây trồng.