Hiện, Tây Nguyên đang chú trọng sản xuất sạch, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là đang tái canh cà phê để phát triển bền vững.
Lâm Đồng: Trên 200 ha chuối Laba xuất ổn định sang Nhật
Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đạ K’Nàng, Đam Rông cho biết; đến thời điểm này, HTX đã vận động được trên 30 hộ dân, tham gia liên kết trồng 200 ha chuối Laba, để xuất bán quả sang thị trường Nhật Bản.
Chuối LaBa xuất khẩu sang Nhật được kiểm tra kỹ chất lượng. Ảnh: Việt Quỳnh
Bình quân mỗi tháng hợp tác xã sơ chế, đóng gói sản phẩm xuất sang thị trường Nhật Bản khoảng 8 - 12 container quả chuối, mỗi container 12 tấn, với giá bán dao động từ 8 - 9 ngàn đồng/kg. Bình quân, mỗi ha chuối cho thu hơn 200 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí đầu tư.
Ngoài việc phát triển diện tích cây chuối, HTX còn tạo việc làm từ 20 đến 30 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, với mức lương dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Đam Rông: Trồng chanh không hạt tránh phụ thuộc vào cà phê
Nhiều nông dân ở Liêng Srônh huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đã chọn cây chanh không hạt, trồng thuần, hoặc trồng xen trên diện tích cà phê sẵn có, để tăng thu nhập, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào cây cà phê như trước đây.
Chanh không hạt, phù hợp đất Liêng Srông.
Ông Trương Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh cho biết, bên cạnh cà phê, nhiều cây công nghiệp lâu năm như chanh, bưởi, sầu riêng, được người nông dân trên địa bàn xã đưa vào trồng và cho những kết quả tích cực, cả về năng suất lẫn chất lượng.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây, chanh không hạt được người dân địa phương lựa chọn nhiều, trồng thuần hoặc trồng xen trong vườn cà phê, mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Người đầu tiên trồng chanh không hạt ở Liêng Srônh là ông Lâm Tấn Sơn từ những năm 2010. Nhận thấy cây chanh không hạt phù hợp đất đai, khí hậu Lâm Đồng, hiệu quả kinh tế cao, ông đã chia sẻ kinh nghiệm cho những người đồng hương của mình, đến nay những gia đình này vẫn giữ vững và mở rộng diện tích.
Điển hình như gia đình ông Phạm Minh Thệ (Thôn 2) với 3 ha, ông Nguyễn Chí Thanh 1,2 ha… Từ kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ, huyện Đam Rông đã xây dựng mô hình trồng chanh không hạt, để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập và đời sống.
Là người trẻ với tư duy mới, sau khi tốt nghiệp Khoa Nông lâm Trường Đại học Đà Lạt, anh Kon Yông K’Khiếp cũng đã lựa chọn trồng xen canh chanh không hạt với cà phê.
Trên diện tích 3 sào cà phê sẵn có, K’Khiếp trồng xen 70 cây chanh. Theo tính toán của anh, khi bước vào giai đoạn kinh doanh chính, mỗi cây chanh có thể cho năng suất 80 - 100 kg/năm.
Chanh không hạt thường “đắt hàng” vào mùa nắng, từ thời điểm tháng 10 đến sau Tết Nguyên Đán, với giá bình quân dao động ở mức 10 - 15.000 đồng/kg.
Bên cạnh học hỏi người đi trước, K’Khiếp cũng chủ động tìm tòi, tham khảo các mô hình trồng chanh ở miền Tây, để kịp thời “bắt bệnh” cho cây tại vườn nhà.
Bởi để cây phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, người trồng phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nhất là khâu chọn giống và phòng bệnh như sâu ăn lá, nấm hồng gây hại thân cây…
“Chanh không hạt phải chăm sóc thường xuyên, vất vả hơn cà phê rất nhiều, nhưng đây là cây cho thu hoạch quanh năm, mỗi tháng hái khoảng 2 đợt. Nhờ đó, giúp cải thiện thu nhập gia đình, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào cà phê như trước nữa”, K’Khiếp chia sẻ.
Chanh không hạt trái to, vỏ mỏng, vị chua và thơm hơn các giống khác, nên được nhiều người ưa chuộng. Theo đó, năm 2016 Hội Nông dân xã Liêng Srônh đã tiến hành khảo sát và triển khai rộng rãi trong hội viên, khuyến khích bà con thay đổi suy nghĩ, tập quán canh tác, thử sức với cây trồng này.
Ông Rơ Ông Ha Doanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết, đến nay diện tích chanh không hạt trên địa bàn khoảng 20 ha, trong đó có 5 ha của 16 hộ người dân tộc thiểu số.
“Nhận thấy đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cây cà phê, nên chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tham quan, để bà con học hỏi.
Trung tâm Nông nghiệp huyện cũng hỗ trợ kỹ thuật, đến nay hầu hết các vườn đã thu hoạch ổn định, năng suất cao”, ông Ha Doanh cho biết thêm.
Đối với bà con DTTS, chanh không hạt là cây trồng mới, tuy không khó nhưng yêu cầu chăm sóc nhiều, và phải nắm vững kỹ thuật trồng.
Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ nên chất lượng chưa đồng đều và chủ yếu bán cho thương lái, nên giá cả không ổn định.
Hiện, Hội Nông dân xã vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi, làm theo và nhân rộng khoảng 10 ha. Từ đó, sẽ có điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu, tìm chuỗi liên kết và ổn định đầu ra, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Kon Tum: Tín hiệu vui từ tái canh cà phê ở Đăk Hà
Những năm qua, huyện Đăk Hà (Đắk Nông) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh cà phê theo hướng bền vững, từng bước thay thế cây già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp, bằng giống có năng suất, chất lượng cao.
Đăk Hà ngày càng mạnh dạn tái canh cây cà phê. Ảnh: T.H
Sau 5 năm thực hiện, việc tái canh cà phê bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá hơn và khẳng định đây là hướng đi đúng, để nâng cao thu nhập cho người trồng.
Năm 2015, huyện Đăk Hà bắt đầu thực hiện tái canh cây cà phê theo “Đề án phát triển cây cà phê tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
Tuy nhiên, 2 năm đầu, vì nhiều lý do như lo lắng về thu nhập, khó khăn vốn đầu tư, chưa hiểu hết lợi ích của việc tái canh…nên người dân và các doanh nghiệp còn dè dặt trong việc thực hiện.
Vì vậy, từ 2015- 2016, toàn huyện Đăk Hà chỉ tái canh được hơn 60ha cà phê. Sau khi các mô hình điểm được triển khai, đem hiệu quả kinh tế cao, năm 2017, phong trào tái canh cà phê tại Đăk Hà, mới thực sự mạnh mẽ và đang từng bước cho hiệu quả rõ rệt.
Anh Phạm Xuân Bé - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thế hệ mới Đăk Mar, cho biết: HTX có hơn 30ha cà phê tái canh, đến nay, đã có một số vườn cho thu hoạch.
Dù mới bắt đầu cho quả, nhưng các vườn cà phê tái canh cho năng suất vượt trội so với các vườn cũ. Vụ vừa rồi, năng suất bình quân của những vườn thu bói khoảng 13- 14 tấn quả tươi/ha, năm nay, chắc chắn sẽ đạt 16 – 17 tấn quả tươi/ha.
Năm 2016, ông Phạm Như Trại (thôn Đăk Lộc, xã Đăk Ngọk) một trong những hộ dân đi tiên phong phá bỏ 2.500 cây cà phê già cỗi, giống cũ, năng suất thấp, để trồng lại vườncà phê giống mới. Năm 2019, vườn cà phê bắt đầu cho quả bói, năm nay chính thức bước vào thời kỳ kinh doanh.
Ông Trại cho biết: Ban đầu tôi có chút đắn đo, vì trong 2 năm tái canh sẽ không có nguồn thu, từ trước đến nay, thu nhập của gia đình đều trông cả vào vườn cà phê.
Song, sau khi cân nhắc kỹ, tôi quyết định phá vườn cà phê 25 năm tuổi, cải tạo đất, trồng lại vườn cà phê mới. Tôi nghĩ, nếu chịu khó khắc phục một chút khó khăn ban đầu, sau đó sẽ có nguồn thu ổn định, lợi nhuận cao, chứ cứ khư khư giữ vườn cây cũ, năng suất thấp, lợi nhuận mỗi vụ cũng chẳng được là bao.
Hiện, đến nay, gia đình tôi bắt đầu được hưởng thành quả vườn cà phê tái canh từ bước đi đúng đắn này.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đăk Hà, tính đến nay, tổng diện tích tái canh cà phê trên địa bàn hơn 772 ha, trong đó nhân dân tái canh hơn 352ha, các doanh nghiệp nhà nước tái canh trên 420 ha; cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
Theo đó, diện tích cà phê tái canh cho thu hoạch niên vụ trước là 69ha, năng suất: 2,2 – 3 tấn cà phê nhân/ha. Năm nay, dự kiến toàn huyện sẽ có trên 100ha cà phê vào vụ thu hoạch mới.
Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đăk Hà, cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động của huyện, tỉnh Đắk Nông cũng tích cực hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật.
Đồng thời, tiếp sức vốn từ các chương trình, dự án, nên người dân ngày càng mạnh dạn tái canh cà phê, để trẻ hóa vườn cây, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, toàn bộ diện tích cà phê tái canh đều sử dụng các giống mới cao sản như: TRS1, TR4, TR9, có khả năng kháng được nhiều bệnh, năng suất cao, chất lượng ổn định.
Mặt khác, ngành nông nghiệp cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng biện pháp tưới phun mưa, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, để phòng trừ sâu bệnh, sử dụng các dạng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân vi sinh để bón cho cây, đảm bảo yêu cầu tái canh theo hướng bền vững.
Trong 5 năm tới, huyện Đăk Hà tiếp tục thực hiện tái canh 1.029,39 ha cà phê già cỗi, trong đó, diện tích tái canh của người dân là 585ha, của các doanh nghiệp nhà nước là 444,39ha.
Ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định, để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị hạt cà phê Đăk Hà thì tái canh là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn, quyết tâm phá bỏ vườn cà phê già cỗi để trồng mới.
Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân kỹ thuật, đưa sản xuất theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm cà phê hữu cơ, chất lượng cao.
Hiệu quả thực tế từ chương trình tái canh cà phê, đã có sức thuyết phục rất lớn đối với người trồng cà phê ở Đăk Hà. Đây chính là cơ sở để Đăk Hà tiếp tục triển khai có hiệu quả, lộ trình tái canh cà phê, giai đoạn 2021- 2025.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…