Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 9 tháng 10 năm 2016 | 6:0

Chỉ dẫn địa lý và cơ hội XK sang thị trường EU

Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận những thị trường khó tính, nhất là thị trường EU.

Chỉ dẫn địa lý đang trở thành tài sản thương mại có giá trị và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận những thị trường khó tính, nhất là thị trường EU. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự khai thác và giám sát lỏng lẻo khiến cho việc nhận thức và quản lý chỉ dẫn địa lý còn bất cập, nạn giả nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

chi dan dia ly va co hoi xuat khau sang thi truong eu hinh 0
Câu chuyện kiểm soát và quản lý chỉ dẫn địa lý như thế nào ở Việt Nam để gia tăng cơ hội xuất khẩu sang EU hiện vẫn là bài toán khó (Ảnh minh họa: Internet)

Tính đến ngày 30/5 vừa qua, Việt Nam có 43 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại 32 tỉnh, thành trên cả nước. Thế nhưng bên cạnh sự đa dạng của các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, vấn đề khiến nhiều người lo ngại là tình trạng giả, nhái các chỉ dẫn địa lý đang diễn ra ở nhiều nơi, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng.

Thương hiệu nước mắm Phú Quốc là một ví dụ điển hình. Đây là sản phẩm duy nhất được cấp chỉ dẫn địa lý tại Châu Âu, chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số 7000 chỉ dẫn địa lý đã được cấp tại thị trường này. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, người tiêu dùng trong nước đang bị “hoa mắt” với các tên gọi nước mắm Phú Quốc, bởi có quá nhiều loại nước mắm gắn mác Phú Quốc như: được sản xuất tại Phú Quốc, nguyên liệu từ Phú Quốc, thậm chí có nước mắm Phú Quốc sản xuất tại Thái Lan…

Ông Phạm Ngọc Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm (nhà phân phối nước mắm Phú Quốc) cho biết, đang có tình trạng một số doanh nghiệp lạm dụng từ “Phú Quốc” để gắn lên chai nước mắm. Điều này không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn gây hiểu lầm cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo ông Thành, tác động rõ rệt nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ đó là người tiêu dùng chưa nhận diện được đâu là sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đâu là nước mắm Phú Quốc khác. Chưa kể, nhiều sản phẩm chưa được cấp chỉ dẫn địa lý có chất lượng không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khi đàm phán thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU, danh sách Việt Nam đề xuất có 41 chỉ dẫn địa lý, thế nhưng EU chỉ đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm được bảo hộ chủ yếu là hàng rau quả, thủy sản và chế biến từ thủy sản chiếm 13%. Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, cũng như đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng của người tiêu dùng EU thì việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu.

Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo hộ ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tập hợp được những nhà sản xuất lại với nhau. Nhiều nhà sản xuất hay nông dân, do chưa hiểu hết giá trị của bảo hộ mang lại, đã không hợp tác tích cực, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc hình thành các sản phẩm mang đặc trưng riêng của một vùng. Hơn nữa, việc nhận thức và quản lý chỉ dẫn địa lý còn bất cập, sự khai thác và giám sát lỏng lẻo khiến cho nạn giả nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi.

Điển hình là cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, mặc dù đã được công nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2014, nhưng sản phẩm này vẫn chưa vươn tới được các thị trường xuất khẩu do sản lượng còn ít, nhận thức của người dân còn hạn chế, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, làm giả thương hiệu cam Cao Phong đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và thương hiệu của sản phẩm.

Tương tự, gạo đặc sản Điện Biên, sau 2 năm được công nhận chỉ dẫn địa lý, mặc dù Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định xây dựng quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý, nhưng do thói quen làm ăn manh mún, giao dịch phân phối qua nhiều khâu trung gian nên việc quản lý chất lượng để đảm bảo giữ vững thương hiệu uy tín trên thị trường cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Giảng viên trường Đại học Thương mại cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là công tác quản lý thị trường Việt Nam đang còn những hạn chế. Bản thân những nơi sản xuất nông sản, đặc sản chưa liên kết với nhau để kiểm soát hàng trôi nổi mang danh, không có sự liên kết, làm cho nhiều loại nông sản của Việt Nam hiện nay đang bị thất thế trên thị trường.

Dự báo, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực vào năm 2018, EU sẽ đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Theo đó, ngoài nước mắm Phú Quốc, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để khai thác hưởng lợi từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm nổi tiếng khác như thanh long, cà-phê, chè… của Việt Nam có khả năng khai thác để hưởng lợi lớn từ việc đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Tuy vậy, để các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU, Việt Nam cần xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, trước một thị trường khó tính như EU, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ các nước châu Âu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý, qua đó có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.

Ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần phải có những tổ giám sát, nhóm giám sát để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều trong quá trình sản xuất, không trà trộn các sản phẩm khác. Trong quá trình lưu thông ra ngoài thị trường, cần lưu tâm quy cách đóng gói, duy trì sản phẩm, tiêu thụ cùng hiệp hội, cùng nhóm với nhau, để tránh hàng giả hàng nhái len lỏi vào thị trường này.

Việc có đăng ký chỉ dẫn địa lý không chỉ là “giấy phép” để các sản phẩm Việt được “thông quan” tại thị trường khó tính nhằm phát triển, quảng bá và có cơ hội xuất khẩu cao, mà còn là cơ sở để hạn chế tình trạng sử dụng thương hiệu giả, nhái, tăng tính cạnh tranh so với các sản phẩm thông thường. Do đó, việc các mở rộng các sản phẩm, đặc biệt là nông sản hướng tới đăng ký chỉ dẫn địa lý đang là hướng đi đúng đắn để gia tăng cơ hội xuất khẩu sang EU./.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top