Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 4 năm 2018 | 11:19

Chủ động bảo vệ lúa Hè thu niên vụ năm 2018

Thời điểm này, tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người dân đã xuống giống vụ lúa Hè thu niên vụ năm 2018. Tuy nhiên, dự báo vụ lúa Hè thu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm này, tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người dân đã xuống giống vụ lúa Hè thu niên vụ năm 2018. Tuy nhiên, dự báo vụ lúa Hè thu sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các loại sâu bệnh hại và tình hình thiếu nước trong mùa khô. Cùng với đó, tình trạng người dân đào đất lúa để làm ao thả cá đang ngày càng tăng tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Long An: Tình trạng đào đất lúa làm ao nuôi cá giống ngày càng tăng
 
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Long An, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương về nguy cơ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và ô nhiễm môi trường tự nhiên, nông dân nhiều huyện vẫn ồ ạt đào đất trồng lúa để làm ao nuôi cá tra giống. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Long An, diện tích nuôi cá tra bột toàn tỉnh hiện đã lên gần 1.000 ha Trong đó huyện Tân Hưng có hơn 800 ha tập trung tại 2 xã Hưng Điền và Hưng Điền B. Nhiều diện tích lúa vừa thu hoạch xong là nông dân thuê ngay máy đến móc đất làm bờ bao để thả cá giống.
hinh-2-2.jpg
Việc đào đất lúa làm ao thả cá của người dân tỉnh Long An đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đến vấn đề quy hoạch, ô nhiễm môi trường

Nguyên nhân việc đào đất lúa để làm ao thả cá, theo lãnh đạo xã Hưng Điền B, cho biết hiện nghề nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa là có thật. Tuy nhiên, UBND xã không khuyến khích vì lo sợ người dân nuôi ồ ạt sẽ gặp khó khăn về đầu ra, nhiều hộ thiếu kinh nghiệm bị lỗ vốn trong khi tiền đầu tư phải đi vay mượn. Chính quyền đang tập trung tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, không tự ý chuyển mục đích đất ruộng lúa thành ao nuôi cá. Nếu cứ làm bừa sẽ ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên.

Đồng Tháp: Chủ động bảo vệ lúa hè thu niên vụ 2018
 
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống hơn 99.000ha lúa hè thu 2018, đạt 52,3% diện tích kế hoạch. Các trà lúa hiện chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Đồng Tháp, trong tuần qua, tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp. Đối tượng rầy nâu có số diện tích nhiễm khoảng 907ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh làm đòng trỗ, trong đó có 220ha nhiễm nặng với mật số 3.000 - 10.000 con/m2. Bên cạnh đó, muỗi hành có diện tích nhiễm khoảng 2.300ha, giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, trong đó có 1.880ha nhiễm nặng với tỷ lệ 20 - 90%, nhiễm trung bình 180ha. Sâu cuốn lá nhỏ có số diện tích nhiễm khoảng 2.500ha lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, trong đó có 305ha nhiễm trung bình với mật số 20 - 40 con/m2, còn lại là nhiễm nhẹ (tăng 2.270ha so với tuần trước).
 
Cùng với đó, bọ trĩ, chuột, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy phấn trắng, vàng lá chín sớm, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt... xuất hiện và gây hại rải rác hoặc ở mức nhẹ. Trước tình hình trên, Chi cục TT&BVTV khuyến cáo, ngành nông nghiệp các địa phương nên vận động nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ, đảm bảo thời gian cách ly, không vội vàng trong xuống giống, nhất là cần chọn giống lúa ít ảnh hưởng dịch bệnh. Đồng thời, nông dân phải tích cực thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời hiệu quả.
 
Vĩnh Long: Vụ lúa hè thu đối mặt với nhiều loại sâu bệnh
 
Nông dân đang bước vào giai đoạn xuống giống đợt 2 lúa hè thu, đây cũng là đợt xuống giống chính và phân bố tại hầu hết tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, dự báo vụ lúa Hè thu sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các loại sâu bệnh hại và tình hình thiếu nước trong mùa khô.
 
Tại các huyện trên địa bàn tỉnh, theo kế hoạch, lúa đợt này xuống giống khoảng 4.530ha. Các giống chủ lực được ngành chuyên môn khuyến cáo gieo sạ như OM 4900, OM 5451, OM 4218, OM 6976, OM 6162… Do đây là các giống lúa có khả năng chống chịu với hạn mặn và rầy nâu, sâu bệnh, đồng thời phẩm chất lúa tốt thường cho năng suất ổn định nên cũng được nhiều nông dân lựa chọn trong vụ này.
 
Tuy nhiên, trong sản xuất lúa hè thu, các bệnh như rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá dự báo là đối tượng phát sinh với diễn biến phức tạp, có thể gây hại trên nhiều trà lúa, kết hợp với thời tiết nắng nóng khô hạn sẽ dễ gây ra hiện tượng cháy rầy. Theo dự báo của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, từ tháng 3 - 5/2018, sẽ có những đợt rầy di trú vào các thời điểm từ 26/3 - 3/4, từ 27/4 -  4/5 và từ 25/5 - 1/6. Để chăm sóc lúa và hạn chế tối đa tác hại của sâu bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của tỉnh cũng khuyến cáo nông dân những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa hè thu 2018 cần theo dõi rầy vào đèn tại địa phương và xuống giống ngay sau cao điểm rầy di trú để đảm bảo việc xuống giống tập trung đồng loạt, né rầy hiệu quả theo từng cánh đồng, nhằm hạn chế thấp nhất sự phát sinh gây hại của bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá.
 
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật như làm đất và vệ sinh đồng ruộng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì cần quan tâm các đối tượng quan trọng như rầy nâu, sâu cuốn lá, chuột, ốc bươu vàng; các loại bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn, thối gốc, lem lép hạt,… Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo địa phương nâng cao vai trò quản lý địa bàn, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với địa phương trong việc vận động, kiểm tra xuống giống và quản lý tốt các đối tượng dịch bệnh chủ yếu để bảo vệ lúa hè thu.
  
Tây Ninh: Bệnh dịch xuất hiện trên cây mì
 
Toàn tỉnh đã xuống giống vụ Đông Xuân 2017 - 2018 được gần 25.000 ha mì. Tuy nhiên, thời điểm này, các loại bệnh xuất hiện tại 62 xã ở 9 huyện, thành phố, trong đó 100% xã, thị trấn có diện tích trồng mì thuộc TP. Tây Ninh và 2 huyện Tân Châu, Tân Biên đều nhiễm bệnh khảm lá. Các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu và Bến Cầu có trên 80% số xã có diện tích mì bị nhiễm.
Người dân trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang phải đối mặt với nhiều bệnh xuất hiện trên cây khoai mì
Người dân trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang phải đối mặt với nhiều bệnh xuất hiện trên cây khoai mì

Các địa phương vẫn đang tích cực công tác dập dịch và phòng chống dịch bệnh khảm lá lây lan trên diện rộng. Trong đó, công tác phun thuốc trừ bọ phấn trắng trên cây mì tại các huyện mới công bố dịch đạt tỷ lệ khá cao. Cụ thể, Bến Cầu đạt 88% diện tích cần phun, Trảng Bàng đạt 100%. Tuy nhiên, công tác tiêu hủy nguồn cây mì giống bị bệnh đạt rất thấp và mới thực hiện trên diện tích mì non dưới 2 tháng tuổi./.

Mạnh Tiến (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top