Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 24 tháng 2 năm 2021 | 18:27

Chú trọng tái canh, xây dựng thương hiệu cà phê Tây Nguyên

Tái canh cà phê, chú trọng xây dựng thương hiệu cà phê Việt, đang là nỗ lực của người dân Tây Nguyên.

Đắk Lắk: Chú trọng tái canh cà phê

Tái canh cà phê đang là việc làm cấp bách để nâng cao chất lượng cà phê Đắk Lắk. Song, để đạt được mục tiêu đề ra, cần có sự thay đổi, điều chỉnh về giải pháp và chính sách phù hợp thực tế.

 

ca-91.jpg

Vườn cà phê tái canh của bà con xã Cư Suê

 

Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất Tây Nguyên, gần 210.000 ha, trong đó, khoảng 30% diện tích là cà phê già cỗi, cần tái canh. Để "giải cứu" cà phê trước nguy cơ già hóa, tỉnh có Kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2014 – 2020 và đã đạt một số kết quả tích cực.

Diện tích tái canh chủ yếu trồng giống mới, từng bước cải thiện năng suất, chất lượng cà phê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Chương trình đã đem lại một số hiệu quả như: trẻ hóa vườn cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi. Góp phần đưa sản lượng từ 390.500 tấn năm 2014 lên 476.424 tấn năm 2020.

Riêng diện tích cà phê tái canh được quản lý tốt về giống, kỹ thuật nên năng suất đạt bình quân 27,96 tạ/ha, tăng 2,97 tạ/ha so năng suất hiện có.

Tuy nhiên, diện tích tái canh không đạt so kế hoạch của tỉnh, do phần lớn diện tích là của nông hộ, vườn cây là nguồn thu nhập chính, do đó việc tái canh một lần, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của họ trong thời gian dài.

Vì thế, bà con chưa mạnh dạn tái canh cà phê. Mặt khác, giá một số cây ăn quả tăng cao như bơ, sầu riêng, nên người dân cũng không mặn mà trong việc tái canh, mà chuyển sang trồng sầu riêng, bơ và một số cây ăn quả giá trị cao hơn.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, diện tích cà phê trồng tái canh của tỉnh đến năm 2020 là 35.408 ha, đạt 85,14% (kế hoạch đến năm 2020 là 41.587 ha). Riêng  niên vụ 2019 - 2020, thực hiện 4.492 ha, đạt 61,3%.

Đơn cử huyện Cư M’gar nơi có diện tích cà phê lớn của tỉnh, hơn 37.800 ha, trong đó, nhiều diện tích được trồng từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Giai đoạn 2010 – 2020, huyện Cư M’gar có khoảng 16.000 ha cà phê cần chuyển đổi và tái canh, trong đó khoảng 4.700 ha cà phê cần chuyển đổi sang cây khác, do đất đai không phù hợp, độ dốc cao, thiếu nước. Hiện, huyện mới tái canh được 5.700 ha, đạt 57% kế hoạch.

Hay như TP. Buôn Ma Thuột, tổng diện tích cà phê hơn 11.311 ha, trong đó, diện tích kinh doanh trên 10.819 ha, sản lượng 27.611,2 tấn. Từ năm 2014 – 2020, T.p thực hiện tái canh, cải tạo được khoảng 2.317 ha, đạt 86,98% kế hoạch.

Đối với gói tín dụng cho vay tái canh, đã có 13 tổ chức tín dụng cho theo Nghị định Chinh phủ. Dư nợ cho vay tái canh đạt 1.736,94 tỷ đồng với 7.594 khách hàng còn dư nợ; tổng diện tích tái canh 7.714 ha.

Ngoài ra, cho vay tái canh theo Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) của Ngân hàng Thế giới, dư nợ năm 2020 là 69.254 triệu đồng, diện tích tái canh 797 ha.

Mặc dù được hỗ trợ nhưng trên thực tế, người dân vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng về tái canh. Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, nguyên nhân là do nguồn vốn giải ngân theo chu kỳ cây trồng rất nhỏ lẻ. Bình quân mỗi héc-ta cà phê được vay  nhỏ lẻ 3 - 4 lần, với số lượng không lớn lắm.  

Trong khi đó, nhu cầu của nông dân rất lớn, vì vừa tái canh, vừa phải chi tiêu. Do đó, để tái canh cà phê hiệu quả, Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh chính sách tín dụng ưu đãi phù hợp với thực tế, giảm bớt gánh nặng cho nông dân trong thời gian tái canh cho đến khi cây cho thu hoạch.

Sở NN-PTNT cũng đánh giá, việc khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, vì tài sản của một số doanh nghiệp, chủ yếu là đất thuê của Nhà nước, trả tiền hằng năm, trong khi chưa có đăng ký tài sản là vườn cây cà phê, nên việc đăng ký giao dịch bảo đảm không thực hiện được.

Hoặc, một số doanh nghiệp nhà nước có vốn tự có thấp, không đáp ứng quy định về hệ số nợ phải trả, trên vốn chủ sở hữu. Cùng với đó là, giá một số cây ăn quả như bơ, sầu riêng… ở mức cao nên nông dân không muốn tái canh cà phê mà có khuynh hướng trồng xen và cải tạo dần.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Sở NN-PTNT cũng kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, có cơ chế tín dụng đặc thù cho tái canh cà phê, trong đó ngoài việc ưu đãi hơn về cơ chế lãi suất, còn có các cơ chế như: mức cho vay lên đến 80% nhu cầu vốn, thời gian cho vay, thời gian ân hạn trả gốc, trả lãi đủ dài... tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích bà con tái canh cà phê.

Gia Lai: Đã có chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Hà

Ông Hà Tiến - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý Cà phê Đăk Hà và những việc cần làm để phát huy giá trị cà phê Đắk Hà, cũng như những thành công bước đầu trong việc triển khai Chương trình OCOP.

 

c-phe-3.jpg

 Cà phê Đắk Hà, kết tinh kỳ diệu từ đất lành. Ảnh: Thái Bana

 

Theo đó, thiên nhiên đã ban tặng cho Đăk Hà điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với chuyên canh cà phê. Và thực tế, Đắk Hà đã có những hạt cà phê đặc biệt.

Hiện, Đăk Hà đã được mệnh danh là 1 trong 8 vùng cà phê ngon nhất Việt Nam. Từ năm 2014, cà phê bột Đăk Hà với thương hiệu “Vị đắng Bắc Tây Nguyên” được công nhận đạt chuẩn UTZ Certified. Đây là lần đầu tiên UTZ Certified trao chứng nhận cho một sản phẩm cà phê bột của Việt Nam.

Với chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà”, đặc sản này trở nên thăng hoa hơn, đẳng cấp hơn.

 

Dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý Cà phê Đăk Hà nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ Kon Tum giai đoạn 2017-2020. Qua 3 năm tích cực chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ, ngày 26/12/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00079 cho cà phê Đăk Hà. UBND huyện Đăk Hà là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Cà phê Đăk Hà, tạo bước nhảy vọt trong quá trình xây dựng uy tín, khẳng định chất lượng vượt trội của các mặt hàng cà phê; là kết quả của nỗ lực phấn đấu trong nhiều năm của đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người trồng cà phê. Tất nhiên, trong đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của các cấp, ngành có liên quan.

Về khía cạnh pháp lý, bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp ngăn cấm những chủ thể không có thẩm quyền sử dụng chỉ dẫn, hoặc loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý, nhưng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu chất lượng; để sản phẩm có chỉ dẫn địa lý không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác.

Về mặt kinh tế, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sẽ đem lại niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, từ đó, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của sản phẩm và lợi ích cho người sản xuất.

Các doanh nghiệp đã tổ chức lại sản xuất, để đáp ứng các tiêu chí đã quy định, đồng thời, thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước.

 Vì vậy, đã làm gia tăng giá trị nông sản, phạm vi ảnh hưởng thương hiệu sản phẩm, người tiêu dùng trong và ngoài nước an tâm và tin tưởng khi sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà”, nhờ đó, thị trường luôn mở rộng theo thời gian.

Rõ ràng là, việc khai thác giá trị vô hình do chỉ dẫn địa lý mang lại, đã đem đến thế mạnh cho doanh nghiệp và người trồng cà phê trên địa bàn.Hiện, danh tiếng cà phê Đăk Hà đã được giới sành cà phê thừa nhận. Những năm gần đây, một số sản phẩm cà phê Đăk Hà đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Thuỵ Sĩ…

Khu vực địa lý có điều kiện tự nhiên độc đáo, các loại đất có tính chất lý hóa phù hợp với nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây cà phê, là những yếu tố tạo nên tính chất đặc biệt của sản phẩm chỉ dẫn địa lý cà phê Đăk Hà.

Đặc biệt, quy trình canh tác, thu hái sản phẩm, cũng góp phần tạo nên hương vị thơm ngon của cà phê Đăk Hà. Tại khu vực địa lý, cà phê chỉ được thu hoạch lúc đã chín hoàn toàn, hái bằng tay từng quả, hoặc từng chùm quả chín, không được tuốt cành, hoặc bứt cả chùm quả lẫn lá và cành cây.

Các yêu cầu khắt khe trong quy trình sơ chế, bảo quản, chế biến của cà phê Đăk Hà cũng chính là yếu tố giúp cho sản phẩm đạt chất lượng vượt trội.

Hơn ai hết, người trồng cà phê Đăk Hà hiểu rõ về những đặc trưng của sản phẩm. Ví như: cà phê nhân có mùi thơm nhẹ đặc trưng, không ngái, không có mùi lạ; cà phê hạt rang có màu nâu đến nâu đen, mùi thơm nức, hàm lượng chất béo cao, tạo nên vị béo ngậy. Hay cà phê tinh có màu nâu đậm, mùi thơm ngọt, vị chua thanh, hơi chát, đắng nhẹ, hậu vị lâu…

Vậy nên, không có gì lạ khi một cô chủ quán cà phê Đăk Hà có thể hiểu và giới thiệu tường tận về nó.

Có thể nói, năm 2020 là năm thành công của Đăk Hà trong Chương trình OCOP với 4 sản phẩm ý tưởng, 28 sản phẩm đặc trưng. Huyện đã tổ chức 2 cuộc đánh giá với 16 sản phẩm, kết quả, 1 sản phẩm đạt 5 sao ; 7 sản phẩm đạt 4 sao; 3 sản phẩm đạt 3 sao; 5 sản phẩm đạt 2 sao. Trong 16 sản phẩm cấp huyện ấy, có tới 13 sản phẩm cà phê.

Bên cạnh đó, huyện còn có 6 sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh đợt 1, được xếp hạng và cấp giấy chứng nhận OCOP, thì cả 6 đều là sản phẩm cà phê, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao; 4 sản phẩm đạt 3 sao. Trong 5 sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh đợt 2/2020, cũng có 3 sản phẩm cà phê.

Việc có chỉ dẫn địa lý là niềm tự hào, cũng là trách nhiệm, đòi hỏi nỗ lực không ngừng để giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với cà phê Đăk Hà.

Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”; phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Quy định về sử dụng chỉ dẫn địa lý cho cà phê Đăk Hà.

“Xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà chất lượng cao, là một giải pháp quan trọng, là cơ sở để thúc đẩy bền vững chuỗi giá trị sản phẩm. Vì vậy, sẽ ưu tiên vùng nguyên liệu gắn với chứng nhận chất lượng, phát triển bền vững; có sự kết nối và được kiểm soát theo chuỗi giá trị với sự tham gia một cách chủ động của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Có các chính sách và giải pháp đồng bộ để quảng bá, giới thiệu  hình ảnh cà phê Đăk Hà, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng – ông

Vì sao cà phê đột ngột tăng giá, lượng giao dịch "khủng”

Giá cà phê ngày 23/2 bất ngờ tăng lên 600 - 700 đồng/kg tại Tây Nguyên.
 

kfe-6.jpg

 Cà phê bất ngờ tăng 600 – 700 đồng/kg tại Tây Nguyên. Ảnh minh hoạ

Theo phân tích tại trang giacaphe, chốt phiên giao dịch đầu tuần vào đêm qua, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đã đảo chiều tăng vọt.

Cụ thể, kì hạn giao ngay tháng 5/2021 tăng thêm 36 USD, lên 1.416 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 37 USD, lên 1.431 USD/tấn, các mức tăng khá mạnh.

Đặc biệt, các phiên giao dịch chốt khối lượng ở mức"khủng" và được cho là hiếm thấy trong thời gian gần đây, trong đó, kì hạn giao trong tháng 5 đạt mức 23.593 tấn.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US (New York) cũng đột ngột tăng vọt. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng tới 5,8 cent, lên 134,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 5,7 cent, lên 136,7 cent/lb, các mức tăng rất mạnh.

Khối lượng giao dịch tại sàn này cũng rất cao, trên mức trung bình, trong đó kì hạn giao tháng 5/2021 lên tới hơn 42.100 tấn.

Về nguyên nhân giá cà phê bật tăng là do có tin đồn khả năng xảy ra sương giá ở miền Nam Brazil, do thời tiết xuống thấp ở những vùng cà phê tái canh mới cho sản lượng. Đây là những vùng cao có nhiều khả năng xảy ra sương giá nên cây cà phê đã được di chuyển xuống vùng thấp.

Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) theo đó cũng vừa phát hành cảnh báo Brazil sẽ gặp phải đợt sương giá nghiêm trọng trong mùa sương giá tháng 6,7,8 năm 2021.

Kèm theo đó là thông tin Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ thảo luận gói cứu trợ mới trị giá 1,9 ngàn tỷ USD trong khoảng 3 tuần - điều này đã có tác động tích cực lên thị trường cà phê kì hạn.

Giá cà phê thế giới tăng vọt, đã kéo theo giá cà phê trong nước tăng cao. Cụ thể, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên trong sáng 23/2 đã tăng tới 600 – 700 đồng/kg.

Tại Đắk Lắk, giá cà phê hôm nay bán ở mức 32.500 - 32.700 đồng/kg; giá cà phê tại Gia Lai 32.400 đồng/kg; giá cà phê tại Lâm Đồng từ 31.900-32.000 đồng/kg. Còn tại Kon Tum, Đắk Nông, giá cà phê giao dịch từ 32.100-32.400 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỉ lệ 5% đen vỡ, đứng ở 1.511 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 70 – 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London.

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top