Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 7 năm 2016 | 2:20

Chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm: Làm theo yêu cầu khách hàng

Bác Tôm là tên gọi thân mật của ông Trần Mạnh Chiến, sáng lập viên chuỗi cửa hàng rau sạch Bác Tôm (Hà Nội). Từ cửa hàng đầu tiên ở số 6 Nguyễn Công Trứ, ra đời năm 2009, đến nay hệ thống đã có trên 20 điểm bán lẻ khác nhau. Điều đáng nói là, Bác Tôm thường xuyên nhận được yêu cầu mở thêm cửa hàng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Bác Tôm cùng bà con sản xuất susu tại Lương Sơn (Hòa Bình).

Tiện và sạch

Bà Phạm Thị Hảo ở ngõ 125 Thụy Khuê (Tây Hồ) cho biết, bà thường đến cửa hàng Bác Tôm số 16 Quán Thánh để mua thịt lợn, đồ hải sản, rau, nhất là hoa quả. Theo bà, thịt lợn trên thị trường tự do khó kiểm soát dư lượng kháng sinh, chất cấm, nên bà đã mua mặt hàng này ở đây nhiều năm nay. Các loại hoa quả bà ưa thích là nho, táo, bưởi…

Chủ cửa hàng Bác Tôm số 5, A15  Khu đô thị Mỗ Lao - chị Phương Linh cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi có nguồn gốc rõ ràng. Trái cây đến từ Tây Nam Bộ (Tiền Giang, Long An..); hải sản từ Nghệ An, Thanh Hóa, Cát Bà (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang); thịt lợn của Hòa Bình, Sóc Sơn (Hà Nội). Rau hữu cơ, rau an toàn từ Mộc Châu (Sơn La), Hòa Bình, Sóc Sơn (Hà Nội), Hà Nam... Các loại rau, củ, quả, tùy thời tiết, có thể để được 3- 5 ngày. Thịt lợn chỉ bán trong ngày, còn lại chuyển sang tủ đông, hoặc  bán cho nhân viên với giá ưu đãi.

Ngoài bán hàng, Bác Tôm còn hướng khách quan tâm thực phẩm sạch, tẩy chay thực phẩm bẩn. Chị Võ Quỳnh Trang, chung cư Mullberylane, khách hàng của Bác Tôm gần 1 năm nay, cho biết, chị thường xuyên mua hàng ở đây vì thấy đảm bảo vệ sinh, chất lượng tốt dù giá cao hơn bên ngoài 30%. Nhân viên khá nhiệt tình, nếu không đến cửa hàng thì gọi điện, sẽ được phục vụ tại nhà (giá không tăng).

“Có lần mua trái cây bị hỏng, cửa hàng đã vui vẻ đổi ngay. Tôi nghĩ, nên thiết lập nhiều cửa hàng bán lẻ như thế này để người tiêu dùng tin tưởng. Khi đã có chuỗi liên kết sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ, nông dân, ngư dân, doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm sạch; lợi nhuận tăng cao, chắc chắn giá cả đến tay người tiêu dùng sẽ hạ”, chị Trang phân tích.          

Chuỗi liên kết của Bác Tôm 

Ý tưởng xây dựng cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm đến với ông Chiến từ năm 2009, sau khi ông đã “yên bề” công danh và được xem là thành đạt trong nghề: Bảo vệ thành công Luận án Thạc sỹ ở Hà Lan (năm 2003) về chuyên ngành quản lý nông nghiệp và công tác tại Bộ Nông nghiệp và PTNT; chuyên gia tư vấn cho các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và các tổ chức nước ngoài.

Dù lương hàng chục triệu đồng/tháng nhưng ông vẫn “phá ngang”. Số là, trong quá trình làm việc, ông nhận thấy: Các dự án đã cung cấp cho bà con kỹ thuật, năng lực để làm ra sản phẩm nông nghiệp giá trị cao nhưng không hỗ trợ cho họ phát triển thị trường, nói cách khác là mới có đầu vào, chưa có đầu ra. Vì vậy, bà con không làm theo, hết dự án họ quay về sản xuất truyền thống, giá trị thấp như cũ, rất lãng phí. Thấy được điểm yếu của dự án, “bác Tôm” đã “rẽ ngang” sự nghiệp để làm nốt công đoạn: tìm đầu ra cho sản phẩm sạch. 

Là người trong cuộc, hiểu được việc xây dựng thị trường thực phẩm  sạch vô cùng khó khăn, nhưng lại rất bức thiết, cấp bách. Mặt khác, tiếc sản phẩm của nông dân làm ra, ông Chiến mạnh dạn đưa hàng đi giới thiệu cho các đơn vị phân phối lớn trong thành phố. Song, họ cũng chỉ trả giá như sản phẩm truyền thống. Đàm phán mãi không xong, ông nảy ra ý định thành lập cửa hàng bán lẻ để đưa sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Bắt tay vào việc, ông nhận được không ít lời bàn ra, tán vào của gia đình, bạn bè. Nhưng đã quyết là làm, và Cửa hàng Bác Tôm số 6 Nguyễn Công Trứ ra đời. Để tìm cho cửa hàng một cái tên, ông Chiến nghĩ ngay đến nhân vật bác Tôm (người quản gia tuyệt đối trung thành với chủ trong cuốn sách “Túp lều bác Tôm” - văn học Mỹ), đặt tên cho cửa hàng, thể hiện quyết tâm trung thành tuyệt đối với người tiêu dùng.

Song song với việc xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ, “Bác Tôm” bắt tay vào sản xuất. Nhờ sự tham vấn của Tổ chức Quốc tế IFOAM (Liên minh các Phong trào Nông nghiệp hữu cơ), ông Chiến đã xây dựng được hệ thống giám sát để những người tham gia phải tuân thủ quy trình. Tiếp đến là thuyết phục nông dân canh tác theo tư duy mới, do họ đang quen làm ăn theo kiểu cũ và chưa nhìn thấy thị trường tiềm năng ở đâu. Bước đầu đã có nhiều người bỏ cuộc, những người còn lại, ông phải nâng đỡ khá nhiều, và cùng với họ gặp gỡ chính quyền địa phương, làm công tác dồn điền đổi thửa. Sau khi có đất, tiến hành xét nghiệm mẫu đất và nước, để đảm bảo dư lượng hóa chất dưới mức cho phép. Khảo sát để cách ly ô nhiễm bên ngoài như: nhà máy, đường cao tốc... Làm bờ rào đệm xung quanh các ruộng lân cận (chưa sản xuất nông sản sạch), và tập huấn cho bà con ngay trên những khu ruộng đó.

Hiện, các địa phương đang cùng Bác Tôm tham gia sản xuất là xã Tân Xuân (Sóc Sơn - Hà Nội); Lương Sơn (Hòa Bình); Trác Văn (Duy Tiên - Hà Nam), với trên 300 hộ tham gia, chuyên trồng các loại rau, củ, quả hữu cơ; lực lượng này được chia thành nhiều nhóm (5 - 10 người/nhóm). Khu ruộng nào đủ điều kiện canh tác thì giao giống, phân bón hữu cơ (không dùng phân hóa học). Các kỹ sư nông nghiệp thay nhau ăn, ở tại địa phương để tư vấn, giám sát và chỉ đạo sản xuất. Bộ phận giám sát gồm: cán bộ chuyên ngành phối hợp với chính quyền địa phương, bà con nông dân và khách hàng, làm việc chi tiết với nhóm sản xuất, yêu cầu họ thực hiện đúng quy trình bộ sản xuất hữu cơ. Bộ phận thanh tra cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm hữu cơ, nếu bà con tuân thủ đúng quy trình. Chứng chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm (sau khi cấp chứng chỉ vẫn kiểm tra bất thường), năm sau nếu đạt sẽ cấp tiếp. Thanh tra toàn diện 2 lần/năm (nhỏ lẻ thì thường xuyên), nếu vi phạm tiêu chí sản xuất, tùy mức độ xử phạt, hoặc rút giấy chứng nhận. Trong 6 tháng đầu, đất đang có chất hóa học, chưa sạch hẳn, sản phẩm không bán theo giá rau hữu cơ.

Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sẽ thu mua cho bà con, có phòng sơ chế tại ruộng: đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc; trên tem có thông tin của nhóm, hộ sản xuất. “Chính người tiêu dùng đã định hướng sản xuất cho chúng tôi, họ có sẵn sàng tìm hiểu quy trình sản xuất, bán hàng như thế nào không, có quan tâm đến hàng sạch không, Bác Tôm luôn làm theo yêu cầu khách hàng. Nhà nước cũng phải giám sát chặt chẽ để tạo ra hành lang pháp lý; nếu là hàng sạch có thu mua cho nông dân không? Có làm có sai, phải khen, chê để động viên, khích lệ người sản xuất. Hiện, rau bẩn đang lấn át rau sạch, nhưng một ngày nào đó sẽ “đổi ngôi”, người sản xuất rau sạch sẽ giàu có hơn người trồng rau bẩn. Nếu toàn thể nông dân Việt Nam sản xuất rau hữu cơ thì nguồn đất, nước sẽ được cải tạo tốt, giá rau sạch lúc ấy sẽ hạ”, ông Chiến chia sẻ.

Dương An Như

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top